Đã nói đôi ba lần về hai nữ HLV tên tuổi của làng bóng chuyền quốc tế là các bà Lang Ping và Kim Ok Sun. Họ được xem như những tượng đài của bóng chuyền nữ thế giời và ở một mặt bằng thấp hơn, chúng ta cũng ghi nhận một số các nữ HLV của bóng chuyền Việt Nam, các vị tướng này là những ai?
NỮ TƯỚNG BÓNG CHUYỀN
Danh thủ Nguyễn Thị Mùi cùng tướng Lonnon tại Ganefo châu Á năm 1966.
Xứng đáng xếp trên cùng là bà Nguyễn Thị Mùi, cựu danh thủ, là tay đánh xuất sắc nhất của đội nữ bóng chuyền Việt Nam và là người có công lao lớn nhất trong tấm HCĐ của bóng chuyền Việt Nam tại Ganefo châu Á 1966, khi chúng ta chỉ xếp dưới 2 đôi mạnh nhất là Trung Quốc và Triều Tiên, xuất sắc đến mức được tướng Lonnon mời rượu và khiêu vũ trong tiệc lớn khi kết thúc cuộc chơi. Sau ngày giải phóng miền Nam, bà Mùi là HLV trưởng của đội bóng chuyền nam Đồng Nai, nơi có những mũi tấn công tốt và các học trò ngày ấy vẫn giữ nguyên sự ngưỡng mộ với bà, hiện nay bà Nguyễn Thị Mùi đang sống ở Đồng Nai, người phụ nữ U80 này vẫn tràn đầy nhiệt huyết với thể thao và bóng chuyền Việt Nam, sẵn sàng trao đổi và cống hiến cho sự phát triển của môn thế thao rất phổ biến này.
Nữ tướng thứ hai, theo tuổi tác, là cưu danh thủ Nguyễn Thị Kim Thanh. Kim Thanh là cây chuyền hai sắc bén của Trường huấn luyện khi xưa, có khuôn mặt xinh đẹp và dánh dấp thanh mảnh. Từng là HLV của đội bóng chuyền Thông tin và tới nay, phu nhân của cựu danh thủ Lê Đình Chính vẫn tươi nguyên tình yêu và khát vọng với thể thao. Người đàn em của Kim Thanh là nữ tướng Nguyễn Thị Hiền, cũng là một phụ công của Thông tin ngày nào, từng là HLV phó của đội tuyển bóng chuyền Việt Nam tại SEA Games tổ chức tại Nakhon Rachishama.
HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền luôn hết lòng vì các học trò.
Một gương mặt rất đáng yêu là HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền, đây là trường hợp khá đặc biệt khi bà Ngọc Hiền, một phụ nữ nhỏ nhắn và có dáng dấp khiến ít ai liên hệ tới môn bóng chuyền lại từng là thày của cả hai đội nam, nữ Long An. Nên nhớ, Long An cũng là một địa chỉ đỏ của bóng chuyền ở phía Nam, nơi từng cung cấp cho đất nước nhiều cầu thủ giỏi, thậm chí là siêu giỏi như trường hợp cá biệt biệt là phụ công Ngọc Hoa. Điều đáng nói ở HLV này là nét cần cù và sáng tạo của một tư duy sư phạm có đẳng cấp trong môi trường khá nghiệt ngã, là phẩm chất khiêm tốn và cầu thị của một phụ nữ phương Nam thấm đẫm tình người, tình đất.
Nữ tướng tiếp theo vốn là con gái xứ Thanh, bà Lê Thị Bình từng là tay chủ công mạnh mẽ của đội Thanh Hóa, sánh vai những mũi đánh kỳ cựu đến từ nhiều miền đất trong các giải quốc gia. Hiện tại, HLV Lê Thị Bình đang là thuyền trưởng của Tiến nông Thanh Hóa, người có công đưa đội tuyển của mình lọt vào Top 4 trong mấy mùa gần đây.
Bóng chuyền Thông tin và Ngân hàng Công thương gắn liền với tên tuổi của HLV Nguyễn Thúy Oanh.
Một tướng bà nữa, rất mát tay với bóng chuyền, là HLV Nguyễn Thúy Oanh, một phụ nữ Hà Nội xinh đẹp và giỏi dang. Thúy Oanh đến với bóng chuyền khá sớm và là tay chuyền hai mang áo số 10 của Thông tin và ĐTVN. Từ năm 2007-2009, Thúy Oanh là HLV phó của đội nữ bóng chuyền Việt Nam đi tham dự các kỳ SEA Games và ngay sau đó, tay chuyền hai này cần cù ươm mầm cho môn thể thao rất đáng yêu này, để lại cho hậu thế những học trò xuất sắc như Đinh Thị Thúy và các cầu thủ nhiều triển vọng khác. Năm rồi, HLV Nguyễn Thúy Oanh chính là người có công lớn đưa đội bóng chuyền trẻ của chúng ta gặt hái thành tích rất đáng kể, xếp hạng 4 châu Á và là mốc son trong sân chơi U19 của nữ bóng chuyền Việt Nam.
Mùa SEA Games 2011, trên ghế trợ lý HLV của đội nữ bóng chuyền Việt Nam là cựu chủ công Hà Thu Dậu. Tay đánh một thời lừng danh, quê gốc Yên Bái này đã lưu dấu ấn trên nhiều sàn đấu gần xa, có phong cách thật đáng yêu và một tấm lòng vị tha với lớp trẻ và với môn bóng chuyền. Hà Thu Dậu hiện tại là thành viên BHL của CLB hàng đầu là Ngân hàng Công thương, giờ đây đang lên đường tham dự Cup Hùng Vương trong tâm thế của nhà VĐQG ở mùa bóng 2016 và ứng viên tấm HCV của mùa giải này.
HLV Nguyễn Thu Hương luôn hết lòng với nghề.
Một gương mặt khả ái là tay đánh sấm sét Nguyễn Thị Thu Hương, cô gái có biệt danh Hương “cảnh sát”. Thu Hương từng là chủ công của Thông tin và ĐTQG, là cô gái sởi lởi, có cá tính mạnh mẽ và sự quyết đoán. Đến với đội bóng non trẻ Đắk Lắk chưa đầy một tuần, nữ tướng đã xắn tay vào cuộc và thổi làn gió mới vào lớp học trò, thầy trò Hương “cảnh sát” đã khiến nhà thi đấu Thái Bình dậy sóng khi hạ bệ 2 đội liền chị là Hải Dương và Tiến nông Thanh Hóa, khi trước đó đến với vòng I giải VĐQG với tư thế của đội bóng lót đường.
HLV Lê Hiền của Quảng Ninh.
Em út của nhóm nữ tướng này là cựu phụ công xuất sắc Lê Hiền, vốn là dân Quảng Ninh chính hiệu. Lê Hiền là thành viên đội tuyển BCVN và thi đấu chính thức trong trận đấu lịch sử, đã thắng ngược nữ Philippines để lần đầu tiên BCVN có tấm HCB tại SEA Games 21 tổ chức ở Kuala Lumpur - Malaysia năm 2001. Đồng đội của Lê Hiền khi đó là Kim Huệ, Hương Giang, Trần Hiền, Thanh Hoa, Đặng Thị Hồng và Hương Lan. Năm rồi, cô học trò nhỏ cua thày Mạnh “hói” năm xưa và đàn em của những cầu thủ dang tiếng như Lan Anh, Trần Yến, Bùi Hương …được trao “kiếm ấn” là thuyền trưởng đội nữ Quảng Ninh, quyết tâm phục hưng bóng chuyền đất mỏ và phấn đấu từ hạng A lên đội mạnh, qua một chặng đường hết sức cam go và đầy nỗ lực. Vào giải, Quảng Ninh ở Bảng A đã giành liền 3 trận thắng trước Vĩnh Phúc, TP.HCM và Đức Giang, là một thành công ngoài mong đợi.
Trong thành tích còn khiêm tốn ấy, có công lao của cựu tuyển thủ, HLV Lê Hiền - một gương mặt nhiều triển vọng của BCVN. Trong làng bóng, người hâm mộ cũng không quên một số HLV khác, chẳng hạn những HLV Hoàng Thúy Hằng, Trần Thị Yến hay Phạm Thanh Hà, Hồ Thị Phương…họ đều rất đáng yêu và đáng trọng. Vẫn nghe nói, bóng chuyền nữ như vườn hoa đẹp, các HLV tiêu biểu ấy thật sự là những bông hoa đẹp, nổi bật giữa đám đông và luôn được công chúng yêu mến.