Trước đây, nhiều địa phương từng cho biết rất muốn đăng cai Giải bóng chuyền VĐQG vừa để tạo lợi thế sân nhà, nhưng hơn hết để thúc đẩy phong trào bóng chuyền địa phương. Thế nhưng, do quy định mỗi địa phương muốn đăng cai phải đóng khoản phí 300 triệu nên nhiều đơn vị sau khi tính toán, cân nhắc đã tự động rút lui vì sợ lỗ.
Các địa phương chạy đua xin đăng cai Vòng 2 Giải bóng chuyền VĐQG 2017
Khán giả là một trong những yếu tố quyết định lựa chọn địa phương đăng cai giải bóng chuyền VĐQG.
Năm nay, sau khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam quyết định xóa quỹ, cùng với đó là cú hích khán giả từ cúp VTV9 Bình Điền vừa diễn ra mới đây. Dù vòng 2 Giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2017 còn 6 tháng nữa mới khởi tranh nhưng đã có rất đông các địa phương xếp hàng xin đăng cai như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Quân Đoàn 4, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Tây Ninh…
Được biết, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định cuối cùng. Trong đó các yếu tố như khoảng cách giữa hai địa phương xin đăng cai, khán giả, công tác tổ chức… sẽ được lưu ý và ưu tiên.
Vòng 2 Giải bóng chuyền VĐQG là vòng đấu mang tính chất quyết định với cả các đội bóng có tham vọng lẫn các đội bóng đặt mục tiêu trụ hạng. Nhà tài trợ chi 432 triệu đồng tiền thưởng cho cả giải nam và nữ. Các mức thưởng lần lượt là: Đội vô địch 100 triệu đồng, đội hạng Nhì 70 triệu đồng, đội hạng Ba 30 triệu đồng, đội giành giải khuyến khích 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 3 giải phụ khác cho VĐV toàn diện nhất (2 triệu đồng), VĐV chuyền hai hay nhất (2 triệu đồng), tổ trọng tài xuất sắc nhất (2 triệu đồng).