Dù Thái Bình là đất bóng chuyền, thế nhưng trung tâm này đang gặp khó trong việc tuyển người ngay từ tuyến năng khiếu. Đầu vào không tốt, các VĐV hầu hết thiếu chiều cao, PVD Thái Bình ngay lập tức gặp nhiều khó khăn trong việc giữ gìn vị thế là một trong những trung tâm mạnh hàng đầu của cả nước.
Búa máy Bùi Thị Huệ trở lại
Thế nhưng, một tin vui đến với bóng chuyền nữ Thái Bình trong năm 2017 khi chủ công Bùi Thị Huệ sau thời gian sinh con, cô đã quyết định trở lại cháy hết mình cùng bóng chuyền nữ quê hương. Trong thời gian vừa qua, Bùi Thị Huệ đã nỗ lực giảm cân, tăng cường thể lực nhằm lấy lại phong độ chuẩn bị cho vòng 1 Giải bóng chuyền VĐQG 2017.
Bùi Thị Huệ từng là mũi chủ công toàn diện nhất của bóng chuyền Việt Nam.
Cô gái sinh năm 1985 từng được coi là mũi chủ công hay nhất, toàn diện nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình thuần nông không có ai là dân thể thao tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy. Sớm bộc lộ tố chất tốt nên năm 1997 Huệ được tuyển vào luyện tập bóng chuyền tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Thái Bình. Biết bao khó khăn và bỡ ngỡ ban đầu, song Bùi Huệ nhanh chóng hoà nhập, với bản tính của nhà nông chất phác nên đã tích cực tập luyện và ngay từ đầu cô gái ấy đã thể hiện những yếu tố của một cầu thủ có triển vọng. Thế rồi chỉ sau ba năm luyện tập, Bùi Thị Huệ đã trở một trong những mũi đánh trụ cột của câu lạc bộ Vital Thái Bình.
Bùi Huệ từng tâm sự “Nhà em không có ai chơi thể thao. Lúc 12 tuổi, có một lần bố em thấy trên truyền hình đăng thông báo tuyển sinh lớp bóng chuyền năng khiếu ở Trung tâm TDTT và hỏi có thích đi tuyển không, em chỉ nghĩ đơn giản mình lộc ngộc thế, cao 1m63 có lẽ nếu đi tập sẽ không phải xấu hổ vì cao kều nữa nên xin bố cho đi. Nhà em ai cũng có chiều cao bình thường, chỉ có mỗi mình em là như thế...” Năm 16 tuổi cô chính thức lên đội 1 Thái Bình, đây cũng là thời điểm cô được gọi tên vào đội tuyển quốc gia và là VĐV trẻ tuổi nhất.
Tuy nhiên, Huệ bé - tên thân mật đồng đội tuyển QG đã gọi Bùi Huệ để phân biệt với Huệ lớn là Phạm Kim Huệ, chỉ thực sự lập nên kỳ tích khi tham dự VTV Cup lần đầu vào năm 2004, tại nhà thi đấu Trần Quốc Toản ở Nam Định. Tại sân chơi này, trong 6 trận đấu có tuyển Việt Nam tham dự, Bùi Thị Huệ 5 lần nhận được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất và đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời một cầu thủ chân chính.
Sức mạnh của các quả đập từ tay đánh Việt Nam mang áo số 14 là đáng sợ. Tôi đã nghe câu nói đó của một nữ cầu thủ Trung Quốc bên lề nhà thi đấu Trần Quốc Toản. Phải chăng chính ở giải này Bùi Thị Huệ đã một lần gây kinh ngạc tất cả khi nhảy đánh từ số 3 hơi xa lưới, quả bóng quá mạnh đã làm một cầu thủ to béo của đội tuyển Kazakhstan bật ngửa ngay trên sàn đấu, lập tức Huệ chạy qua nắm tay kéo bạn lên và cũng từ đó, cô gái Thái Bình ấy nhận thêm biệt danh vui vẻ là “tay đánh búa bổ”.
Đeo băng đội trưởng đội bóng chuyền Thái Bình, cô giúp Vital Thái Bình vô địch bóng chuyền quốc gia 2007, trong màu áo đội tuyển quốc gia, Bùi Thị Huệ cùng đồng đội liên tiếp giành ngôi Á quân từ SEA Games 21 đến SEA Games 25.
Cô có các biệt danh “búa máy”, “bàn tay sấm sét”, hay “tay đánh búa bổ” vì các động tác đập bóng mạnh, dứt khoát, có thể đập các quả “một tiếng” (tiếng bóng chạm tay và bóng chạm sàn gần như cùng lúc). Sự trở lại của Bùi Thị Huệ thực sự là rất cần thiết bởi thể lực, chuyên môn cũng như tinh thần thi đấu của cô vẫn rất tốt. Không những vậy, sự có mặt của Bùi Thị Huệ sẽ là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho các đàn em như Phạm Thị Diệp, Phạm Thị Phương, Trần Thị Thơm bên cạnh người đồng đội Lê Thị Mười.