Ít ngày sau khi cùng đội nữ Ngân hàng Công thương lần đầu tiên giành danh hiệu vô địch giải bóng chuyền VĐQG, chủ công Nguyễn Thị Xuân đã chính thức nói lời chia tay sự nghiệp, khép lại một cuộc hành trình đầy cảm xúc, chất chứa trong đó là niềm hạnh phúc cũng như sự cay đắng.
Chia tay “đóa hoa nở muộn”
Như vậy, kể từ mùa bóng 2017, đội bóng vốn dựa rất nhiều vào “bộ ba chiến binh” dạn dày kinh nghiệm Phạm Thị Kim Huệ, Nguyễn Thị Xuân và Hà Thị Hoa rốt cuộc đã phải từ giã người đầu tiên. Xuân chia tay bóng chuyền để trở thành một nhân viên ngân hàng gần nhà chồng (tại thành phố Đà Lạt) là quyết định khó khăn, nhưng vì tình yêu của chồng và cũng vì trách nhiệm của người phụ nữ, Xuân chấp nhận đánh đổi.
Chủ công Nguyễn Thị Xuân chính thức từ giã sự nghiệp thi đấu.
Nhiều người bảo chia tay như thế là mãn nguyện cho Nguyễn Thị Xuân, bởi lẽ cô đã cùng đội bóng của mình trải qua năm 2016 đầy ngọt ngào và ấn tượng khi giành gần hết các danh hiệu trong nước lẫn quốc tế, từ Cúp quốc tế VTV Bình Điền cho đến Cúp Hùng Vương và nổi bật là ngôi hậu của giải VĐQG 2016 sau hơn một thập niên chờ đợi.
Sắp sang tuổi 31, chưa ai nói Nguyễn Xuân đã già, chỉ chững lại đôi chút về chuyên môn vì vị trí chủ công của cô vốn tiêu tốn nhiều sức lực. Cô vẫn là người đội trưởng mẫn cán, vẫn là chỗ dựa về tinh thần ở những thời điểm khó khăn nhất của NHCT và đôi khi trong màu áo ĐTQG. Nói cách khác, Xuân chính là công thần đã xây dựng nên đội bóng NHCT giàu tham vọng như ngày nay, cùng với lứa những Nguyễn Thu Hòa, Đinh Thị Huyền và các đàn chị Nguyễn Thị Thúy, Vũ Thị Liễu, Nguyễn Thị Hiền, sau khi Dệt Nam Định được chuyển giao trở thành đội Ngân hàng Công thương vào năm 2003.
Từ vai phụ, Nguyễn Xuân (sinh năm 1986, cao 1m80) dần trưởng thành để trở thành thủ lĩnh của đội bóng ngành ngân hàng. Hơn 10 năm chơi bóng tại đây, cô đã nếm trải đủ cung bậc cảm xúc, có cả ngọt ngào lẫn đắng cay. Nhưng thật hiếm khi người ta thấy cô phàn nàn nửa câu, hoặc kêu than muốn dừng lại hay từ bỏ cuộc chơi giữa chừng.
Nhờ sức khỏe trời phú, chủ công người Nam Định hội tụ đủ tố chất trở thành VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp, nhưng ngay cả khi được tập trung cùng ĐTQG từ khá sớm thì cô chỉ được ví là “đóa hoa nở muộn” vì khi đó có rất nhiều ngôi sao tài năng khác xuất hiện, là đàn chị Trần Thị Hiền, là Bùi Thị Huệ hay Đinh Thị Diệu Châu… Mãi đến Cúp bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2012, Xuân mới có dịp bùng nổ, cùng các đồng đội vượt qua rất nhiều tên tuổi lớn, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc để về đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc.