Tiêu đề của website

Từ câu chuyện phiên hiệu Đức Long Gia Lai giải thể: Còn ai dám đầu tư bóng chuyền

Bóng chuyền Việt Nam không thiếu những đội bóng rất oanh liệt rồi bị giải thể trong tiếc nuối. Vì thế, trường hợp của đội nam Đức Long Gia Lai không phải bất ngờ. Chỉ một điều mọi người phải suy nghĩ đấy là khi bóng chuyền đang chờ đợi có thêm doanh nghiệp chung sức làm bóng chuyền thì gương rút lui hiển hiện trước mắt nên sẽ là điều khó cho những ai dám mạo hiểm tiếp tục cuộc chơi.


Bóng chuyền Việt Nam không thiếu những đội bóng rất oanh liệt rồi bị giải thể trong tiếc nuối. Vì thế, trường hợp của đội nam Đức Long Gia Lai không phải bất ngờ. Chỉ một điều mọi người phải suy nghĩ đấy là khi bóng chuyền đang chờ đợi có thêm doanh nghiệp chung sức làm bóng chuyền thì gương rút lui hiển hiện trước mắt nên sẽ là điều khó cho những ai dám mạo hiểm tiếp tục cuộc chơi.

Tiếc cho một mô hình

Phải nhìn vào thực tế, có đam mê với bóng chuyền, những năm đầu tiên, doanh nhân Bùi Pháp đã gây dựng đội Đức Long Gia Lai của mình là một thương hiệu rất hút cầu thủ. Không phải ngẫu nhiên, từ một đội bóng chập chững lên hạng (năm 2012), CLB này mang được về nhiều cầu thủ có tên tuổi như Nguyễn Hữu Hà, Wanchai (Thái Lan), Nguyễn Văn Hạnh, Thành Hạc, Văn Sang… Khi kinh tế không còn đủ chi trả, giải thể chỉ là hệ lụy từ sự chán nản của cầu thủ và từ sâu bên trong đội bóng đã không có tính ổn định chung.

Thời oanh liệt của bóng chuyền Đức Long Gia Lai đã chấm dứt.

Đây cũng là một điểm cố hữu của đội bóng do doanh nghiệp quản lý và gây dựng từ việc mua cầu thủ thật nhiều rồi về sau mới tính tới đào tạo trẻ lâu dài. Chính vì tất cả cầu thủ đều là VĐV các nơi về nên đơn thuần họ thi đấu trước tiên đúng với lương bổng mà đội bóng mang lại. Còn vì màu cờ sắc áo đảm bảo hình ảnh cho bóng chuyền Gia Lai, gần như không có cầu thủ nào xuất thân ở địa phương này nên không có được điều đó. Đức Long Gia Lai đã có 2 ngôi á quân vô địch quốc gia (năm 2012, 2014) và 1 chức vô địch quốc gia (năm 2013), không nhiều cầu thủ coi đây là đội bóng ruột cả đời mình.

3 năm trở lại đây, các đội bóng chuyền do doanh nghiệp đầu tư liên tiếp giải thể. Đội nam Tập đoàn Dầu khí VN, nữ Vietsov Petro, nữ Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương (sau đổi tên thành Bia Sài Gòn-TBD) đã không tồn tại. Bây giờ có thêm nam Đức Long Gia Lai. Hiện ở giải VĐQG còn 2 đội do doanh nghiệp đầu tư và quản lý trực tiếp là nữ NH Công Thương, VTV Bình Điền Long An.

Khi CLB này ra đời, mô hình hoạt động của nó ít nhiều đã khiến làng bóng chuyền nam phải có suy nghĩ khác thay vì chỉ yên tâm rằng cơ chế bao cấp là ổn thỏa. Trên thực tế, nếu ông Bùi Pháp không “mạnh tay”, thị trường chuyển nhượng VĐV của bóng chuyền nam khó có hợp đồng 1 tỷ 350 triệu đồng như Nguyễn Hữu Hà hay việc bỏ ra gần chục ngàn USD mời Wanchai thi đấu. Đội bóng này đồng thời là tâm điểm gây nhiều tranh cãi nhất ở việc giành cầu thủ về thi đấu làm các đội xảy ra tranh chấp (3 trường hợp cụ thể là Hữu Hà, Nguyễn Văn Hạnh, Văn Sang). Mọi người từ đấy hiểu rằng, cầu thủ bóng chuyền cũng có giá trị chuyển nhượng không nhỏ.

Tuy nhiên, tính bền vững đã không dài lâu. Sau 7 năm, ông Bùi Pháp tuyên bố giải thể đội bóng. Đức Long Gia Lai đã là một phần trong lịch sử phát triển của bóng chuyền nam và phần nào, người hâm mộ sẽ có ký ức khi nhắc lại đội bóng này. Chỉ có điều, ký ức ấy nhiều hay ít là từ sự gây dựng hình ảnh, cách hoạt động của họ ngày còn tồn tại hằn sâu trong người hâm mộ hay không mà thôi.

Xui khó tránh

Một thống kê không chính thống nhưng khá hợp lý đấy là những CLB có “dính” tới Đức Long Gia Lai đều phải giải thể. Hiện tại, một nửa quân số của Đức Long Gia Lai vốn xuất thân từ CLB nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước đây. Thậm chí HLV Bùi Quang Ngọc và trợ lý Trần Đăng Thành của đội bóng này từng làm việc tại CLB của dầu khí rồi mới lên phố núi. Đội bóng của ngành dầu khí đã giải thể. Đầu năm 2015, CLB Quân khu 5 (từng hợp tác phiên hiệu Đức Long Quân khu 5 trong giai đoạn 2009-2011) cũng thông báo giải thể do không còn được chủ trương tiếp tục với môn thể thao này.

Bây giờ, đến lượt Đức Long Gia Lai. Hai mô hình CLB Tập đoàn Dầu khí VN và Đức Long Gia Lai có cách hoạt động và sự vận hành không khác nhau. Con người của họ cũng bổ sung cho nhau (khi đội này giải thể, đội kia thoi thóp). Giờ, tất cả đều không tồn tại. Có thể, nói vận xui như vậy chỉ là một cách duy tâm nhưng với thực tế thể thao, thành bại hay tồn tại lâu của một phiên hiệu phụ thuộc hoàn toàn ở duy nhất ông chủ.

Đội bóng nào cũng có giai đoạn thăng trầm. CLB Seaprodex của TPHCM trước khi giải thể thậm chí còn oanh liệt hơn cả Đức Long Gia Lai lúc này. Đội bóng này do Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (Seaprodex) đầu tư. Thăng hoa có, cầu thủ nổi danh có nhưng khi khó khăn kinh tế không còn cho phép Tổng Công ty Seaprodex đủ nặng lòng với bóng chuyền nữa thì đội bóng phải giải thể vào năm 1997. Họ cũng mang lại sự cuồng nhiệt cho khán giả ngót nghét 10 năm (từ 1988 tới 1997). Một điều chắc chắn, cầu thủ của Seaprodex ngày ấy coi đội bóng như ngôi nhà của mình và họ dốc hết sức thi đấu cũng như không nản chí trong lúc thoái trào. Đội bóng của doanh nhân Bùi Pháp chưa thể tạo được sự mến mộ nhiệt thành của khán giả như CLB Seaprodex khi trước. Dù vậy 2 đội là những CLB phụ thuộc vào doanh nghiệp nên bị ảnh hưởng trực tiếp từ khó khăn kinh tế.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều