Tiêu đề của website

Sổ tay bóng chuyền: Các HLV bóng chuyền Việt Nam

Nghề chơi cũng lắm công phu, dạy và học môn bóng chuyền cũng thế. Lại nhớ câu: không thầy đố mày làm nên và nếu nhìn vào mặt sân bóng 9x9m2 sẽ thấy điều này là rất chuẩn. BCVN phát triển sớm, được yêu mến chẳng thua bóng đá dù đứng sau môn thể thao vua.


Khơi nguồn

Nghề chơi cũng lắm công phu, dạy và học môn bóng chuyền cũng thế. Lại nhớ câu: không thầy đố mày làm nên và nếu nhìn vào mặt sân bóng 9x9m2 sẽ thấy điều này là rất chuẩn. BCVN phát triển sớm, được yêu mến chẳng thua bóng đá dù đứng sau môn thể thao vua. BCVN lại tự hào hơn hết khi trong cuốn biên niên của mình có hình ảnh Bác Hồ đang chơi bóng cùng cán bộ chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc năm xưa. Ít ai biết người cận vệ chơi bóng cùng Bác ngày nào, sau này là ông Tạ Quang Chiến, Tổng cục trưởng TDTT đầu tiên của nhà nước ta và người phụ trách Ban thể thao – ông Vương Bích Vương, sau này cũng là Chủ tịch VFV khóa 1. Còn nữa, ông Vũ Kỳ là thư kí của Bác có nhớ rằng trên sân bóng ở chiến khu ngày nào, vị Chủ tịch nước Việt Nam DCCH rất vui vẻ và hăng hái, lại nói to với đồng đội phía sau Bác rằng “Chú ý nó bỏ nhỏ đấy!”, thật là những tình tiết xúc động của môn thể thao, khi ta nhớ lại người thày lớn nhất và vĩ đại nhất của mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc năm 1960, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 3, trong khi Bác Hồ xuống sân vận động Hàng Đẫy để đá quả bóng khai mạc thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống sân bóng chuyền trao cờ kỉ niệm và hoa cho HLV Lý Đức Kim trước trận đấu giao hữu…

Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt tay HLV Lý Đức Kim.

Hơn 50 năm qua, lớp lớp HLV của BCVN đã góp phần xây dựng môn thể thao rất phổ biến này, chính họ đã làm phong phú thêm cho đời sống thể thao và bóng chuyền của đất nước ta sau bao nhiêu năm gian khổ chiến đấu và thăng trầm. Và hôm nay, nhìn lại bước trưởng thành của mình, những người đã trực tiếp làm nên đại gia đình ấy rất đỗi tự hào là đã có một đội ngũ HLV đủ trình độ chính trị và chuyên môn để đi tiếp chặng đường mà các bậc tiền bối để lại. Nhớ về đại gia đình này, tôi hình dung ra mấy thế hệ các anh, chị như sau:

NHÓM CÁC BÔ LÃO

1. Lý Đức Kim

Đó là người thày đầu tiên của đội tuyển BCVN sau ngày cách mạng và thể thao bắt đầu đi vào quy củ ở miền Bắc, sau đó là ra đời 2 trung tâm thể thao lớn nhất: Trường huấn luyện TW và Thể Công. Anh Lý Đức Kim là cầu thủ Thể Công, to cao khỏe mạnh, có tri thức và tính tình hào sảng. Là HLV đưa đội tuyển nam thắng chủ nhà Indonesia 3-0 tại Ganefo 1963, một kì tích, sau đó lãnh đạo BC bước thêm những nấc thang mới.

2. Phan Thanh Lãng

Là HLV đội tuyển nữ đầu tiên của BCV, chinh chiến nhiều nơi và dẫn dắt những học trò tên tuổi như Nguyễn Thị Mùi, Hoàng Kim Liên, Nguyễn Bảo Oanh…giành tấm HCĐ tại Ganefo châu Á năm 1966 ở Campuchia và chỉ xếp sau Trung Quốc, Triều Tiên.

3. Phạm Tuấn

Là HLV đội bóng chuyền nữ quê hương 5 tấn với những tên tuổi Quách Thị Thoan, Vũ Thị Gái, Bùi Thị Lanh…bằng lối thi đấu can trường, phòng thủ hết sức hợp lý và thắng trận trước THL hùng mạnh để lấy HCV Đại hội TDTT toàn quốc “ngay trên tay những máy đập” của THL!

4. Nguyễn Văn Đạo

Là HLV đội BC nam BĐHN, một “ông vua chiến thuật” với rất nhiều sáng kiến hay, trong đó có một câu chuyện hy hữu. Giải VĐ miền Bắc trước ngày giải phóng không lâu, BĐHN sẽ gặp Thể Công và ông HLV trưởng BĐHN bỗng nghĩ ra chiêu mới, lập tức đưa quân xuống Hải Phòng và tại đây, một trong những bài tập hóc búa và li kì nhất là phát bóng điểm rơi, bởi Thể Công khi ấy đang rất mạnh song có một mắt xích rất yếu bước 1 là phụ công Nguyễn Hữu Dông. Và mấy ai biết, trong trận CK ấy, Nguyễn Hữu Dông phải đỡ bước 1 tới 89 lần, nên nhớ khi ấy chưa có Libero và đổi phát bóng mới có điểm, và thày trò ông Đạo đã lấy chiếc HCV rất phấn khích!

5. Hoàng Khoản

Là HLV của THL và HLV phó của đội nữ BCVN nhiều năm. HLV họ Hoàng rất chăm chỉ và mô phạm trong công việc, khi đoàn TTVN đi tập huấn dài ngày tại Thượng Hải, ông cùng HLV Lãng thay nhau làm việc và giành nhiều thành tích.

6. Đào Hữu Uyển

Cựu danh thủ Đào Hữu Uyển sau khi không thi đấu đỉnh cao đã được đi tu nghiệp ở ĐH Từ Sơn và sau đó lại đi học cao học ở Đức. Năm 1980 ông về nước với tấm bằng HLV cao cấp về BC đầu tiên ở Việt Nam và nhiều lần dẫn quân đi thi đấu gần xa.

7. Nguyễn Ngọc Mạnh

Biệt danh Mạnh “hói”, HLV Nguyễn Ngọc Mạnh rất nhiều mưu mẹo và lì lợm trong chỉ huy trận mạc. Vào trận CK giải VĐQG năm 1991, thày trò Mạnh “hói” gây sốc tất cả khi cùng các học trò Trần Yến, Lan Anh, Bùi Hương…hạ đo ván CLB Bộ Tư lệnh thông tin hùng mạnh trong một trận đấu kéo dài có 57’, sau đó vị tướng tài đã được triệu tập lên tuyển tham dự SEA Games 16.

NHÓM CÁC CỰU THẦN U60

Trong nhóm này, tôi nhận ra những gương mặt lão luyện như Nguyễn Hữu Dông (Thông tin), Nguyễn Mạnh Hùng (BĐHN), Phan Phước Điền (Seaprodex), Nguyễn Bá Nghị (Seaprodex), Nguyễn Xuân Dung (GBB), Lương Khương Thượng (VTV BĐLA), Trần Công Cường (Thái Bình), Trần Văn Thư (Thể Công). Đây là các HLV có nhiều cống hiến trong thời kì TTVN bắt đầu tái hội nhập với thể thao khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, số này nhìn chung đã đi qua chặng đường cần thiết nhất và đa phần họ cần được nghỉ ngơi.

Lớp tập huấn đầu tiên các HLV của BCVN năm 1990 tại Hà Nội.

NHÓM CÁC HLV SUNG SỨC

Đây là nhóm HLV đang cống hiến những tháng năm đẹp đẽ nhất cho thể thao và cho BCVN. Họ là những Bùi Huy Châm (Maseco), Nguyễn Quốc Vũ (VTV BĐ-LA), Nguyễn Văn Hải (Long An), Nguyễn Tuấn Kiệt (NHCT), Bùi Huy Sơn (Thông tin), Thái Thanh Tùng (PVD Thái Bình), Trần Minh Khang (QĐ4), Bùi Quang Ngọc (ĐL-GL), Nguyễn Đình Tiền (S. BP), Phùng Công Hưng (TC), Lê Văn Dũng (NHCT), Phạm Văn Long (Thông tin LVP) và vài người nữa.

NHÓM CÁC NỮ TƯỚNG

Họ thật đáng tự hào vì đã sánh bước phái mày râu trên con đường làm các HLV thể thao. Trong đó, cần nhắc tới bà chị cả là Nguyễn Thị Mùi, ngay sau khi miền Nam mới giải phóng, cựu danh thủ lừng lẫy này đã vào Nam và là HLV trưởng đội BC nam của Đồng Nai, nhiều phen thi đấu rất sắc sảo. Sau chị Mùi là nữ tướng Hoàng Kim Liên (Bưu Điện Hà Nội), Hoàng Thị Quế, Nguyễn Thị Kim Thanh (Thông Tin), miền nam có HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền của Long An, chị Hiền vừa là thày của đội nữ lại là thày của cả đội nam Long An. Kế đó là các nữ tướng Nguyễn Thúy Oanh (Thông tin, NHCT), Lê Thị Bình (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Hiền (PKKQ), Nguyễn Thu Hương (Thông tin), Nguyễn Tâm Anh (Thông tin), Trần Thị Yến (Quảng Ninh), Hà Thu Dậu (NHCT), Hồ Thị Phương (Tân Bình), Phạm Thanh Hà (Thông tin), Phạm Ngọc Anh (PKKQ).

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều