Năm 2006, tại Giải bóng chuyền nữ tranh Cúp Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (tiền thân là Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Bình Điền), trong màu áo đội bóng Bộ Tư lệnh Thông Tin, Trần Ngọc Diệp nổi lên như một hiện tượng khi mới 16 tuổi nhưng phụ công này đã cao tới 1m85.
Trần Ngọc Diệp: Xót xa cho một chân dài
Năm 2006, tại Giải bóng chuyền nữ tranh Cúp Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (tiền thân là Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Bình Điền), trong màu áo đội bóng Bộ Tư lệnh Thông Tin, Trần Ngọc Diệp nổi lên như một hiện tượng khi mới 16 tuổi nhưng phụ công này đã cao tới 1m85.
Theo như lời ông Phạm Văn Long trả lời báo chí khi đó: “Trong số các VĐV trẻ hiện nay, Diệp là trường hợp đặc cách duy nhất. Sở dĩ chúng tôi đôn em từ tuyến năng khiếu lên tập luyện cùng các VĐV sinh năm 1988 bởi chiều cao của em lúc ấy quá ấn tượng, chỉ mới 13 tuổi mà cao đến 1,79m". Thế nhưng, chính việc áp dụng phương pháp “đại khối lượng”, ép VĐV tập với khối lượng và cường độ nặng để mau chóng thi đấu đỉnh cao khiến “viên ngọc thô” Trần Ngọc Diệp phải đứt gánh giữa đường. Đau xót hơn là sau ca mổ gối lần 1, Ngọc Diệp còn chưa có thời gian hồi phục thì cô đã sớm phải quay lại tập luyện, cầy ải với khối lượng lớn. Hệ quả của nó là cô phải lên bàn mổ lần 2 khi cả hai gối đều dính phải chấn thương rất nặng.
Giấy hẹn mổ gối lần 3 của phụ công Trần Ngọc Diệp.
Bẵng đi một thời gian dài người ta không còn nhìn thấy Ngọc Diệp trên sàn đấu, hỏi ra mới biết từ năm 2012, với chấn thương quá nặng, Ngọc Diệp đã phải ngậm ngùi chia tay đội bóng khi không thể cố thêm nữa. Đó là điều tiếc nuối với những người làm chuyên môn bởi Diệp được coi như phụ công triển vọng hàng đầu của BCVN khi đó với cái tay vô cùng khéo léo và chiều cao được xếp vào hàng kỷ lục lên tới 1m88.
4 năm trôi qua với nhiều tủi hờn khi từ lứa đàn chị như Kim Huệ, Ngọc Hoa, Đỗ Minh... vẫn còn nổi danh thì với Diệp dù đã yên phận lập gia đình và làm mẹ, nhưng di chứng về chấn thương vẫn ngày đêm hành hạ. Chấn thương năm xưa giờ chuyển qua viêm khớp và thoái hóa nặng, Diệp phải mổ sớm nếu để lâu một chân sẽ hỏng và phải thay khớp. Theo kế hoạch, ngày thứ 2 tới đây (25/4) Ngọc Diệp sẽ lên bàn mổ lần 3 với số tiền tạm ứng lên tới 50 triệu đồng. Chỉ biết kêu trời, Ngọc Diệp than rằng: “Bao năm phải sống chung với lũ, chấn thương đeo đẳng tới giờ nghĩ lên bàn mổ mà sợ quá.” Còn với ông Nguyễn Đăng Cần giám sát của Liên đoàn BCVN, cựu Giám đốc Trung tâm Thể thao Quân đội không khỏi sót xa cho cháu gái của mình đã phải thốt lên rằng: “Thông Tin không khác gì máy nghiền gân. Họ đã làm thay đổi cuộc sống của cả một con người”.