Tiêu đề của website

Thanh Thúy về nước nhưng bóng chuyền nữ vẫn nguyên nỗi lo tại SEA Games 30

Sau 8 kỳ SEA Games liên tiếp có HCB, cách đây hai năm, bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tụt xuống HCĐ. Thế nhưng, ở SEA Games 30 này, khi mà Thanh Thúy gặp vấn đề về thể lực, yếu điểm ở hàng công, vị trí chuyền hai chưa tốt, các VĐV lại không có được trạng thái sung mãn, rất có thể bóng chuyền nữ nguy cơ không giành nổi huy chương sau 18 năm, dù chỉ có 4 đội dự tranh. 


Bóng chuyền nữ vẹn nguyên nỗi lo trước SEA Games 30.

Ngay trước thềm SEA Games 30, bóng chuyền nữ Việt Nam đã trải qua một giải đấu cấp khu vực với 6 trận toàn thua, điều chưa từng xảy ra trong suốt 20 năm nay, nhất là với cả các đối thủ vốn luôn thua kém mình. Đó là giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix gồm hai chặng, với 4 đội hàng đầu khu vực Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Không chỉ thất bại dễ dàng trước người Thái 2 trận, Việt Nam đã thua Indonesia và Philippines cả trận lượt đi lẫn lượt về. Trong đó, lần đầu sau hai thập kỷ, Việt Nam thua Philippines, và đáng nói hơn thua tới hai trận. Đáng nói hơn, những trận thua của đội tuyển nữ trước cả Indonesia lẫn Philippines đều theo cách không có gì để nuối tiếc hay biện hộ. 

Màn trình diễn cùng kết quả thảm bại tại ASEAN Grand Prix đã minh chứng tỏ rõ sự tụt hậu của bóng chuyền nữ - môn vốn luôn được xã hội quan tâm, đầu tư bậc nhất của thể thao Việt Nam. Chẳng những ngày càng bị người Thái bỏ xa, Việt Nam còn bị Indonesia qua mặt một cách rõ ràng, trong khi Philippines cũng đuổi kịp.

Chỉ vài năm trước, Indonesia và Philippines luôn là hai đối thủ mà Việt Nam không phải "tính đếm". Rất nhiều điểm yếu cơ bản của ĐTVN bộc lộ, rõ nhất như khả năng bắt bước một yếu kém, không có trụ cột, cùng một lối chơi thiếu mạch lạc và bản sắc. 

Thanh Thúy hội quân cùng đội tuyển nữ nhưng thể lực và phong độ rất đáng lo ngại.

Ít ai biết rằng vì thiếu người hỗ trợ, libero Kim Liên vì muốn quen các đường bóng nhanh, mạnh đã chủ động qua nhờ đội tuyển nam làm quân xanh nhảy phát bóng tấn công. “Cũng rất tội cho Kim Liên vì em ấy từng tâm sự rằng tập ở đây chỉ có tập đỡ phát bóng bay, nhưng qua kia thì đối thủ lại nhảy phát bóng tấn công vừa khó vừa mạnh. Nên Liên có qua nhờ mấy anh em VĐV đội nam nhảy phát bóng cho đội nữ tập chuyền một.” Từ Thanh Thuận cho biết. 

Bên cạnh đó, nhiều VĐV cũng gặp phải chấn thương, hay thể lực không tốt, kỹ thuật, tâm lý còn yếu sẽ là rất đáng lo cho SEA Games 30 tới đây. Có thể thấy, việc ngôi sao Nguyễn Thị Ngọc Hoa giải nghệ để lại một khoảng trống quá lớn, mà vẫn chưa có gương mặt và phương án nào có thể thay thế được. Chiều cao lý tưởng với nhiều VĐV trên 1m8 cũng chưa biến thành một lợi thế, đặc biệt với một đội hình hãy còn quá trẻ. 

Tại SEA Games 30, khả năng để bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn thành mục tiêu tái chiếm ngôi Á quân tại SEA Games 30 từng mất vào tay Indonesia hai năm trước được đánh giá là quá khó dù đối thủ không có sự góp mặt của tay đập Manganang. Thậm chí, đội đang đứng trước nguy cơ lần đầu, kể từ SEA Games 2001, văng khỏi nhóm có huy chương, dù cuộc đấu chỉ có 4 đội dự tranh. 

Bóng chuyền nữ Việt Nam từng 8 lần chấp nhận “phận bạc” đứng sau người Thái ở 8 kỳ SEA Games liên tiếp. Hai năm trước, đội lần đầu bị Indonesia qua mặt, ngậm ngùi lần đầu đứng thứ 3. Đến SEA Games 30, ngay cả các nhà quản lý huấn luyện cũng thừa nhận về nguy cơ lần đầu không giành nổi huy chương, sau 18 năm.


Nguồn: WEB THỂ THAO
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều