Tiêu đề của website

Rơi vào thế kẹt

Bóng chuyền Việt Nam vừa chốt danh sách số đội bóng dự tranh giải VĐQG 2016 cũng như xếp xong lịch thi đấu vòng 1 và vòng 2. Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà làm chuyên môn quan tâm lúc này chính là số phận của những VĐV thuộc đội Đức Long Gia Lai đã tuyên bố giải thể cách đây chưa lâu.


Bóng chuyền Việt Nam vừa chốt danh sách số đội bóng dự tranh giải VĐQG 2016 cũng như xếp xong lịch thi đấu vòng 1 và vòng 2. Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà làm chuyên môn quan tâm lúc này chính là số phận của những VĐV thuộc đội Đức Long Gia Lai đã tuyên bố giải thể cách đây chưa lâu.

Không có chuyện mở cửa cho các VĐV ra đi tự do, đội bóng phố Núi dường như vẫn bảo lưu quan điểm chuyển nhượng cho các đội bóng có nhu cầu nhằm gỡ gạc phần nào chi phí bỏ ra đầu tư nhiều năm qua. So sánh với cách hành xử của nhiều đội bóng giải thể trước đó như: Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia, Vietsov Petro, Cao su Phú Riềng… chưa biết ai bỏ ra nhiều tiền hơn ai, nhưng cách hành xử của ông bầu nơi đây không khiến người hâm mộ bóng chuyền nước nhà ngao ngán. Một số VĐV bắt buộc phải chấp thuận để sớm tìm được đội bóng mới đầu quân. Nhưng trường hợp của chủ công Nguyễn Văn Hạnh lại khác.

Chủ công Nguyễn Văn Hạnh vẫn chưa quyết định được tương lai của mình với nguồn thu nhập chủ yếu từ thi đấu hội làng.

Nhiều đội bóng chuyền nam lúc này rất muốn sở hữu Văn Hạnh, nhưng với những đội bóng nhà giàu như Maseco TP.HCM hay Sanet Khánh Hòa do đã bỏ ra rất nhiều tiền trước đó để đưa về các tay đập như Thanh Thuận hay Văn Dữ, nên với Văn Hạnh gần như đã hết cửa về những đội bóng này. Còn với những đội bóng có kinh tế yếu hơn, vì mức giá chuyển nhượng mà ĐLGL đưa ra quá cao nên dù rất muốn có Văn Hạnh trong đội hình nhưng cũng đành phải buông vì để nuôi một đội bóng họ còn phải chi nhiều khoản khác.

Theo chia sẻ với Chuyên trang Thông tin Bóng chuyền, một thành viên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phân tích: “Nếu hợp đồng của Hạnh cho ghi rõ anh là VĐV được ĐLGL thuê về với nhiệm vụ thi đấu thì một khi ĐLGL giải thể thì Văn Hạnh đã hết nghĩa vụ với đội bóng này. Còn trường hợp nếu Hạnh được thuê về với danh nghĩa ngôi sao để quảng bá cho doanh nghiệp thì lại là một nhẽ khác. Nhiều đội bóng cũng giải thể, điển hình như Tập đoàn Dầu khí đó, chắc chắn số tiền mà đội bóng ngành dầu khí đã bỏ ra phải gấp ĐLGL vài lần. Nhưng khi đã giải thể lãnh đạo họ vẫn chơi đẹp, vẫn tạo điều kiện cho các VĐV đấy thôi. Dù gì đã lao vào cuộc chơi thì phải chấp nhận được mất, để câu chuyện không trở nên ầm ĩ thì tốt nhất ĐLGL nên giải quyết sớm cho Văn Hạnh, để anh ta còn đi kiếm cơm nuôi vợ, nuôi con.”

Về phía Nguyễn Văn Hạnh, ngay cả khi được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam “bật đèn xanh”, hứa sẽ tạo điều kiện tối đa cho anh thi đấu ở vòng 1 giải VĐQG năm nay (khởi tranh vào đầu tháng 4), thì Văn Hạnh vẫn chưa quyết định được tương lai của mình. Tay đập từng có thời khoác áo các đội Đông Trường Sơn, Tràng An Ninh Bình cho biết anh chấp nhận làm khán giả ở vòng 1 giải VĐQG năm nay để chờ các thủ tục thanh lý từ phía Đức Long Gia Lai, đồng thời khẳng định sẽ không thi đấu cho bất cứ đội bóng nào hết, chỉ đấu các giải hội làng và phong trào để duy trì phong độ.

Hiện tại, đội bóng cũ của Văn Hạnh mới chỉ thông báo xin rút lui khỏi giải VĐQG, chưa đưa ra hướng giải quyết cuối cùng đối với các VĐV của họ. Ai cũng biết, vì muốn đẩy các VĐV vào diện chuyển nhượng nên đội bóng này mới làm vậy và không có chuyện họ giải phóng cho VĐV để tự do tìm kiếm nơi đầu quân mới. Đấy là lý do, chủ công từng khoác áo ĐTQG ngậm ngùi khước từ mọi lời mời để chờ đến ngày trở thành VĐV tự do thực sự.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều