“Cố gắng nỗ lực suốt 4 tháng trời, ròng rã đổ bao mồ hôi công sức chờ đợi một ngày được tỏa sáng mà giờ phải làm khán giả, đó là cảm giác đau xót cực độ của một người VĐV. Tôi từng làm khán giả ở chung kết SEA Games 26, hơn lúc nào hết, tôi hiểu được sự thất vọng của Thuận lúc này.” Kim Huệ chia sẻ.
Phụ công Phạm Thị Kim Huệ: "Thuận mau khỏe gánh phần cho chị nhé"
Kim Huệ là người chị thân thiết của chủ công Từ Thanh Thuận.
Sau những giờ tập luyện căng thẳng và vất vả ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội, hình ảnh người “chị già” Kim Huệ chở đứa em Thanh Thuận đi ăn Gogi, ăn chè, ăn ốc… đã trở nên quen thuộc. “Tôi quý chị Huệ lắm, càng khâm phục chị hơn khi ở tuổi 35 mà chị vẫn còn đam mê, còn nhiệt huyết và vẫn còn giữ được phong độ đỉnh cao để cống hiến và thi đấu. Tôi yêu mến chị Huệ vì sự thẳng thắn, vui vẻ hòa đồng. Chắc không phải mình tôi đâu, mà cả đội tuyển nam rồi cả đội tuyển nữ không ai ghét được chị ấy.” Thanh Thuận tâm sự.
Thuận bảo: "Có chị Huệ giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà."
4 tháng xa nhà, có một người chị gái như chị Huệ ở bên động viên, chia sẻ và giúp đỡ Thanh Thuận cũng cảm thấy đỡ tủi thân cũng như nhớ nhà. Những giọt mồ hôi, những buổi tập tưởng như kiệt sức nhưng nhớ đến hình ảnh chị Huệ, anh Hà như tiếp thêm cho Thuận động lực để cố gắng. Thế rồi, chấn thương ập đến ngay trận mở màn khiến giấc mơ vàng SEA Games của Từ Thanh Thuận nay còn đâu.
“Chị Huệ nói rằng em phải cố gắng, cuộc đời VĐV không thể tránh khỏi những lúc thăng, lúc trầm và việc giải đấu gặp phải chấn thương âu cũng là điều may rủi. Em là em của chị thì càng phải cố gắng, chị từng chịu nhiều áp lực từ chuyên môn, dư luận, HLV… nhưng chị đều vượt qua được. Em hãy xác định con đường mình đi và chỉ nhìn về hướng đó thôi, bất cứ thứ gì xung quanh cũng không thể cản bước được mình.” Từ Thanh Thuận cho biết.
Hiện tại, Từ Thanh Thuận đang nghỉ ngơi, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, Thanh Thuận tỏ ra quyết tâm khi cho biết: “Hi vọng mọi thứ sẽ ổn, tôi nghĩ màu cờ sắc áo lúc này quan trọng hơn nỗi đau.”