Tiêu đề của website

Bóng chuyền nữ Tân Bình: Làm lại thế nào?

“Dứt khoát phải trở lại hạng đội mạnh ngay mùa tới”, ông Phạm Ngọc Sơn, giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Tân Bình, khẳng định.

“Dứt khoát phải trở lại hạng đội mạnh ngay mùa tới”, ông Phạm Ngọc Sơn, giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Tân Bình, khẳng định.
Không chỉ thế, “khi đã trở lại thì chúng tôi sẽ làm mọi cách để đưa đội nữ Tân Bình vào thế ổn định bền vững”, ông Sơn quả quyết. Liệu đây có phải là lời nói trong một phút ngẫu hứng? Bởi lâu nay người ta vẫn cho rằng bóng chuyền nữ Tân Bình luôn lâm vào cảnh “góp mặt cho vui”, ngay khi thăng hạng đã lo đến chuyện rớt hạng vì “nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình”.
 
Tăng cường lực lượng Bóng chuyền Tân Bình quyết không cam chịu số phận hẩm hiu đó nữa, bắt đầu từ việc lãnh đạo ngành thể thao thành phố đã có định hướng trong việc tạo thế ổn định cho đội bóng đẳng cấp cao duy nhất của TPHCM. Từ nay, lãnh đạo Trung tân VH-TT Tân Bình sẽ được giao toàn quyền trong việc điều hành đội bóng, cả về chuyên môn lẫn tài chính. Về mặt chuyên môn, đội được quyền bổ sung VĐV cần thiết cũng như tăng cường ban huấn luyện để nâng cao thành tích. Đội được toàn quyền lập kế hoạch thi đấu, tập huấn cho phù hợp với điều kiện thực tế. Còn về tài chính, được toàn quyền vận động tài trợ để có thêm những khoản khác bù thêm vào kinh phí được ngành và quận cấp hàng năm. Ông Sơn nói: “Chúng tôi không quá viển vông khi nói đến chuyện thăng hạng ngay mùa tới mà có cơ sở để nghĩ đến điều này. VĐV xuất sắc nhất của đội là Cẩm Tú sẽ trở về đội sau thời gian được cho mượn. Điều thiếu của đội lâu nay là một thủ lĩnh trên sân và Tú có khả năng trở thành đầu tàu để đưa cả đội đi lên, bên cạnh chủ công Ngọc Hân và VĐV chuyền hai Châu”. Có thể tin vào điều đó vì trong thời gian thi đấu cho đội Truyền hình Vĩnh Long vừa qua, Cẩm Tú đã góp công không nhỏ để đội bóng này tạo nên nhiều chiến tích thuyết phục trước các đội có thực lực hơn hẳn ở Cúp Đức Long cũng như ở cả 2 vòng đấu của giải đội mạnh vừa qua. Và khi đã quyết “làm thiệt” thì Tân Bình cũng phải làm như nhiều đội khác: trong khi chờ lứa cầu thủ trẻ “chín tới”, Tân Bình sẽ thuê 1-2 cầu thủ ngoại chất lượng cao. Ngoài ra, Trung tâm VH-TT Tân Bình đã mời một HLV nhiều kinh nghiệm về dẫn dắt đội. Đó cũng là cách giúp HLV hiện nay là Hồ Thị Phương có thêm cơ hội rèn luyện thêm năng lực. Thêm tiền, thêm hy vọng Hiện đội Tân Bình đang có một lứa trẻ triển vọng, điển hình như VĐV Đào Thị Nhung đã được gọi tập trung vào đội tuyển trẻ QG dự giải châu Á vừa qua. Đó chính là những hạt giống đang được chăm sóc kỹ lưỡng, không chỉ về chuyên môn mà còn được tạo điều kiện học văn hóa đàng hoàng. “Chúng tôi quan niệm một VĐV tài giỏi cũng cần có một nền học vấn tốt”, ông Phạm Ngọc Sơn nói. Tuy nhiên, điều mà ông Sơn cho rằng sẽ tác động tích cực đến khả năng thăng hạng của đội là một doanh nghiệp đã đồng ý tài trợ 1 tỷ đồng/năm cho đội nữ Tân Bình. Khoản tiền này sẽ chỉ được dùng để trả thêm lương, thưởng cho VĐV, HLV chứ không phải dùng vào việc chi tiêu cho việc thi đấu của đội. Không chỉ thế, khoản thu nhập thêm ngoài lương từ tiền tài trợ sẽ được phân chia theo nguyên tắc tránh tình trạng cào bằng để tạo được tính cạnh tranh chính đáng giữa các VĐV. Chuyến tập huấn Thái Lan sắp tới là nhằm mục đích chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối năm, nhưng đó cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch “trở về mái nhà xưa” của bóng chuyền nữ Tân Bình. Với nỗ lực thể hiện ngay từ lúc này, cộng thêm sự hỗ trợ của ngành, có thể tin rằng họ sẽ thực hiện được điều đó ngay mùa bóng tới.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều