Tiêu đề của website

“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”!

Sau khi nghe tin TP.HCM không còn đại diện nào ở giải bóng chuyền đỉnh cao VN, một ông bạn rất mê bóng chuyền của tôi đã lẩy Kiều hai câu thế này: Đau đớn thay phận bóng chuyền/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!

Sau khi nghe tin TP.HCM không còn đại diện nào ở giải bóng chuyền đỉnh cao VN, một ông bạn rất mê bóng chuyền của tôi đã lẩy Kiều hai câu thế này: Đau đớn thay phận bóng chuyền/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!
Cùng với bóng đá và quần vợt, bóng chuyền là một trong ba môn thể thao được người dân TP.HCM rất mê. Sau ngày đất nước thống nhất, không cần đợi đến giải vô địch quốc gia có sự tham gia của Thể Công, Quân Đoàn 4, chỉ những trận tranh giải nội bộ của TP giữa Công Nhân Hóa Chất, In 2 (sau này chuyển thành Dệt Thành Công)... cũng đủ làm “vỡ” sân Phan Đình Phùng. Đến giữa thập niên 1990, bóng chuyền nam TP.HCM hoàn toàn làm chủ cả nước. Đội tuyển quốc gia dự các kỳ SEA Games hồi ấy chủ lực là từ Seaprodex, Dệt Thành Công và Công An TP.HCM.
Một pha tranh bóng trong trận TP.HCM thua QK7 ở vòng chung kết ngược - Ảnh: B.Nhật
Trên thực tế, bóng chuyền không quá khó làm như bóng đá. Nếu bóng đá buộc người chơi phải chọn một trong hai con đường: muốn chơi giỏi phải hi sinh chuyện học hoặc ngược lại và bắt đầu từ 11-12 tuổi, thì bóng chuyền chỉ cần có chiều cao (một ưu thế của dân TP.HCM) và 15-16 tuổi vẫn không là trễ. Bên cạnh đó, bóng chuyền không “hủy hoại” con đường học vấn và bằng chứng là những Châu Văn Lễ, Quốc Bảo... đã thành đạt. Nói điều này để nhằm khẳng định bóng chuyền là một môn phù hợp để phát triển tại TP.HCM. Tại sao chỉ trong vòng hơn chục năm truyền thống ấy hoàn toàn mất sạch, để đến độ bây giờ không còn một đội nào ở hàng ngũ đội mạnh? Ai cũng biết cố tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM Phan Phước Điền là người có công lớn trong việc tạo nên đội Seaprodex lừng lẫy. Sau khi ông Điền mất, tân tổng thư ký Trần Văn Nghĩa lên thay. Ông Nghĩa không giỏi chuyên môn bằng ông Điền nhưng trội hơn về lĩnh vực quan hệ quốc tế, kinh tế thể thao. Thời ông Nghĩa, bóng chuyền TP.HCM nói riêng và VN nói chung đã có một đời sống hết sức sôi động. Giải đấu trong nước và quốc tế được tổ chức liên tục, giải tỏa được khó khăn thiếu cơ hội thi đấu cho VĐV. Thời ấy, ông Nghĩa là một trong năm cán bộ trẻ xuất sắc của thể thao TP.HCM mà giám đốc Sở TDTT Phạm Văn Kiết vẫn thường tự hào gọi là “ngũ hổ tướng”. Nhưng sau khi ông Kiết nghỉ hưu, ông Nghĩa không còn trong guồng máy thể thao, thay ông là những người giúp việc cho ông. Nhưng họ chỉ là người giúp việc giỏi chứ không thể điều hành tốt. Từ đó, bóng chuyền TP trượt dài. Năm 2005, một doanh nhân có tiếng và rất mê bóng chuyền là ông Phạm Phú Ngọc Trai hạ quyết tâm vực dậy bóng chuyền TP.HCM. Nhưng đến năm 2009 ông phải tuyên bố từ chức bởi dù có tâm huyết hay uy tín đến mấy mà thiếu những người giúp việc giỏi, máu lửa thì cũng đành bó tay. Sự tan nát của bóng chuyền TP.HCM cũng là mẫu số chung cho sự sa sút của thể thao TP. Tuy thể thao TP.HCM không thiếu người giỏi, nhưng vì một quãng thời gian dài đối xử tệ với người giỏi khiến họ phải ra đi. Để rồi đến hôm nay, nói như ông Lê Bửu (nguyên giám đốc Sở TDTT TP.HCM, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT): phần lớn đội ngũ làm thể thao vừa thiếu tâm vừa thiếu tầm!

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều