Tiêu đề của website

TPHCM không nuôi nổi một đội bóng chuyền?

Một sự kiện rất đáng buồn vừa xảy ra hồi trung tuần tháng 10 khi lần đầu tiên, bóng chuyền TPHCM không còn đại diện nào thi đấu ở hạng cao nhất Việt Nam sau khi cả đội nam TPHCM lẫn đội nữ Tân Bình xuống hạng. Trong tất cả các môn thể thao thành tích cao của TPHCM, bóng chuyền là môn duy nhất trắng tay…

Một sự kiện rất đáng buồn vừa xảy ra hồi trung tuần tháng 10 khi lần đầu tiên, bóng chuyền TPHCM không còn đại diện nào thi đấu ở hạng cao nhất Việt Nam sau khi cả đội nam TPHCM lẫn đội nữ Tân Bình xuống hạng. Trong tất cả các môn thể thao thành tích cao của TPHCM, bóng chuyền là môn duy nhất trắng tay…
Cái chết” được báo trước Trong vòng 5 năm trở lại đây, tưởng chừng bóng chuyền TPHCM đã được “tái sinh” sau thời huy hoàng những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước. Năm 2005, CLB TPHCM thăng hạng đội mạnh và bóng chuyền TP có đến 2 đại diện (cùng với Công an TPHCM) tham dự hạng đấu này.
 Bóng chuyền TPHCM trắng tay tại mùa giải năm nay. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Đến năm 2007, 2 đội này sáp nhập để chuyển tên thành Thép Việt, cùng với đó là một nguồn lực tài chính rất mạnh từ công ty này. Đó là chưa nói, đại hội Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM lần thứ 5 diễn ra vào năm 2006 có sự trở lại của ông Phạm Phú Ngọc Trai, khi đó là Tổng Giám đốc Pepsi Việt Nam - một người yêu và gắn bó với bóng chuyền TP từ nhiệm kỳ 1, 2. Không khí lúc đó cực kỳ phấn chấn, ai ai cũng hy vọng từ một Thép Việt, sẽ có thêm các đội bóng khác như thời mà bóng chuyền TPHCM có đến 4-5 đội đánh ở giải cao nhất. Vậy mà cái không khí hừng hực ấy không tồn tại lâu. Chỉ một năm sau, Thép Việt rút tên và kế tiếp là những vị đứng đầu Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM mà tiêu biểu là ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng chia tay. Hậu quả đến ngay lập tức là ở mùa giải năm nay. Một cú trượt ngã khủng khiếp mà không ai có thể cứu vãn được. Mới đây, khi danh thủ Lê Hồng Hảo, người được coi là chứng nhân lịch sử của nền bóng chuyền TP suốt 20 năm qua cũng chính thức xin thôi việc sau khi đội TPHCM xuống hạng thì coi như nền bóng chuyền một thời oanh liệt đã chìm trong bóng tối. Với những ai yêu bóng chuyền TP thì đây là một “cái chết” đã được báo trước và nó diễn ra cũng khá ngắn ngủi, chỉ trong vòng 5-6 năm trở lại đây khi mà làng cầu TP không có khả năng đào tạo ra những tuyến kế thừa. Sau lứa cầu thủ rất tuyệt vời của Lê Hồng Hảo, Trương Hữu Vinh, Nguyễn Văn Hùng, Châu Văn Lễ những năm 80, bóng chuyền TP có sự tiếp nối của Tô Minh, Hoài Phương, Hồng Huy… xuất thân từ lò năng khiếu nghiệp vụ cuối những năm 90. Nhưng sau đó, không còn những tài năng như vậy nữa cho dù đã vét sạch các cầu thủ dồn vào một đội duy nhất đại diện cho bóng chuyền TP. Không nuôi nổi? Đó là câu hỏi dằn vặt suốt 5 năm qua mà bất ngờ thay, lại chẳng có câu trả lời. Một đội bóng chuyền chỉ chừng 20 người đổ lại, tính luôn cả tuyến 2 mà việc đào tạo một cầu thủ bóng chuyền cũng không gian nan như các môn khác khi tiêu chí chọn lựa đầu tiên chỉ là chiều cao (vốn là thế mạnh ở nơi có mức sống cao như TPHCM). Khoảng ngân sách nuôi đội bóng một năm chỉ chiếm chừng 1/3 so với một CLB bóng đá. Cơ sở vật chất tại TPHCM thì khỏi phải nói, chỉ có dư chứ chẳng bao giờ thiếu. Vậy mà bao nhiêu năm qua, đội nữ thì giao hẳn cho Tân Bình còn đội nam thì hết đưa về Bưu điện, rồi lại trả về cho trường năng khiếu, lưu lạc đến Dệt Thành Công, Thép Việt rồi về Liên đoàn Bóng chuyền TP để bây giờ xuống hạng. Khi ông Phạm Phú Ngọc Trai đồng ý trở lại vai trò chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền TP, ai cũng tin là tương lai sẽ xán lạn vì nếu nói bóng chuyền thiếu tiền không phát triển được thì sự có mặt của ông Trai đã bảo đảm nguồn tài chính rồi. Nhưng khi chính một người vừa có “lực”, vừa có uy tín và dư thừa lòng đam mê như ông Trai còn phải xin thôi chức giữa nhiệm kỳ thì ai cũng hiểu, vấn đề không nằm ở chỗ nuôi nổi hay không nổi một đội bóng chuyền nữa. Thực tế đến thời điểm này, chẳng vị lãnh đạo nào của Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM lên tiếng nhận trách nhiệm. 5 năm qua, đỉnh cao đã yếu còn phong trào thì hầu như không cải thiện. Các giải đấu một thời rầm rộ như giải sinh viên toàn thành, giải của Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung văn hóa Lao Động, Festival bóng chuyền học sinh và giải A1 toàn thành đều lần lượt biến mất hoặc tồn tại theo kiểu… rèn luyện tập luyện thân thể. Nói cách khác, toàn bộ sự tụt dốc này đã diễn ra trên thực tế và thấy được kết quả trong một khoảng thời gian rất dài nhưng không có gì để kìm hãm. Vậy phải chăng cả một TPHCM rộng lớn lại không nuôi nổi một đội bóng chuyền hay sao? Phải chăng sự sa sút trên là do bộ máy Liên đoàn Bóng chuyền TP làm việc không hiệu quả hoặc… không chịu làm gì?
Từ chức hàng loạt
Ở nhiệm kỳ 4 (2001-2005), Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM Đặng Ngọc Cần từ chức trước thời hạn. Tháng 9-2009, đến ông Phạm Phú Ngọc Trai từ chức. Trước đó, năm 2008 có phó chủ tịch Lê Hồng Triều, người có công duy trì môn bóng chuyền tại Cung văn hóa Lao Động, cũng đã từ chức. Tháng 7-2010, đến lượt tổng thư ký Nguyễn Hồng Điệp cũng nộp đơn và mới nhất chính là danh thủ Lê Hồng Hảo xin thôi việc. Ngoài các việc từ chức trên thì sự rút lui của Dệt Thành Công hay Thép Việt đều xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất, như chính ông Phạm Phú Ngọc Trai thừa nhận là do sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều