Tiêu đề của website

Lê Hồng Hảo: Sao không như ngày trước

Gặp huấn luyện viên bóng chuyền Lê Hồng Hảo sau khi biết tin anh nộp đơn từ chức, thấy anh vẫn bình thường. Hỏi, anh trả lời vì quyết định ấy đến từ trách nhiệm, lòng tự trọng nên hoàn toàn thanh thản. Thế nhưng, cả câu chuyện gần 2 giờ đồng hồ giữa chúng tôi lại đầy nghẹn sự dằn vặt…

Gặp huấn luyện viên bóng chuyền Lê Hồng Hảo sau khi biết tin anh nộp đơn từ chức, thấy anh vẫn bình thường. Hỏi, anh trả lời vì quyết định ấy đến từ trách nhiệm, lòng tự trọng nên hoàn toàn thanh thản. Thế nhưng, cả câu chuyện gần 2 giờ đồng hồ giữa chúng tôi lại đầy nghẹn sự dằn vặt…
* PV: Công bằng mà nói, anh phải là người chịu trách nhiệm khi đội TPHCM xuống hạng… Ông LÊ HỒNG HẢO: Tôi không hề trốn tránh điều đó, mà có trốn tránh cũng không được. Nhưng cái gì cũng đều có lý do của nó. Tôi là người đưa đội thăng hạng vào năm 2005 rồi cũng nhìn các em khóc khi xuống hạng. Hơn ai hết, chính tôi là người đau đớn nhất. Tôi không hề bào chữa hay đổ lỗi cho bất kỳ ai, nhưng trong 5 năm vừa qua, nếu như tôi được tin tưởng, tín nhiệm, được toàn quyền thì mọi thứ đã khác. Khi ấy, tôi thanh thản hơn nhiều.
Lê Hồng Hảo đang chỉ đạo và nỗi buồn của một người mang cảm giác bất lực. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
* Nhưng ai cũng nói việc xuống hạng của TPHCM là “cái chết được báo trước”. 5 năm chứ đâu ít phải không? Nhưng trong 5 năm đó, chúng ta có cơ hội để làm khác, để thay đổi. Năm 2005, khi dẫn mấy em đánh giá A1, trước trận đấu quyết định thầy trò ngồi với nhau, động viên nhau… đơn sơ lắm. Tôi nói với mấy em: “Thầy theo nghề cũng lâu, giờ cũng chẳng có gì trong nghiệp HLV, gia đình cũng chưa ổn định. Nếu lần này mình thăng hạng, thầy sẽ về lấy vợ, còn mấy đứa thì đánh ở hạng đội mạnh. Tương lai nằm trong tay chúng ta”. Chỉ bấy nhiêu đó thôi mà toàn đội quyết tâm thi đấu để thăng hạng. Hồi ấy là vậy, đam mê thôi chứ nghĩ ngợi gì đâu. Đến năm 2006, suýt nữa chúng tôi có thể vào đánh trận chung kết vô địch quốc gia. Với nền tảng khi ấy, tưởng khi có nhà tài trợ, có liên đoàn mới thì sẽ tốt hơn chứ… * Nhưng… Đến năm 2007, Dệt Thành Công tài trợ đội bóng, tình hình cũng khá ổn dù năm đó chúng tôi chơi không tốt lắm. Nhưng khi Dệt Thành Công rút lui, sự nôn nóng bắt đầu xuất hiện đi kèm quá nhiều lời hứa hẹn. Những VĐV trong đội không còn suy nghĩ đơn sơ như ngày đầu. Họ cần một chế độ hợp lý, cần những khoản thưởng kịp thời, cần những lời hứa được thực hiện, nhưng vì lý do này hay lý do khác mà tất cả những điều đó không đến kịp lúc. Rồi sau đó, phía liên đoàn thuê HLV ngoại nhưng các vấn đề cốt tử không giải quyết xong thì cũng chẳng làm sự việc tốt hơn. Đến năm 2009, khi Chủ tịch Phạm Phú Ngọc Trai từ chức, nhà tài trợ Thép Việt cũng đi luôn, lúc ấy tôi trở lại huấn luyện thì gần như làm lại từ đầu, tình hình còn tồi tệ hơn. Xuống hạng là điều đáng buồn nhưng không thể tránh khỏi. * Nói như anh thì đúng là có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút này, nhưng là người làm chuyên môn, theo anh đâu là nguyên nhân chính? Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng bóng chuyền TPHCM đã “mất hết”. Còn đấy chứ: Phong trào vẫn ổn, nguồn cầu thủ vẫn còn. Tuy nhiên, nền tảng cho đỉnh cao đã không còn như xưa thành ra phải tỉnh táo mà làm lại. 5 năm qua, cái tôi thấy nhiều nhất là từ phía bộ môn lẫn liên đoàn cứ chăm chăm vào đội bóng duy nhất do tôi huấn luyện, thay vì phát triển bề rộng để hỗ trợ thêm. Chúng ta cứ cố gắng giữ thành tích, rồi bám víu lấy thành tích ấy đến giờ thì tuột tay. Hơn nữa, làm sao thi đấu trong môi trường áp lực như vậy trong khi các vấn đề chế độ, đầu ra cho VĐV hay cụ thể hơn là sự ổn định về mặt tài chính không có. Ngày xưa khác nhiều… Anh nói đến ngày xưa, tức thời anh còn chơi cho Seaprodex? Đúng vậy. Nhiều lúc mệt mỏi tôi hay tự hỏi “sao không được như ngày xưa nhỉ”. Hồi đó, dù là VĐV do thành phố đào tạo nhưng khi chuyển cho Seaprodex thì chúng tôi là người của họ, họ chăm chút, quan tâm lắm. VĐV chúng tôi cũng yên tâm vì nghĩ rằng nếu không thi đấu nữa thì mình sẽ làm công nhân của công ty, tâm huyết dồn cả cho thi đấu và tập luyện. Tôi thấy mô hình ngày xưa mới thực sự là chuyên nghiệp: Trường năng khiếu nghiệp vụ “xuất” ra một đợt mười mấy cầu thủ, 4-5 đội mạnh hồi ấy cứ thế mà chia nhau. Tất nhiên đội nào có thành tích cao thì lấy được cầu thủ tốt hơn. Nhưng hồi đó, các đội toàn quyền, tự chịu trách nhiệm bảo đảm cho VĐV cũng như thành tích. Nhờ mô hình đó mình mới có Seaprodex, Dệt Thành Công, Công an TPHCM, In 2, Hóa Chất... đều đều nhau về chất lượng. Cứ theo cách ấy, lỡ Seaprodex chơi không tốt thì tập trung cho Dệt hay Công an… sẽ có nhiều chọn lựa hơn bây giờ. * Nhưng anh có công nhận là bây giờ đâu còn nhiều nơi “nuôi” bóng chuyền theo kiểu ấy. Hơn nữa, mức đầu tư cũng chẳng hề thấp… Tôi biết là còn, dù đúng là không nhiều. Hơn nữa, giữa nuôi một đội bóng và tài trợ thương hiệu gắn tên thì cách sau ít tốn kém hơn, dễ thấy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở các doanh nghiệp mà nằm ở cách tổ chức của bộ môn và liên đoàn. Chúng ta phải làm gì, tạo điều kiện gì, bảo đảm cái gì thì người ta mới tham gia chứ. Trong khi hiện tại, theo tôi biết chẳng có kế hoạch hay định hướng gì xa cả, loanh quanh rồi cũng cố mà thăng hạng mùa sau với một đội duy nhất, trong khi chế độ vẫn theo khung của quy định nhà nước, đầu ra không có, VĐV thì vừa học vừa chơi không toàn tâm theo đuổi sự nghiệp. Những người có trách nhiệm thì dường như “bằng mặt không bằng lòng”, cũng chỉ chăm chăm vào thành tích, can thiệp sâu vào chuyên môn thay vì phát triển bề rộng cho phong trào, mong gì đến chuyện có 2-3 đội như thời Seaprodex. * Nói như vậy là anh đã nản lòng. Chắc anh từ chức để tìm một lối đi khác hay có đội mời anh rồi… Nản thì có nản, chủ yếu là mình bị cảm giác bất lực, không biết mình sẽ làm gì là tốt nhất. Tôi từ chức cũng để tìm cho mình thời gian thanh thản, suy nghĩ lại mọi thứ chứ đam mê thì không mất, không thể mất được. Nếu tôi nghĩ để chọn một nghề khác thì đâu có đi theo bóng chuyền lâu đến vậy. Còn chuyện có ai mời tôi không thì tôi cũng không biết. Điều duy nhất tôi biết là mình được đào tạo, nuôi dưỡng và thành danh tại TPHCM, đi đâu, làm gì, chỉ cần có việc để góp tay phát triển bóng chuyền thành phố thì tôi sẽ quay lại, sẽ làm. * Và lúc đó anh sẽ nói: Giá như mình có nhiều quyền hành Tôi tâm niệm mỗi người mỗi việc và hãy làm đúng với việc ấy. Tôi cũng chỉ làm chuyên môn, làm với điều mình đam mê từ trước đến nay. Nó đã là máu thịt mất rồi. Thành ra, nếu phải chứng minh cái gì thì tôi cũng chứng minh rằng mình đúng trong chính công việc của mình. Tôi sẽ nỗ lực hết mình vì điều đó.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều