Tiêu đề của website

Phong trào bóng chuyền TPHCM: Hấp hối!

  Kết thúc giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2010, cả hai đội bóng nam, nữ của địa phương từng một thời làm mưa làm gió là TP. Hồ Chí Minh đều nhận vé xuống hạng. Rất nhiều bạn đọc đã gửi thư về Ban biên tập TinTheThao.com.vn chia sẻ nỗi buồn này và dưới đây là bài phân tích của một bạn ở địa chỉ email super...@yahoo.com.vn

(TinTheThao.com.vn) - Kết thúc giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2010, cả hai đội bóng nam, nữ của địa phương từng một thời làm mưa làm gió là TP. Hồ Chí Minh đều nhận vé xuống hạng. Rất nhiều bạn đọc đã gửi thư về Ban biên tập TinTheThao.com.vn chia sẻ nỗi buồn này và dưới đây là bài phân tích của một bạn ở địa chỉ email super...@yahoo.com.vn
Có lẽ người hâm mộ bóng chuyền ở thành phố này không ai không biết chuyện CLB.TPHCM xuống hạng sau khi kết thúc giải đội mạnh mùa này. Tôi, với niềm say mê bóng chuyền từ thuở nhỏ, cũng không khỏi nuối tiếc. Phải, nuối tiếc nhưng không ngạc nhiên!
 Bóng chuyền TPHCM trắng tay tại mùa giải năm nay. Ảnh: NGUYỄN NHÂN (SGGP)
Khoảng 10 năm trước, khi còn là một cậu bé tiểu học, tôi thường theo chân cha tôi - một người máu lửa với phong trào bóng chuyền học sinh - đến xem những trận đấu của các anh chị trung học. Ngày đó mỗi vòng loại được chia ra 3,4 bảng đấu là chuyện bình thường. Học sinh ngày ấy mê bóng chuyền đến nỗi một đội đấu, mà cả một “đạo quân” người hâm mộ đứng cổ vũ xung quanh. Xem các cô cậu tú hăng say tranh tài, các huấn luyện viên ra sức chỉ đạo mà lòng tôi cảm thấy rộn ràng! Thời gian trôi đi, tôi trở thành thành viên của một đội bóng trung học giàu thành tích, 3-4 bảng đấu ngày xưa giờ chỉ còn 2, cũng còn đó sự hăng say nhiệt huyết nhưng lượng khán giả và cầu thủ cứ vơi dần đi. Hiện tại 2 bảng đấu chỉ còn...1 và các đội buộc phải đánh vòng tròn. Các đội bóng học sinh giàu truyền thống như Quận 6, Bình Thạnh hay Củ Chi khó tìm được đối thủ cho mình, đối đầu nhau liên tục đâm ra chán nản! Ngay cả các giải quan trọng như giải trẻ học sinh-sinh viên, giải cốt yếu nhằm tuyển chọn các vận động viên trẻ lên con dường chuyên nghiệp cũng chỉ đấu vòng tròn. Quả thực, phong trào bóng chuyền của thành phố cỏ vẻ như đang trút những hơi thở cuối cùng! Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính. Một là, học sinh thiếu sân chơi trầm trọng, hoặc có sân thì cũng thiếu... banh, lưới. Hiện nay, các sân futsal, sân cỏ nhân tạo mọc lên như nấm nhưng sân bóng chuyền thì chỉ có dân chuyên mới biết ở chốn nào! Các nhà thi đấu đa năng muốn tập thì phải trả phí cao, một chuyện gần như không thể được ở giới học sinh-sinh viên! Hai là, đầu tư định hướng sai lệch. Người Sài Gòn gần đây có khuynh hướng cho con em mình học bóng rổ hay tennis, những môn không phù hợp với người Việt Nam vì thể hình và thể lực hạn chế. Hơn nữa, việc kiếm một huấn luyện viên bóng rổ hay tennis có tầm là gần như không thể! Xem một giải bóng rổ học sinh thành phố mà tôi thấy..não lòng vì trình độ chuyên môn kém! Chủ trương đầu tư dàn trải của thành phố đã mang về những kết quả..ngược lại: tuyến năng khiếu tập luyện vì tiền nhiều hơn là đam mê, hay gần đây là việc VĐV chuyển sang tỉnh khác thi đấu và hiện trạng lậu VĐV nhằm tìm kiếm thành tích! Hãy nhìn qua nước láng giềng Thái Lan, nhờ biết đâu là điểm mạnh của mình mà đội tuyển bóng chuyền nữ của họ đã giành ngôi hậu của Châu Á. Cuối cùng là, “lửa đã tắt”! Lấy ví dụ ở công tác chuẩn bị sân thi đấu: các học sinh luôn phải thi đấu ngoài cái nắng chói chang của miền nhiệt đới chứ không được vào sân mái che, các bạn nữ vì thế mà chẳng mấy ai ham thích bóng chuyền nữa. Thậm chí còn có giải lấy cả sân... tennis, cầu lông thi đấu!? Việc các nhà tài trợ như Vifon-Acecook (giải học sinh), Sting hay Thép Việt rút lui cũng là một minh chứng. Vấn đề này khiến giới bóng chuyền hiện nay thích đánh ”độ” để kiếm bộn tiền hơn là tập luyện để đấu giải phong trào hay kí hợp đồng chuyên nghiệp! Ngoài ra gần đây có một việc khiến không ít người bức xúc: ngay cả một giải lớn như Giải vô địch đội mạnh toàn quốc cũng không được truyền hình trực tiếp. Các kênh “Thể thao TV”, HTV2 cứ phát đi phát lại các trận bóng đá hay tennis cũ rích, bóng chuyền thì chả thấy đâu!? Khâu quảng bá và “truyền lửa” thế là thất bại! Cá nhân tôi mong rằng sẽ có một cuộc cách mạng ở môn bóng chuyền nói riêng cũng như bộ mặt của làng thể thao thành phố nói chung. Chúng ta có quyền hi vọng rằng một ngày nào đó, không chỉ hình bóng của một “Seaprodex” xưa kia, mà là nhiều ”Seaprodex” sẽ trở lại, vực dậy và làm rạng rỡ tinh thần bóng chuyền của người dân thành phố mang tên Bác.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều