Tiêu đề của website

Điểm sáng văn hóa trên dãy Trường Sơn

QĐND - Mùa thu ở miền tây Quảng Bình thật kỳ lạ. Chiều biên giới đang nắng gắt bỗng cơn mưa ào qua rồi tạnh rất nhanh. Vừa hết mưa, trận thi đấu bóng chuyền giữa các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Cha Lo với Đồn…

QĐND - Mùa thu ở miền tây Quảng Bình thật kỳ lạ. Chiều biên giới đang nắng gắt bỗng cơn mưa ào qua rồi tạnh rất nhanh. Vừa hết mưa, trận thi đấu bóng chuyền giữa các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Cha Lo với Đồn Na Phầu của tỉnh Khăm Muộn (Lào) lại tiếp tục sôi nổi.
Vào khuôn viên đơn vị, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đang mùa thu mà hoa đào đã nở rộ như giữa mùa xuân. Thượng tá Phan Thanh Tâm, Đồn trưởng cho biết: Cả đồn có nhiều bồn hoa, vườn hoa cây cảnh, nhưng riêng vườn đào luôn nở hoa quanh năm. Do ảnh hưởng của khí hậu Lào với hai mùa mưa nắng, thời tiết khắc nghiệt, đất cằn đá sỏi nhưng do chịu khó chăm sóc nên các loại cây luôn tươi xanh. Có được cơ ngơi như hôm nay, cán bộ chiến sĩ của đồn đã bỏ ra không ít công sức để tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Là một đơn vị làm nhiệm vụ giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới và kiểm soát xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, đồn Cha Lo vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, vừa coi trọng công tác xây dựng môi trường văn hóa. Đóng quân trên vùng núi đá, để tạo được mặt bằng đẹp và đất đai tốt để trồng cây, đơn vị đã tổ chức làm ngoài giờ nhiều ngày công. Chiến sĩ san đá, đào hố và đổ đất màu, chở đất từ suối lên, biến sỏi đá thành khuôn viên cây xanh. Hiện nay, trong doanh trại của đồn có 13 bồn hoa, 15 gốc đào và 45 gốc cau cảnh. Ngoài ra, còn nhiều dãy cây ăn quả như: Xoài, nhãn, bưởi, tỏa bóng sum suê, các loại cây cảnh được cắt tỉa công phu và chăm sóc từng ngày.
Điểm sáng văn hóa - Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo.
Tôi trầm trồ khen ngợi vườn chuối của đơn vị, Thượng tá Đặng Xuân Thịnh, Chính trị viên của đồn bảo: Hàng trăm gốc chuối mới trồng năm ngoái, nay đã cho thu hoạch, chuối chín cắt không kịp. Cộng với các khoản tăng gia, chăn nuôi bò, dê, heo, chúng tôi có điều kiện để mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội. Riêng cái bàn bi-da này hơn chục triệu đồng, đơn vị cũng trích từ quỹ tăng gia để sắm cho anh em giải trí trong các ngày, giờ nghỉ. Điều làm chúng tôi tâm đắc nhất là sự lan tỏa của phong trào xây dựng môi trường văn hóa đã gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đó không phải là khẩu hiệu mà đã trở thành hiện thực sinh động ở vùng đất biên cương này. Địa bàn Dân Hóa, nơi đơn vị đứng chân thuộc diện nghèo nhất của tỉnh và cả nước. Đồng bào tộc người Khùa, Mày lâu nay vừa nghèo đói, vừa lạc hậu. Cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa còn thiếu thốn. Vài năm trở lại đây, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo đã có sự quan tâm giúp đỡ hiệu quả để bà con có nơi sinh hoạt, học tập và chữa bệnh. Từ Nhà văn hóa bản Cha Lo đến Trạm xá quân dân y kết hợp, rồi nhà Đại đoàn kết, mới đây là trường Tiểu học bản Cha Lo... đều có công sức bộ đội. Đội Vận động quần chúng là những người có thành tích và tâm huyết nhất trong việc giúp đỡ, tuyên truyền cho bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới. Đồng bào dân tộc Khùa, Mày sống rải rác dưới chân dãy Giăng Màn, mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà, còn nhiều hủ tục còn lạc hậu. Nạn đẻ dày, đẻ nhiều còn chiếm tỷ lệ khá cao. Bộ đội đã kiên trì đến từng bản, từng nhà để phân tích, bày vẽ cho bà con từng việc cụ thể. Cháu Hồ Dưỡng, suýt bị chôn sống cùng mẹ khi mới sinh (theo hủ tục của đồng bào), đã được bộ đội đồn Cha Lo kịp thời cứu sống và chăm sóc, nuôi dưỡng. Cán bộ chiến sĩ đã trích tiền lương và kêu gọi ủng hộ được hơn 8 triệu đồng, mỗi tháng còn hỗ trợ thêm 200.000 đồng để giúp cháu khôn lớn, học hành. Nghĩa cử trên đã thể hiện hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì dân. Lên cổng trời Cha Lo hôm nay, điều dễ nhận thấy là nhiều bản làng có nhà mới, đường được bê tông hóa, học sinh đến lớp đông hơn trước. Dù còn nhiều hộ nghèo nhưng nếp sống văn hóa mới đang làm cho bộ mặt từng gia đình, thôn bản thay đổi. Đến nay, xã đã có 4/13 bản đạt tiêu chuẩn “Bản văn hóa”. Nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số được công nhận là "Gia đình văn hóa". Có những gia đình ở dọc Quốc lộ 12A đã biết cách mở rộng dịch vụ ngành nghề, nâng cao đời sống và làm giàu chính đáng. Đồng chí Đinh Di Luân, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa chia sẻ: Bản làng chúng tôi nhanh đổi mới, phần lớn là nhờ cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo giúp đỡ hết sức nhiệt tình, Đồn xứng đáng là một điểm sáng văn hóa. Bài và ảnh: Xuân Vui

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều