Tiêu đề của website

Ông Lê Trí Trường - TTK Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV): Không để mỗi nơi làm một kiểu

Nhận vai trò mới chưa đầy năm, ông Lê Trí Trường thừa nhận “dọn dẹp” những mặt yếu kém của bóng chuyền khá gian truân. Song vị Tổng thư ký (TTK) thuộc thế hệ 7X lại cho rằng, đây là dịp để giới làm nghề cùng nhìn nhận lại thực trạng, trước khi đưa ra những quyết sách vực dậy môn thể thao có sức hấp dẫn không thua kém bóng đá này…


Nhận vai trò mới chưa đầy năm, ông Lê Trí Trường thừa nhận “dọn dẹp” những mặt yếu kém của bóng chuyền khá gian truân. Song vị Tổng thư ký (TTK) thuộc thế hệ 7X lại cho rằng, đây là dịp để giới làm nghề cùng nhìn nhận lại thực trạng, trước khi đưa ra những quyết sách vực dậy môn thể thao có sức hấp dẫn không thua kém bóng đá này…

Ông Lê Trí Trường - TTK Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam

* Phóng viên: Nhận nhiệm vụ TTK của VFV nhiệm kỳ mới (2015-2020); đến lúc này, theo ông, bóng chuyền đã cải thiện được phần nào hình ảnh của mình so với giai đoạn khá lộn xộn trước đây?

- Ông LÊ TRÍ TRƯỜNG: Quả thật, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và khác với hình dung ban đầu của tôi. Chúng ta đều thấy điểm yếu kém nhất chính là bóng chuyền Việt Nam không có sự thống nhất về phương thức đào tạo VĐV và huấn luyện chuyên môn; mỗi địa phương hoặc CLB đều tự làm theo ý mình, thiếu chuẩn mực. Không sớm giải quyết được vấn đề trọng yếu này thì không thể nói rằng bóng chuyền Việt Nam có cơ hội tiến lên chuyên nghiệp được. Tôi cho rằng “công trường” bóng chuyền vẫn còn ngổn ngang và tốn thời gian để chỉnh sửa lắm.

* VFV tính toán gì cho chiến lược phát triển bóng chuyền Việt Nam ở giai đoạn mới?

Một mình tôi thì không thể làm được, vì đây là cuộc chơi mang tính tập thể, rất cần sự đoàn kết và đồng lòng từ nhiều phía. Tháng 8 tới, VFV sẽ tổ chức hội thảo toàn quốc để lắng nghe ý kiến đóng góp của những người tâm huyết, ý tưởng của các địa phương về công tác đào tạo VĐV, nâng chất HLV, siết lại kỷ cương trong đội ngũ trọng tài, chuẩn hóa công tác tổ chức thi đấu… trước khi VFV cân nhắc và đưa ra những quyết sách mới nhằm cải thiện chất lượng cho bóng chuyền Việt Nam.

* VFV cũng sẽ cân nhắc quy hoạch lại hệ thống giải đấu quốc gia của mình…

Dĩ nhiên rồi. Nhưng hiện tại, VFV chưa thể khẳng định giải vô địch quốc gia trong tương lai được rút xuống còn 8 hay 10 đội. Quyết định phải dựa trên cơ sở rõ ràng và được giải thích cụ thể vì sao cần rút số lượng đội bóng xuống. Nói chung, chúng tôi cần lắng nghe ý kiến góp ý nhiều chiều và quan trọng là phải phục vụ mục đích của tập thể chứ không phải cho ý tưởng cá nhân nào đó. Chậm nhất là sau hội thảo vào tháng 8, VFV sẽ có tính toán cụ thể. Nhưng để làm được điều đó, VFV cần có sự ủng hộ từ ngành TDTT, từ các địa phương, giới truyền thông và cả người hâm mộ nữa.

* VFV sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn lực xã hội để giúp bóng chuyền phát triển?

Liên đoàn luôn ủng hộ các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho bóng chuyền, nhưng không khuyến khích làm thời vụ mà phải bền vững và góp sức thực sự cho sự nghiệp phát triển chung. VFV sẽ luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhập cuộc, tất cả cùng hướng về tương lai mới và đầy hào hứng của bóng chuyền. Chúng tôi rất trân trọng đóng góp của nhà tài trợ Bình Điền vì đã duy trì Cúp VTV Bình Điền đến 10 năm, cần sự chung sức của Liên Việt Postbank để tái lập giải đấu cấp CLB quen thuộc; đồng thời sẽ cùng gìn giữ VTV Cup về lâu dài… cốt làm sao các đội bóng có được sân chơi, giải đấu không chết yểu và nhà đầu tư cảm thấy mình được tôn trọng. Xin được nói luôn rằng, sự thịnh vượng của bóng chuyền Việt Nam tới đây phần lớn phải dựa vào các nguồn lực xã hội, bên cạnh sự ủng hộ của các địa phương, đội bóng thành, ngành…

* Xin cảm ơn ông.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều