Tiêu đề của website

HLV Lê Hiền: Một trái tim, một tấm lòng

18 năm trước, bóng chuyền nữ Việt Nam tỏa sáng ở SEA Games 21 trên đất Malaysia với những cái tên như Lê Hiền, Kim Huệ, Đặng Hồng, Thanh Hoa, Hương Giang... Giờ đây, lứa VĐV ngày nào hầu hết đã giải nghệ, nhưng chỉ có Lê Hiền vẫn kiên trì theo nghiệp HLV. Nhìn các VĐV nhỏ tuổi bây giờ, HLV trẻ  lại bồi hồi nhớ về những hình ảnh của mình khi mới bước chân vào nghề.


Chân dung HLV Lê Hiền, người được rất nhiều các VĐV yêu mến.

Nói đến cựu tuyển thủ Lê Hiền là người hâm mộ không thể không nhắc đến bóng chuyền nữ Quảng Ninh, một trung tâm sừng sỏ của bóng chuyền Việt Nam cách đây hai thập kỷ về trước. Lê Hiền là người nhiều năm gắn bó với nghề, từ khi còn chơi ở đội trẻ đến khi lên tuyển. Năm rồi, cô học trò nhỏ của HLV Nguyễn Ngọc Mạnh năm xưa và đàn em của những cầu thủ dang tiếng như Lan Anh, Trần Yến, Bùi Hương …được trao “kiếm ấn” là thuyền trưởng đội nữ Quảng Ninh, quyết tâm phục hưng bóng chuyền đất mỏ và phấn đấu từ hạng A lên đội mạnh, qua một chặng đường hết sức cam go và đầy nỗ lực.

Trong sự nghiệp của mình, ngoài tấm HCB lịch sử đầu tiên cho bóng chuyền nữ Việt Nam thì cựu tuyển thủ sinh năm 1980 cũng kịp mang về cho mình 3 chức VĐQG liên tiếp vào các năm 1999, 2000 và 2001. Năm nay, được sự tin tưởng của ban chuyên môn, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Lê Hiền khăn gói lên thủ đô với cương vị HLV phó hỗ trợ cho chuyên gia người Nhật Bản Hidehiro Irisawa.

Ở môn bóng chuyền, các VĐV bắt đầu tập luyện từ khi mới 12, 13 tuổi và bước vào thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 18 đôi mươi. Ở tuổi đó, rất khó để các em VĐV toàn tâm toàn ý tập luyện. Thế nhưng giữa thầy và trò của môn thể thao này luôn có sự đồng cảm, bởi bản thân các HLV cũng đã từng là những VĐV nhỏ tuổi, cũng từng phải xa đồng đội, xa gia đình.

HLV Lê Hiền chia sẻ: "Bóng chuyền là tuổi thơ, là cuộc đời của tôi. Thấy các em chập chững vào nghề là ký ức hiện về. Quay lại Trung tâm HLTTQG Hà Nội là quay lại một thời tuổi trẻ, có thể mình chưa phải là người HLV có chuyên môn tốt nhất của các em, nhưng tôi sẽ có cố gắng chỉ bảo những gì như ngày trước mình đã từng được dạy".

Không chỉ đảm nhiệm công tác về chuyên môn, HLV Lê Hiền còn phải kiêm luôn công việc hậu cần cho 13 cô gái đang bước vào tuổi mới lớn. Từ giờ giấc sinh hoạt, đến công văn giấy tờ, cùng với đó là việc hướng dẫn chuyên môn và động viên các em phải cố gắng tập luyện dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Vì thế với cựu tuyển thủ Lê Hiền người ta cảm thấy giờ đây chị không chỉ là một HLV đơn thuần mà còn là người mẹ trẻ ân cần chăm sóc cho cả một vườn trẻ lớn.

“Ở cô em cảm giác được sự gần gũi, luôn ở bên động viên mỗi lúc chúng em cần. Có những điều chưa biết cô trao đổi với chúng em, và có những điều chúng em chưa đúng cô tế nhị chỉ bảo. Điều quan trọng chúng em cảm nhận được ở cô, xuất phát những lời cô nói là sự chân thành.” Cây chuyền hai Thu Hoài chia sẻ.

Còn với đối chuyền Đặng Thị Kim Thanh: “Cô Hiền là một người rất vui tính, cô luôn động viên chúng em rằng tập luyện phải tạo được hưng phấn cho đồng đội. Hơn nữa, cô cũng rất hiểu tâm lý các VĐV xa nhà như chúng em, khi chúng em buồn cô động viên, giúp chúng em vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.”

Tất nhiên, công sức của HLV Lê Hiền được đền bù xứng đáng. Chưa thể biết, bọn trẻ có trở thành những tuyển thủ quốc gia kiệt xuất hay không nhưng ngay từ bây giờ, các VĐV đã là những người em, người con thân thiết của chị. Có lẽ chính các em là những người hiểu rõ nhất ý nghĩa của câu nói “cô giáo như mẹ hiền”.


Tác giả:HÀ HƯNGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều