Tiêu đề của website

Chuyện du đấu của Thể thao Việt Nam: Cuộc chinh phục dang dở của Văn Kiều

Tiền đạo Lê Huỳnh Đức xuất ngoại ngay từ năm 2001 song chủ công Ngô Văn Kiều mới chính là người tạo cột mốc lịch sử cho TTVN 7 năm sau đó. “Sếu vườn” cao 1m96 còn là ngôi sao hàng đầu của giải bóng chuyền chuyên nghiệp Indonesia trong 2 mùa liên tiếp.


Tiền đạo Lê Huỳnh Đức xuất ngoại ngay từ năm 2001 song chủ công Ngô Văn Kiều mới chính là người tạo cột mốc lịch sử cho TTVN 7 năm sau đó. “Sếu vườn” cao 1m96 còn là ngôi sao hàng đầu của giải bóng chuyền chuyên nghiệp Indonesia trong 2 mùa liên tiếp.

“Oanh tạc cơ” số 1 Đông Nam Á

Trước SEA Games 2007 tại Thái Lan, chủ công quê Hà Nam sinh năm 1984 vẫn hoàn toàn vô danh với làng bóng chuyền Đông Nam Á. Thế nhưng, chỉ qua giải đấu đó, Kiều đã vụt biến thành “oanh tạc cơ” số 1 khu vực nhờ màn trình diễn chói sáng. Trong đó, chủ công có sức bật 3m58 này đã có một trận đấu để đời, gần như một mình giúp cho ĐTVN hạ gục đội chủ nhà cũng đang là ĐKVĐ với tỷ số 3-0 khó tin.

Ngô Văn Kiều - Niềm tự hào của bóng chuyền Sanet Khánh Hòa.

Trong chiến thắng hoành tráng khiến 3.000 khán giả Thái bàng hoàng, Kiều đã đóng góp tới 31 điểm, với 17 điểm có được từ những pha dứt điểm sau vạch 3 mét. Cả trận, dù đối thủ tập trung quây, nhưng “sếu vườn” đang khoác áo CLB Sanest Khánh Hòa cũng chỉ bị chắn bóng vài lần, còn lại cứ “nhảy lên” và “ra tay” là có điểm.

Ở trận tranh ngôi vô địch, dù Việt Nam để thua Indonesia có sức mạnh vượt trội nhưng Kiều vẫn khẳng định được tài năng theo kiểu… khác biệt của mình. Giới chuyên môn khi ấy đều thống nhất đánh giá Kiều là chủ công hay nhất khu vực, xứng đáng với biệt danh “oanh tạc cơ”.

1 Văn Kiều bằng 2 “sao” Indonesia

Ngay trong thời gian diễn ra SEA Games 24, nhiều lãnh đạo, HLV các đội bóng trong khu vực đã “đua nhau” tìm cách liên hệ để mời Ngô Văn Kiều sang thi đấu. CLB số 1 Indonesia, Samator Group đã nhận được cái gật đầu từ Kiều và CLB chủ quản Sanest Khánh Hòa. Ngoài khoản phí 1.000 USD trả Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, họ còn lo toàn bộ ăn chi phí và trả Kiều mức lương 2.000 USD/1 tháng. Để có được “oanh tạc cơ”, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ hoàn toàn miễn phí 2 hảo thủ đang là trụ cột của ĐTQG Indonesia cho Sanest Khánh Hòa.

Từ tháng 04/2008, Văn Kiều đã bước vào một cuộc chinh phục mới trong nghiệp đấu, và lập tức chứng tỏ được giá trị đặc biệt của mình. Bất chấp đội hình Samator Group có tới 8 tuyển thủ của ĐTQG Indonesia, lại thêm 2 ngoại binh người Nhật Bản và Thái Lan, Kiều vẫn giành được vị trí chính thức. Anh góp mặt ở tất cả các trận của đội, thậm chí không thiếu một phút nào, và đáng nể hơn khi luôn là chủ công thuộc nhóm ghi nhiều điểm nhất giải chuyên nghiệp xứ Vạn đảo.

Sau màn ra mắt đầy ấn tượng, đội trưởng ĐTVN tiếp tục có một mùa thứ 2 “oanh tạc” tại Indonesia, với bước tiến về mọi mặt. Ngoài hiệu suất trung bình 20 điểm mỗi trận, còn là khả năng hòa nhập trong sinh hoạt, tập luyện, phong cách chuyên nghiệp.

Cuộc chinh phục dang dở

Hành trình bước ra thế giới của chủ công bóng chuyền có xuất phát điểm là thợ bốc vác Ngô Văn Kiều đã thực sự diễn ra như một giấc mơ. Với ngoại binh đẳng cấp cao đến từ Việt Nam, CLB Samator Group còn nhắm tới các mục tiêu châu lục. Thế nhưng, đến cuối mùa 2009, tình thế đã bất ngờ thay đổi khi Kiều dính chấn thương, sa sút thể lực nghiêm trọng do một thời gian dài phải “cày ải” liên tục.

Rốt cuộc, Kiều đã đành phải xin chia tay đội bóng Indonesia trong sự nuối tiếc của tất cả để tập trung điều trị chấn thương, hồi phục phong độ, tập trung tập luyện, thi đấu cho đội bóng quê hương Sanest Khánh Hòa.

Cũng kể từ đó, câu chuyện du đấu đã không còn một lần được cả bản thân Kiều lẫn Sanest Khánh Hòa đề cập đến, vì chính đội bóng chủ quản sau đó gặp khó về lực lượng, chỉ còn trông chờ vào Kiều để lo giữ thành tích.

Qua “cầu nối” Ngô Văn Kiều, 2 CLB Sanest Khánh Hòa và Samator Group đã ký kết một chương trình hợp tác toàn diện. Ngoài việc được “đổi” miễn phí 2 hảo thủ đến từ Indonesia mỗi mùa giải, đội bóng phố Biển còn được mời sang tập huấn, thi đấu cọ xát, cũng như hỗ trợ các vấn đề về chuyên môn kỹ thuật. Chính nhờ có 2 ngôi sao hàng đầu của ĐTQG Indonesia, Sanest Khánh Hòa của Văn Kiều đã có chức vô địch lịch sử tại mùa giải 2008.

Chuyến du đấu tại Indonesia mở đường cho cả nền thể thao của Văn Kiều rất đáng tiếc lại chỉ mang tính “tranh thủ thời vụ”. Mục tiêu, nhiệm vụ chính của anh vẫn là ở Sanest Khánh Hòa, còn chuyện sang Indonesia đấu thuê giống một việc phụ, làm thêm. Bởi thế, trong cả 2 mùa giải thi đấu cho Samator Group, phải đến sát ngày anh mới lên đường rồi lại trở về ngay.

Kiều đã gần như không có thời gian để chuẩn bị hay hòa nhập với các đồng đội và lối chơi của đội. Có lần, do hai giải đấu ở Việt Nam và Indonesia trùng nhau 1 tuần, Kiều đã phải bỏ dở vài trận của Samator Group với lý do có lệnh triệu tập từ Sanest Khánh Hòa.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều