Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam sống được phải có đào tạo trẻ

Nhiều CLB, nhiều mô hình được lập ra khi bắt đầu đều tỏ rõ sự quyết tâm và đam mê. Thế nhưng, sau vài mùa chạy đua không có thành tích, việc chuyển nhượng không đạt được hiệu quả cũng là lúc nhiều đội bóng tan rã. Vậy là quanh đi quẩn lại, người ta mới thấy rằng chỉ những đội bóng với công tác đào tạo trẻ bền vững mới là những đội bóng trường tồn, vừa đảm bảo được hai yếu tố chuyên môn và thương hiệu.


Xây dựng một CLB bền vững đồng nghĩa phải có tuyến VĐV trẻ chất lượng.

Mấy năm trước, Thông tin Lienvietpostbank từng tạo dựng được thế độc tôn trong làng bóng chuyền nữ. Góp công lớn trong những chiến thắng đó phải kể đến những sản phẩm đào tạo trẻ của HLV Nguyễn Thúy Oanh, Nguyễn Thu Hương hay Nguyễn Tuấn Kiệt. Đó chính là nòng cốt không chỉ của Thông tin Lienvietpostbank mà còn là bộ khung chính của ĐTQG.

Thế nhưng, sau khi những nhân tố chủ chốt trong công tác đào tạo trẻ của Thông tin lienvietpostbank rút lui, cũng là lúc đội bóng quân đội lâm vào thế khó. Không còn những sản phẩm chất lượng như trước lúc này đội bóng của ông Phạm Văn Long thua tức tưởi từ giải VĐQG cho đến các giải mời. Ngược lại, Ngân hàng Công thương trước đây là hiện thân tiêu biểu cho mô hình không có đào tạo trẻ mà chỉ chăm chăm mua bán, chuyển nhượng VĐV. Trải qua nhiều đời HLV, cũng như VĐV qua nhiều thế hệ nhưng đội bóng này chưa một lần bước lên bục cao nhất tại giải VĐQG. Bước ngoặt chỉ đến với Ngân hàng Công thương kể từ khi thay đổi chủ trương với việc xây dựng lại nòng cốt từ tuyến trẻ, đồng thời chiêu mộ được chất xám của Thông tin Lienvietpostbank với sự xuất hiện của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt và Nguyễn Thuý Oanh.

Sau 13 năm, Ngân hàng Công thương đã lần đầu tiên VĐQG, họ cũng trình làng một lứa VĐV mới, đồng thời khẳng định rõ với giới chuyên môn và người hâm mộ về một trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Với bóng chuyền miền Nam, không khó để nhận ra được hướng đi của VTV Bình Điền Long An rất bền vững với công tác đào tạo trẻ trải qua nhiều thế hệ. Không phải là CLB vung tiền mạnh bạo nhất, nhưng nhờ những sản phẩm chất lượng từ tuyến trẻ đôn lên mà VTV Bình Điền Long An chưa bao giờ thiếu người. Hết Ngọc Hoa, Diệu Châu, Thu Sáu, Thu Dung, Anh Thư, Thu Phương… lại là Hồng Đào, Kim Liên, Thanh Thúy hay giờ đây là Kim Thanh, Khánh Đang, Dương Hên… Lãnh đạo VTV Bình Điền Long An cũng xác định, ở Việt Nam nếu không có công tác đào tạo trẻ, không đội bóng nào có thể tồn tại được quá 5 năm, chính vì vậy việc tìm kiếm và đào tạo các nhân tố mới luôn được đội bóng quan tâm và ưu tiên hàng đầu.

Ở các đội bóng nam, Thể Công, Long An hay mới đây là Sanest Khánh Hòa cũng là những điển hình tương tự. Với Thể Công dù mấy năm qua gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, việc tuyển sinh đầu vào cũng không thuận lợi vì chế độ thấp. Thế nhưng với nền tảng truyền thống, lại biết chắt chiu bồi dưỡng các VĐV trẻ, nên đội bóng của HLV Phùng Công Hưng vẫn duy trì ở trong top đầu thậm chí họ còn đang là ĐKVĐ quốc gia. Ở Sanest Khánh Hòa, không nói quá khi đây là trung tâm đào tạo trẻ số 1 của bóng chuyền nam Việt Nam hiện nay. Dưới bàn tay của HLV Thái Quang Lai, đội bóng này cho ra lò rất nhiều sản phẩm chất lượng. Thế nhưng, song song với việc đào tạo trẻ thì đội này cũng chiêu mộ rất nhiều VĐV từ đội bóng khác nhờ vào chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Bên cạnh những cái lợi về thành tích trước mắt thì nó cũng có rất nhiều nghịch lý khi chính những VĐV sản sinh từ lò đào tạo của đội bóng này dù xuất phát điểm không thua kém bất cứ ai nhưng lại không được trọng dụng và có đất phát triển.


Tác giả:ANH ĐỨCNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều