Vòng 2 Giải Bóng chuyền Vô địch Toàn quốc 2017 sẽ trở lại từ ngày 2.12 tới đây và đây là giai đoạn quyết định để 12 đội bóng nam, 12 đội bóng nữ đua tranh vô địch cũng như trụ hạng. Với bóng chuyền Việt Nam bây giờ, thành hay bại của một đội bóng nằm ở kinh tế...
Trước vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2017: Quẳng đi gánh lo “cơm áo gạo tiền”
Tín hiệu vui
Có thể nói, điều mừng nhất là nhiều đội bóng chuyền đang thi đấu tại giải vô địch toàn quốc đã yên tâm nuôi quân, đào tạo sau khi có nguồn lực tài trợ mạnh mẽ.
Trong năm nay, trước vòng 2 Giải Vô địch Toàn quốc 2017, “lúa” đã về với những CLB như nữ Quảng Ninh và nữ Thái Bình.
Trước đây, đội nữ Thái Bình của HLV Thái Thanh Tùng được đối tác PVD từ ngành dầu khí tài trợ khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/năm. Trừ các chi phí thuế, đội bóng nhận lại không nhiều và tiền cũng chỉ đủ hỗ trợ thêm cho VĐV từng người khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tháng 10 vừa qua, đội bóng chia tay nhà tài trợ này để song hành với một Mạnh Thường Quân làm về lĩnh vực vật liệu xây dựng (Mikado) và nhận 5,1 tỉ đồng tài trợ, với quãng thời gian từ năm 2018 tới hết năm 2020, đủ để đảm bảo một một tương lai gần cùng với những kế hoạch phát triển, xây dựng.
Sau giai đoạn gặp khó về kinh tế, đội nữ Quảng Ninh đã có nhà tài trợ đến từ ngành dược với khoảng 1 tỉ đồng/năm, cộng với kinh phí UBND tỉnh Quảng Ninh cấp từ 5-7 tỉ/năm giúp cho thầy trò HLV Lê Hiền đã có thể yên tâm thi đấu. Hợp đồng của nhà tài trợ đã chính thức ký kết, thực hiện từ tháng 8 và dù chưa “đổi đời” nhưng các cầu thủ nữ Quảng Ninh đã an tâm hơn nhiều chế độ đãi ngộ, thu nhập để tập trung vào luyện tập, thi đấu.
Một thời gian dài, bóng chuyền nam TPHCM luôn tìm được các nhà trài trợ để “chống lưng”, đầu tư cho đội bóng. Mới nhất, đội bóng từng vô địch quốc gia năm 2015 này đã được một thương hiệu mạnh của lĩnh vực bất động sản, nhà đất tại TPHCM cam kết tài trợ khoảng 5 tỉ đồng/năm. Đó là nguyên do hiện tại chuẩn bị cho vòng 2, đội bóng của HLV Bùi Huy Châm đã lấy lại nguyên tên là CLB Thành phố Hồ Chí Minh và bỏ gắn tên nhà tài trợ cũ Maseco trong đăng ký thi đấu.
Thông tin Lienvietpostbank được xếp vào nhóm những đội bóng nhà giàu.
Đội bóng nhận được tài trợ mạnh nhất và dư giả trong kinh phí ở làng bóng chuyền quốc nội đang là Thông tin Lienvietpostbank. Binh chủng Thông tin liên lạc (đơn vị quản lý đội bóng Thông tin Lienvietpostbank) và ngân hàng Lienvietpostbak đã công bố gói tài trợ lên tới 19,2 tỉ đồng ở năm 2017 cho đội bóng chuyền. Ngay khi con số được tiết lộ, tất cả các đội bóng trong nước đều ngưỡng mộ và mơ ước, bởi trong lịch sử, chưa CLB nào được nhận tiền tài trợ nhiều đến vậy.
Quyền lợi đi cùng trách nhiệm, cống hiến
Mô hình hoạt động của các đội bóng chuyền Việt Nam hiện vẫn đang theo 2 cách, gồm các đội do doanh nghiệp quản lý hoàn hoàn và các đội thuộc lực lượng vũ trang, hoặc địa phương quản lý và tìm được thêm tài trợ.
Với nhóm đội được doanh nghiệp quản lý, nhìn chung đời sống VĐV, HLV là khá so với mặt bằng chung. Lương và thu nhập của VĐV tại những đội bóng này thường cao, không thấp hơn 15 triệu đồng/tháng. Đơn cử có thể kể ra vài cái tên như: Nữ VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương, Hóa chất Đức Giang Hà Nội.
Tuy nhiên, lịch sử bóng chuyền quốc nội từng ghi nhận nhiều đội bóng từng được doanh nghiệp nhận về quản lý có giai đoạn đầu tư mạnh mẽ nhưng phút cuối phải giải thể vì thiếu tiền. Trường hợp mới nhất có đội nam Đức Long Gia Lai (từng vô địch quốc gia năm 2013), nam Tập đoàn dầu khí VN, nữ Vietsovpetro, nữ Caosu Phú Riềng, nữ Xây lắp dầu khí TBD. Những năm của giai đoạn 1990, đội nam Seprodex TP.Hồ Chí Minh gặp trường hợp tương tự.
Tại làng bóng chuyền Việt Nam, đội nam Tràng An Ninh Bình là mô hình được đông đảo đội bóng ngưỡng mộ khi VĐV và HLV được ổn định đời sống từ lương đến thưởng. Đội bóng trên hoàn toàn do Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình quản lý chứ không phải doanh nghiệp. Đội bóng này được ngưỡng mộ cũng có nguyên do bởi tỉnh Ninh Bình đầu tư, phát triển không nhiều môn thể thao thành tích cao nên bóng chuyền được chọn làm mũi nhọn và vì thế nhận sự ưu tiên trên hết nhằm đạt kết quả thi đấu cao nhất.
Năm 2012 sau khi đăng quang vô địch toàn quốc, cầu thủ nam Tràng An Ninh Bình từng được địa phương thưởng mỗi cá nhân 10 tháng tiền lương. Sau họ, đội nam Sanest Khánh Hòa lại được ngưỡng mộ ở mức lương cao cầu thủ được trả. Các cầu thủ ngôi sao của đội bóng này như Ngô Văn Kiều hay Từ Thanh Thuận có lương không dưới 30 triệu đồng/tháng, thậm chí là khoản thưởng nóng hàng tỉ đồng sau mỗi giải đấu từ nhà tài trợ Yến sào Khánh Hòa. Nhận lương cao đồng nghĩa họ phải thể hiện đúng chuyên môn kỳ vọng để giành ngôi vô địch. Tiếc là đến lúc này, nam Sanest Khánh Hòa liên tiếp vào chung kết ở 2 năm 2015 và 2016 lại đều thua trận.