Tiêu đề của website

Đại hạn của thể thao Khánh Hòa

Thật khó tin sau 36 năm tồn tại và phát triển, CLB K. Khánh Hòa - tiền thân là đội bóng tỉnh Phú Khánh - đã chính thức bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá Việt Nam (chuyển giao cho Hải Phòng).

Thật khó tin sau 36 năm tồn tại và phát triển, CLB K. Khánh Hòa - tiền thân là đội bóng tỉnh Phú Khánh - đã chính thức bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá Việt Nam (chuyển giao cho Hải Phòng).
Càng xót xa khi “cái chết” của đội bóng phố biển lại diễn ra đúng ở thời điểm mà họ được cả V-League ca ngợi là một trong số ít đội bóng được đầu tư ổn định và phát triển nhất. Thế nhưng, nếu suy xét kỹ sẽ thấy K. Khánh Hòa cũng chỉ là một trong hàng loạt những môn thể thao thành tích cao mà địa phương này đã và đang “khai tử” hoặc ít được đầu tư. Điển hình nhất chính là điền kinh, bộ môn mà người Khánh Hòa từng tự hào là cái nôi sản sinh ra những ngôi sao số 1 quốc gia. Sau “thế hệ vàng” Phạm Đình Khánh Đoan, Thu Lan, Trúc Vân..., từ năm 2003 đến nay, Khánh Hòa không có VĐV nào đủ sức tranh tài quốc tế. Khoản đầu tư bèo bọt 750 triệu đồng mỗi năm dành cho môn điền kinh, cộng thêm sự xuống cấp trầm trọng của các đường chạy, khu tập luyện, ăn ở của VĐV đã khiến điền kinh Khánh Hòa giờ sống lay lắt. Tương tự là môn bóng bàn gần như bị xóa trắng kể từ năm 2009 khi VĐV 2 lần dự Olympic Đoàn Kiến Quốc dứt áo ra đi, đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bóng bàn Khánh Hòa từ đó đến nay không kiếm nổi một chiếc huy chương nào ở đấu trường quốc nội. Thê thảm nhất có lẽ là môn wushu, vốn được người Khánh Hòa tự hào là một trong ba “lò” đào tạo VĐV xuất sắc nhất Việt Nam. Sau thế hệ vàng Diệp Bảo Minh không sống nổi, phải đi nơi khác lập nghiệp, môn võ này cũng không còn được lãnh đạo ngành quan tâm. Đến cuối năm 2011, wushu chính thức bị xóa sổ, số VĐV ít ỏi còn lại được chuyển sang môn võ thuật cổ truyền, vừa ít tốn kém kinh phí vừa dễ đoạt huy chương. Sau khi CLB K. Khánh Hòa bị chuyển giao, người yêu thể thao Khánh Hòa chỉ còn duy nhất niềm tự hào là đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa. Tuy nhiên, dù đi theo mô hình xã hội hóa, tương lai của CLB bóng chuyền từng vô địch quốc gia năm 2008 này cũng không có gì được bảo đảm sau thành tích không tốt vài năm trở lại đây. Cộng thêm cách quản lý thiếu tầm nhìn xa, bệnh thành tích của lãnh đạo nhiều bộ môn, có thể xem thể thao Khánh Hòa đang đứng trước cơn đại hạn lớn. Nhìn cách CLB K. Khánh Hòa bị đối xử như vừa rồi thì có lẽ bây giờ ở thể thao Khánh Hòa, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều