Còn nhiều việc phải làm!
09/12/2012
(HNM) - Vị trí thứ 6 của chủ nhà Việt Nam tại giải này được coi là kết quả "chấp nhận được", bởi Giải Bóng chuyền nam Cúp Liên đoàn Châu Á nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của LĐ Bóng chuyền Châu Á (AVC), được tổ chức hai…
(HNM) - Vị trí thứ 6 của chủ nhà Việt Nam tại giải này được coi là kết quả "chấp nhận được", bởi Giải Bóng chuyền nam Cúp Liên đoàn Châu Á nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của LĐ Bóng chuyền Châu Á (AVC), được tổ chức hai năm một lần, dành cho nhóm 8 đội đứng đầu châu lục tham dự.
Năm nay, giải quy tụ 8 đội tuyển Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam (hạng 16 Châu Á, được tham dự với tư cách chủ nhà đăng cai). Các đội được chia thành hai bảng thi đấu vòng tròn, chọn các đội vào vòng trong để tiếp tục thi đấu xác định thứ hạng. Vì là giải đấu lớn nên công tác tổ chức và chuyên môn của giải được Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) Việt Nam và AVC rất quan tâm. Trên trang web của AVC đã trân trọng giới thiệu về giải này ngay từ giữa tháng 8-2012. Tuy nhiên, công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả nên dù là một giải đấu lớn nhất nhì châu lục nhưng sau những trận đấu đầu tiên, do các khán đài trống vắng, BTC buộc phải mở cửa tự do, thay vì bán vé. Đội Trung Quốc và Iran đều đưa sang đội hình mạnh nhất, có nhiều gương mặt quen thuộc với khán giả và đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Các đội còn lại như Hàn Quốc, Nhật Bản... đều là các cầu thủ trẻ ở tuyến 2 hoặc tuyến 3, đa phần là những gương mặt mới. Riêng Myanmar mang sang Việt Nam đến 90% đội tuyển trẻ vừa tham dự giải trẻ Đông Nam Á tháng 8 vừa qua, nên không khó để tuyển Việt Nam chiến thắng họ 3-0 trong ngày khai mạc. Tuy vậy, SEA Games 27 tới sẽ tổ chức tại Myanmar, nước chủ nhà đang có tham vọng lớn đối với môn bóng chuyền nam. Vì vậy, giới chuyên môn cho rằng, đừng vì trận thua của họ ở giải này mà coi nhẹ bóng chuyền của Myanmar. Tại giải này, Trung Quốc và Iran là hai đội có trình độ chuyên môn cao. Trong đó, Iran là đội bóng đồng đều, nhiều cầu thủ có chiều cao tốt nhưng lại ưa sử dụng lối đánh tầm thấp, chủ yếu là hai biên và tấn công hàng sau. Đó là điều các đội bóng khu vực nên học tập. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam có độ tuổi trung bình cao nhất giải. Khi mới kết thúc Cúp Hùng Vương, LĐBC Việt Nam đã triệu tập khá nhiều gương mặt trẻ triển vọng như Bùi Công Tuấn Anh, Từ Thanh Thuận… Họ đều là những gương mặt thuộc thế hệ 9x và nhiều triển vọng. Vậy mà vào phút chót chỉ Phạm Thái Hưng của Thể Công có mặt, số còn lại không có tên trong danh sách thi đấu. Thay vào đó là những cầu thủ quá quen, trừ 2 VĐV lần đầu tiên góp mặt là Nguyễn Đăng Bình và Đặng Long Kiếm (đều sinh năm 1988). Trụ cột của đội nhà vẫn là những gương mặt quen thuộc Phạm Minh Dũng, Đặng Vũ Bôn, Lê Quang Khánh, Nguyễn Hữu Hà, Bùi Văn Hải và libero Nguyễn Xuân Thành... Theo dõi đội tuyển thi đấu, vẫn thấy thiếu các bài đánh chiến thuật, chỉ lác đác vài quả chồng biên của Lê Quang Khánh hay mấy miếng đánh lao, nhanh của Phạm Thái Hưng và một vài tình huống tham gia chắn 3 nhưng lại chưa thực sự hiệu quả. Điều dễ thấy là vắng Ngô Văn Kiều, tập thể này đang thiếu một thủ lĩnh thực sự để có thể tạo nên sự khác biệt và đủ sức làm thay đổi trận đấu. HLV Phùng Công Hưng, dù đã lên tuyển mấy lần, nhưng tỏ rõ hạn chế trong khả năng đọc và điều chỉnh trận đấu. Sai lầm rất đáng tiếc của HLV này là việc nhầm lẫn để đội nhà bị trừ điểm tới 2 lần trong hiệp 2 của trận đấu với Hàn Quốc, chưa nói tới chỉ đạo non tay trong 2 trận đấu vòng bảng. Vì thế, ở những hiệp đấu rất giằng co, đội tuyển chủ nhà đã có những lúc dẫn trước nhưng do không có sự thay đổi hợp lý nên đã không tạo được bất ngờ. Kết thúc giải, Trung Quốc và Iran chia nhau 2 vị trí đầu, đội tuyển Việt Nam xếp hạng 6 là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hướng về SEA Games 27 và chặng đường phía trước, bóng chuyền Việt Nam còn nhiều việc cần làm ngay, trước tiên là phải tìm cho đội một vị thuyền trưởng đúng nghĩa. |
Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM