Tiêu đề của website

Công bằng hay cào bằng

Từ lâu nay, ở Việt Nam không giống như các nước phát triển, các giải thưởng cá nhân chỉ mang ý nghĩa “chia giải” cào bằng cho các đội thay vì có thống kê mang tính chất công bằng dành cho những người xứng đáng nhất.


Nếu như ở nước ngoài, giải thưởng cá nhân sẽ tương ứng với một đội hình thi đấu trên sân thì ở Việt Nam thường chỉ có giải chuyền hai xuất sắc nhất và VĐV xuất sắc nhất, với giải trẻ tương ứng là VĐV triển vọng. Thế nhưng, không phải vô tình hay cố ý mà từ nhiều năm giải cá nhân thường được BTC cơ cấu chia đều cho hai đội bóng nhất nhì dù không phải ai trong số này cũng xứng đáng bước lên bục nhận giải thưởng.

Các danh hiệu cá nhân tại giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc 2018 gây tranh cãi.

Cũng trong lễ trao giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc 2018 vừa kết thúc tối qua, VĐV triển vọng trao cho Phan Khánh Vy là không thể bàn cãi thì với danh hiệu VĐV chuyền hai xuất sắc trao lại cho Đặng Thu Huyền lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Sau khi BTC công bố giải thưởng cũng có nhiều ý kiến cá nhân của cộng đồng mạng, xung quanh câu chuyện này: “Từ bao giờ trao giải phải mặc định chia đều? Người xứng đáng hơn lại không có giải, chẳng khác nào phủ nhận sự cố gắng và năng lực của các VĐV trẻ. Trao giải cho Đặng Thu Huyền chẳng khác nào hại em ấy. Năng lực không bằng, nhận phần người khác. Chính những người lớn làm cho các em ảo tưởng về tài năng của chính mình. Chuyền hai xuất sắc là như thế nào? Là thực hiện 1 bài đánh chồng ở 3 pha tấn công liên tiếp, là dồn biên số 4 bất chấp xấu đẹp, biên 2 bỏ trống? Có yêu thương nhau đến mấy, cũng nên nhìn nhận sự thật là Quí Uyên chuyền tốt hơn rất nhiều. Em ấy nên xứng đáng nhận được những gì em ấy có.”

Cũng nhiều ý kiến của khán giả rằng giải thưởng cá nhân được ưu ái liên quan tới vấn đề nhan sắc, nhưng có lẽ BTC giải đấu không đến mức kém cỏi đến nỗi đã “trọng sắc, khinh tài”. Tất nhiên với một VĐV có thời gian tập bóng chuyền bước sang năm thứ 6 như Thu Huyền gấp 2, 3 lần các VĐV tham dự ở cấp độ trẻ thì sự thể hiện ở giải đấu này là đáng thất vọng. “Trao giải không xứng đáng kiểu này càng làm cho các VĐV khác họ không phục, từ không phục họ càng ghét em Huyền hơn. Hôm qua xem trực tiếp trên TV, gần cuối trận chung kết thấy cả team Long An và NHCT ra nói cười và ngồi chung, đến lúc trao giải 3 đội đứng kế bên, chỉ 2 đội Long An và NHCT nói chuyện vui vẻ với nhau không ai thèm nhìn đến đôi Thông Tin. Mình nghĩ giải U19 sắp tới làm sao mà đoàn kết được đây? Kiểu ghen ghét này sẽ không chuyền cho nhau, lúc đó U19 sẽ lại tan nát. Lỗi này cũng do người lớn mà ra vì không công bằng nên mới thế.” Bạn Thanh Tâm bình luận.

Các VĐV của VTV Bình Điền Long An và Ngân hàng Công thương tỏ ra khá thân thiết.

Ở đây mọi câu chuyện của trẻ con đều được bắt đầu từ người lớn, mọi hành động đều xuất phát từ nguồn cội của vấn đề. Đơn giản như chuyện sân bãi tại Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc tại Bắc Kạn, số lượng các đội bóng nhiều, nơi tổ chức chỉ có một NTĐ nên một ngày các đội chỉ có 15 phút vào sân tập với lưới. Buổi sáng hôm diễn ra trận chung kết ở nội dung nữ, do Thể Công, Kiên Giang… bỏ không tập, đáng lý thời gian đó sẽ được chia đều nhưng Thông tin LienVietPostBank nghiễm nhiên chiếm dụng đúng 1 giờ 15 phút trong sân, HLV Phạm Minh Dũng vẫn thản nhiên như không mặc cho các đội bóng khác ở bên ngoài chờ đợi tỏ thái độ khó chịu. Kế sau Thông tin, VTV Bình Điền Long An chỉ có 15 phút tập với lưới để chuẩn bị cho trận đấu chung kết, nhận thấy nhiều điều không thỏa đáng, BHL Ngân hàng Công thương chủ động nhường lại 15 phút của mình cho thày trò HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền để có thể chuẩn bị cho trận chung kết tốt hơn. Và điều này vô tình hay cố ý đều không qua được con mắt của các VĐV trẻ.

Khái niệm công bằng xã hội không phải bỗng dưng mà có. Nó được xuất phát từ một truyền thống tốt đẹp của đạo lý ông cha: “Nhân nào, quả nấy”, “Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo”, “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Tất cả đều gần gũi nhau ở một ý nghĩa: Con người ta sống ra sao, hành động thế nào thì sẽ nhận được kết quả (hoặc hậu quả) tương xứng. Người ta gieo gì sẽ gặt nấy. Cô Tấm thảo hiền, chịu thương chịu khó, tử tế, nết na dù có bị đày ải, tủi cực, bị bọn ác cố ý trừ diệt nhưng cuối cùng trở thành hoàng hậu, được vua sủng ái. Ngược lại, mẹ con mụ dì ghẻ và Cám độc ác, tàn bạo, quyết tâm hãm hại Tấm đến cùng, rốt cuộc bị chết thảm hại. Đó là sự công bằng. Thạch Sanh cũng vậy: Chàng đốn củi nghèo khổ nhưng nghĩa hiệp cuối cùng đã được làm phò mã. Còn tên Lý Thông gian manh, quỷ quyệt rốt cuộc bị sét đánh chết, biến thành con bọ hung. Đó là sự công bằng. Đạo lý này luôn được thể hiện rõ ràng, đậm nét trong văn học dân gian Việt Nam. Không có điều này, tất cả sẽ bị đảo lộn. Chừng nào sự công bằng không được ngự trị trong cuộc sống, chừng đó còn lắm thứ lộn xộn và xứ sở sẽ khó thoát được nhiễu loạn.


Tác giả:HUY CƯỜNGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều