Tiêu đề của website

Cháy mãi “ngọn lửa” tuổi 41.

Thật khó tin khi đúng 17 năm sau lần đầu tiên đăng quang, chuyền hai Lê Hồng Huy (cao 1,8m) một lần nữa bước lên bục cao nhất bóng chuyền VN cùng Thể Công - Binh đoàn 15 ở tuổi 41.


Thật khó tin khi đúng 17 năm sau lần đầu tiên đăng quang, chuyền hai Lê Hồng Huy (cao 1,8m) một lần nữa bước lên bục cao nhất bóng chuyền VN cùng Thể Công - Binh đoàn 15 ở tuổi 41.

Hồng Huy (cầm cúp) cùng Thể Công - Binh đoàn 15 đăng quang ngôi vô địch quốc gia 2014 - Ảnh: T.P.

“Tôi từng thăng hoa với hai năm liền vô địch quốc gia 1997 và 1998 cùng đội bóng chuyền Công an TP.HCM. Sau đó, dù đội Công an TP.HCM tuột dốc, nỗi khát khao chinh phục đỉnh cao bóng chuyền vẫn cháy âm ỉ trong tim tôi. Và mất 16 năm chờ đợi, tìm cơ hội ở nhiều CLB khác nhau, bây giờ tôi mới lại có được cảm giác chiến thắng” - Hồng Huy tâm sự.

Thật vậy, trong vai trò quản lý đội bóng chuyền Công an TP.HCM và có một cơ sở buôn bán nhỏ, đại úy Hồng Huy có thể có cuộc sống an nhàn. Nhưng “lửa nghề” cứ giục anh mải mê đuổi theo quả bóng đến “quên” cả xây dựng gia đình riêng và nhiều đối thủ hiện nay chỉ bằng tuổi con anh.

Miếng ghép hoàn hảo mang tên Hồng Huy

Một con số ấn tượng bởi trong thể thao, tuổi nghề ở con số 41 thuộc dạng hiếm, nhất là vẫn có thể lên ngôi vô địch ở môn thể thao đòi hỏi thể lực như bóng chuyền. Và đó chính là khát khao mà Hồng Huy tìm kiếm gần hai thập kỷ qua.

Về việc ngoảnh mặt trước nhiều lời mời chào với mức thu nhập hậu hĩnh để về với Thể Công - Binh đoàn 15 (cho mượn từ Công an TP.HCM) mùa giải 2014, Hồng Huy giải thích: “Đơn giản chỉ bởi tôi thấy được thực lực và quan trọng hơn là khao khát chiến thắng của đồng đội ở Thể Công”. Và Hồng Huy là miếng ghép hoàn hảo đúng vị trí chuyền hai chưa mạnh của đội bóng áo lính.

VĐV chuyền hai là “trái tim”, quyết định 60-70% thành bại trong tấn công của đội bóng. Quan sát Hồng Huy thi đấu, chúng ta mới thấy được khối lượng công việc khổng lồ mà VĐV 41 tuổi này phải gánh khi ở trên sân.

Khi bóng còn trên sân đối phương, Hồng Huy đã phải quan sát sơ đồ đối thủ. Sau đó, anh quay 180o để xem và phán đoán quả bắt bước một của đồng đội rồi đón bóng và chuyền cho đồng đội dứt điểm. Người chuyền hai giỏi phải đánh lừa hàng chắn đối thủ, đưa đồng đội vào tư thế thuận lợi để ghi điểm. VĐV chuyền hai như “dâu trăm họ”, chuyền đẹp thì người ghi điểm được tung hô nhưng nếu sơ sẩy sẽ phải lãnh đủ lời chê trách. Hồng Huy nói: “Vị trí này căng thẳng nhất trên sân đến nỗi nhiều VĐV trẻ đã bị stress”.

Vậy mà ở tuổi 41, Hồng Huy vẫn đảm nhận tốt vai trò đòi hỏi sức chịu đựng khủng khiếp về tâm lý và cả sức bền thể lực. Sự lém lỉnh trong tính cách đã được Hồng Huy “tiêm” vào lối chơi của mình, tạo ra sự táo bạo có phần liều lĩnh với những đường chuyền ít ai ngờ đến nhưng có độ chính xác cao. Đồng thời, sự nhanh nhẹn giúp Hồng Huy có khả năng xoay chuyển tình thế khó tin, anh vừa có thể cứu những pha bước một hỏng của đồng đội vừa chuyền chính xác cho đồng đội khác ghi điểm.

Chính anh đã mang đến sự khác biệt quan trọng để Thể Công - Binh đoàn 15 bước lên ngôi cao nhất. Bản thân anh được bình chọn “Chuyền hai xuất sắc nhất giải” với sự đồng thuận rất cao của giải chuyên môn.

Đối mặt với dàn sao Đức Long Gia Lai ở trận chung kết, Hồng Huy gây ấn tượng với những đường chuyền đầy kinh nghiệm, chia bóng đều khắp mặt sân cho đồng đội dứt điểm chính xác. Khán giả tại Nhà thi đấu TDTT Quân đoàn 4 (Bình Dương) trầm trồ mãi tình huống Hồng Huy hóa giải quả bước 1 lỗi của đồng đội bằng pha xoay người 180o thực hiện đường chuyền cách lưới gần 5m cho đồng đội Thái Hưng ghi điểm ngoạn mục mang lại sự hưng phấn cho Thể Công - Binh đoàn 15 giành chiến thắng ở ván tư quyết định.

Ít ai ngờ Hồng Huy chỉ có hai tháng tập luyện cùng Thể Công - Binh đoàn 15. Dù hạn chế ở khả năng nhảy chuyền do vấn đề thể lực nhưng Hồng Huy có ưu điểm đa dạng, ăn ý với đồng đội một cách đáng kinh ngạc nhờ “hiểu” rõ điểm mạnh, yếu của từng người. Suốt giải, anh thi đấu 6/7 trận quan trọng nhất của Thể Công - Binh đoàn 15, trong đó có trận bán kết và chung kết.

Thành công này quá đẹp cho một “tượng đài” nhưng chắc chắn sự nghiệp của Hồng Huy chưa dừng lại. Tuy nhiên ở tuổi 41, Hồng Huy đã cảm nhận gánh nặng thể lực. Hồng Huy nói: “Tôi không biết động lực nào giúp tôi đứng vững trên sân và “nuốt” nổi giáo án thể lực. Với tôi bây giờ, những bài tập thể lực như chạy bộ, bật nhảy trên cát... chẳng khác nào những màn tra tấn”.

“Cháy” mãi một niềm đam mê

Theo chân anh trai là danh thủ Lê Hồng Hảo, từ 12 tuổi Hồng Huy (khi đó cao 1,73m) đã làm quen quả bóng ở sân bóng chuyền trước nhà. Anh sớm thể hiện năng khiếu và thường được những chú công an gần nhà “bắt” vào đội bóng của mình.

Ngày ấy, việc chơi mặt sân ximăng khiến Hồng Huy thường xuyên bị sưng gối, trầy... Gầy nhom do thiếu ăn nhưng Hồng Huy sẵn sàng bỏ bữa để đánh bóng chuyền. 14 tuổi, Hồng Huy thi vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TP.HCM nhưng suýt bị cho “tốt nghiệp” sớm vì chiều cao kém phát triển và sức bật thấp. Nhưng bằng mọi giá, Hồng Huy quyết chí ở lại và tự tập thêm để rèn luyện mình.

Ngày ra trường, Hồng Huy mừng như bắt được vàng khi được nhận làm chân chuyền hai dự bị đội Công an TP.HCM. Sau quá trình nỗ lực, Hồng Huy có vị trí chính thức ở đội Công an TP.HCM lúc 19 tuổi, dù lúc đó đội đang sở hữu cây chuyền hai cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Kim Sơn. Hồng Huy lập tức góp sức giúp đội Công an TP.HCM đoạt á quân toàn quốc năm 1992 và hai năm liền vô địch 1997, 1998.

Hơn chục năm đầu theo nghiệp VĐV, cái nghèo luôn làm khó Hồng Huy. Ít ai nghĩ dưới chân nhà vô địch trẻ là những đôi “giày chặt”. Đó là những đôi giày bị lỗi trong sản xuất, người ta chặt đế rồi bỏ. Hồng Huy mua về, dán keo lại rồi mang thi đấu. Vậy mà anh mang đến mòn rồi lại dán đế mang tiếp. Rồi những chuyến cùng đồng đội rong ruổi Bắc - Nam trên những chiếc xe cà tàng, những bữa cơm chỉ mong đủ ấm bụng để thi đấu... luôn đọng mãi trong ký ức Hồng Huy.

Thời gian thoi đưa, khi bạn bè đồng trang lứa lần lượt “về hưu”, Hồng Huy vẫn ngày ngày xỏ giày ra sân. Đội Công an TP.HCM sa sút, Hồng Huy chấp nhận đánh thuê cho nhiều đội như Thép Việt TP.HCM, Maseco TP.HCM, Sanest Khánh Hòa... để thỏa đam mê và khát khao có thêm một lần vô địch. Và mãi đến khi khoác áo Thể Công - Binh đoàn 15 mùa giải năm nay, Hồng Huy mới dược toại nguyện.

Tôi không muốn làm cái bóng của anh Hảo

Hồng Huy là em ruột cựu danh thủ Lê Hồng Hảo. Khác với anh trai có tố chất bẩm sinh, thành quả hôm nay của Hồng Huy có từ sự cần cù tập luyện.

Hồng Huy nói: “Tôi ghét bị xem là cái bóng của anh Hồng Hảo. Từng có nhà chuyên môn nhận định: nếu Hồng Hảo 10 điểm thì Hồng Huy chỉ được 3 điểm. Tôi đã phải nỗ lực nhiều để chứng minh bản thân”. Điều đáng tiếc trong sự nghiệp Hồng Huy có lẽ là chưa một lần khoác áo cùng CLB với người anh trai nổi tiếng. An ủi là Hồng Huy từng được cùng Hồng Hảo khoác áo tuyển VN những năm 1995-1997.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều