Tiêu đề của website

Bóng chuyền nữ Việt Vam: Căn bệnh trầm kha

Vị trí thứ tư cùng một hình ảnh tương đối nhạt nhòa. Những màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam tại Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2015 vừa khép lại tại Bạc Liêu gắn liền với những câu hỏi day dứt.


Vị trí thứ tư cùng một hình ảnh tương đối nhạt nhòa. Những màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam tại Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2015 vừa khép lại tại Bạc Liêu gắn liền với những câu hỏi day dứt.

Đội tuyển "năm một"

Kể từ lần đầu tiên đoạt HCB SEA Games vào năm 2001, đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia chưa bao giờ biết đến việc tập huấn dài hạn theo một chương trình thống nhất, cũng như thật sự có tuyến trẻ kế cận, chẳng hạn như một lứa U.23. Có những chuyên gia đã gọi đây là "đội tuyển năm một", với kế hoạch và mục tiêu đúng nghĩa là "năm nào biết năm ấy". Đội hình, lối chơi gắn chặt với từng giải đấu cụ thể trước mắt, mà hai trọng tâm là giải nữ quốc tế VTV Cup và SEA Games.

Đội tuyển Việt Nam mỗi năm một đội hình.

Với SEA Games, qua tám kỳ đại hội (tương ứng với 16 năm), bóng chuyền Việt Nam vẫn chỉ là "số 2". Cũng như bóng đá nam, bóng chuyền nữ gần như đã tự "đóng khung" mình vào đích nhắm duy nhất: bảo vệ ngôi á quân. Có một sự "tự kỷ ám thị" nào đó dường như đã luôn hiện hữu, mỗi khi "đụng trận" với "đại địch" Thái-lan (Thailand). Cứ chạm trán họ là bóng chuyền nữ Việt Nam lại "tự thua", và thua thảm.

Cũng phải nói rằng, việc các đối thủ cạnh tranh vị trí thứ hai khu vực như Phi-li-pin (Philippines) hay In-đô-nê-xi-a (Indonesia) có thực lực yếu hơn hẳn đã làm hại bóng chuyền Việt Nam. Giới chuyên môn vẫn bông đùa: Quá khó để lật đổ được ngôi "bá chủ" của bóng chuyền nữ Thái-lan, song việc tụt xuống vị trí thứ ba thậm chí còn... khó hơn nhiều.

Trong khi đó, VTV Cup vẫn chỉ là một "giải mời", với tính chất giao hữu, với các vị khách thay đổi liên tục qua từng năm, mà mặt bằng chung trình độ chỉ ở mức vừa phải. Đội chủ nhà, nhờ vậy, được bảo đảm "rộng cửa" lọt vào chung kết, hay chí ít là bán kết.

Huấn luyện viên thời vụ

Trong 16 năm, ĐTQG bóng chuyền nữ được dẫn dắt bởi tám HLV (bốn chuyên gia ngoại cùng bốn "ông thầy nội"). Dù chưa thể so sánh với đội tuyển Thái-lan (gần như chỉ dùng một ê-kíp, với tính kế thừa rất cao) song tính ổn định của bóng chuyền nữ vẫn là khá cao so với nhiều môn khác của thể thao Việt Nam.

Bóng chuyền Việt Nam không có bản sắc riêng.

Tuy nhiên, đó là về mặt hình thức. Trên thực tế, gắn với cách làm "ăn đong", việc sử dụng HLV cũng mang đậm tính thời vụ. Ngay cả các HLV kỳ cựu như Nguyễn Mạnh Hùng hay Phạm Văn Long, những người từng đảm đương trách nhiệm trong khoảng thời gian tương đối dài, thật ra cũng "năm nào biết năm ấy". Họ chỉ tập trung để làm sao hoàn thành các nhiệm vụ trong năm, qua các giải cụ thể, rồi sang năm... tính tiếp. Họ gần như không thể nghĩ đến việc xây dựng một đội hình và lối chơi lâu dài, khi cứ phải chạy theo thành tích ngắn hạn.

Lối chơi của đội tuyển, không chỉ một thế hệ, đều có phần nhợt nhạt và thiếu bản sắc. Những dấu ấn đáng nhớ nhất nằm ở tinh thần thi đấu, hay vai trò của một vài cá nhân nổi bật (như phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa), chứ không phải chiều sâu thực lực. Ở phương diện này, đội tuyển có lẽ còn thua cả hai CLB hàng đầu (Thông tin LienViet PostBank và Bình Điền Long An) -hai nguồn cung cấp tuyển thủ chính.

Thật đáng tiếc! Lẽ ra "diện mạo" của đội tuyển đã "sáng sủa" hơn nhiều, với một lối chơi riêng ổn định. Thật sự, tuyển thủ Việt Nam các lứa đều ít nhiều chứng tỏ được điểm mạnh, về sự thông minh, nhanh nhẹn và tính sáng tạo. Trong đó, khả năng đánh nhanh với sự xuất hiện của liên tiếp các phụ công tài năng chính là một điểm nhấn, được đánh giá là không hề thua kém đội tuyển Tháilan. Riêng bộ đôi Kim Huệ - Ngọc Hoa nhiều năm là cặp phụ công hay nhất Đông - Nam Á. Có điều, tiềm năng của họ đã không được tận dụng tối đa, để từ đó đẩy lên thành một "đặc sản" của lối chơi chung.

Thua ngay từ gốc

Có thể khẳng định, với nguồn lực lớn về nhiều mặt (kể cả mức đầu tư), bóng chuyền nữ Việt Nam không đáng phải tụt hậu so với đối thủ chính Thái-lan đến mức như hiện tại. Và rõ ràng, những nhà tổ chức (trước hết là bộ môn và Liên đoàn) đang để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn lực ấy, gắn với tư duy sai lệch từ gốc rễ.

Mười bốn năm qua, bóng chuyền Việt Nam xem như chỉ mặc định "nhắm tới" sân chơi SEA Games, cũng chỉ chăm chăm bảo vệ bộ HCB. Chưa từng có một chiến lược được xác lập, để chí ít cũng nỗ lực song song cùng Thái-lan tiến ra châu lục. Những kết quả tốt ở tầm châu Á, tiêu biểu là vị trí thứ tư tại Cup châu Á năm 2012, cho thấy "tư duy SEA Games" và "nỗi ám ảnh Thái-lan" nặng nề đến mức nào, trong tiềm thức của cả các HLV lẫn tuyển thủ.

Bên cạnh "vết sẹo tinh thần" ấy là điểm yếu chết người về đào tạo trẻ. Mảng trọng yếu này lâu nay đã bị phó mặc hoàn toàn cho các địa phương, các đội bóng. Ngoại trừ hai "lò" Thông tin và Long An  giờ có thêm NHCT "chịu khó" thực hiện bài bản, các đội bóng khác đều buông lơi khâu đào tạo tài năng trẻ, nhất là từ khi bóng chuyền Việt Nam được phép "thuê ngoại binh". Trên một mặt bằng chung quá khan hiếm cầu thủ có chất lượng, đội tuyển cũng không thể có thực lực hùng hậu. Các HLV, vì thế, cũng không dễ xoay xở.

Những căn nguyên này hoàn toàn không khó nhận diện. Vấn đề là đến bao giờ, các nhà tổ chức của bóng chuyền nữ Việt Nam mới thật sự muốn trị tận gốc căn bệnh trầm kha?

HLV trưởng ĐTQG nữ Thái Thanh Tùng:

Tôi muốn nói về bóng chuyền nữ Việt Nam trong sự đối sánh với Thái-lan, đối thủ mà chỉ trong hai tháng chúng ta đã thất bại tới hai lần (thua ĐTQG tại chung kết SEA Games và thua U.23 của họ tại bán kết VTV Cup). ĐTQG Thái-lan hiện tại, không có ngôi sao nào hơn được Ngọc Hoa. Xét riêng về hình thể, đơn cử như chiều cao trung bình, thậm chí họ còn kém hơn. Độ tuổi trung bình của họ cũng cao hơn 3-4 tuổi. Tuy nhiên, trên phương diện một đội bóng, họ đang vượt quá xa ĐT Việt Nam, với một sức mạnh tập thể, kỹ chiến thuật hoàn hảo, cùng một lối chơi có bản sắc rõ ràng. Quan trọng hơn, phía sau họ là các ĐT U.23, U.18 nằm trong một hệ thống chung đều ở trình độ hàng đầu châu lục, tiếp cận thế giới, sẵn sàng thay thế các đàn chị bất cứ lúc nào.

Chuyên gia Lương Khương Thượng, cựu HLV trưởng ĐTQG và CLB Bình Điền Long An:

Muốn đột phá, không còn cách nào khác, bóng chuyền nữ Việt Nam phải làm lại từ đầu, từ một chiến lược, mục tiêu mang tầm châu Á tới hệ thống đào tạo trẻ. Phương thức khả thi nhất chính là học ngay chính Thái-lan. Để có đỉnh cao như ngày hôm nay, họ đã trải qua tới hai thập kỷ bền bỉ đào tạo trẻ, xây dựng giải VĐQG, ĐT cấp quốc gia các lứa tuổi... Hệ thống đào tạo quốc gia của họ gồm năm lứa tuổi, bắt đầu từ U.13 cho đến ĐTQG, theo một chương trình chung, dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ HLV hùng mạnh, thống nhất.


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin
Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Ngày sinh: 10/11/1987
Quê quán: Long An
CLB: VTV Bình Điền Long An, Bangkok Glass
Vị trí: phụ công
Số áo: 9
Tiêu điểm
Xem nhiều