Vậy là đã 42 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Trong những dòng người vô Nam năm 1975, đã có những cầu thủ bóng chuyền Quân đội nhân dân Việt Nam, họ vào Nam chơi bóng và qua đó giới thiệu với đồng bào miền Nam những thành tựu TDTT của chế độ XHCN tươi đẹp. Trong đoàn cán bộ cầu thủ-chiến sỹ năm ấy, phải kể đến Đại tá Bùi Huy Giang, nguyên Phó Trưởng Đoàn TDTT Quân đội NDVN, một trong những danh thủ bóng chuyền của nền thể thao cách mạng.
Vĩnh biệt ông Bùi Huy Giang
Vậy là bóng chuyền Việt Nam đã chính thức vĩnh biệt ông Bùi Huy Giang.
Đó là những ngày vui phơi phới, ông Bùi Huy Giang được Cục TDTT Quân đội cử làm trưởng đoàn đi Nam, dẫn theo 4 đội bóng chuyền quân đội là Thể Công, Sông Hồng (nam) và Bộ Tư lệnh thông tin, Phòng Không không quân (nữ). Họ đi dọc theo đường số 1, vào Huế, Đà Nẵng, chơi bóng phục vụ đồng bào vùng mới giải phóng và sau đó ít ngày, được lệnh mới, tất cả được đeo quân hàm và tiếp tục chặng còn lại, từ Huế vào tận Sài Gòn, lên Châu Đốc, chơi bóng, giao lưu với bà con và làm vui thêm cái không khí náo nức Nam - Bắc một nhà. Ít ai biết rằng người chiến sỹ - cầu thủ kiêm trưởng đoàn bóng chuyền Quân đội năm ấy đã chia tay đứa con trai út (Bùi Huy Sơn) vừa mới sinh để lên đường vào thực hiện nhiệm vụ. Và đứa con bé bỏng ấy, sau này lại tiếp tục kế nghiệp của ông.
Sinh năm Đinh Sửu (1937) tại Gia Viễn, Ninh Bình, 20 tuổi, chàng thanh niên cao lớn đẹp trai Bùi Huy Giang lên đường nhập ngũ và vào tiểu đoàn tân binh Tây Bắc thuộc Quân khu Tây Bắc. Tiểu đoàn ấy tổ chức ngay một đội bóng chuyền (BC) là môn thể thao rất phổ biến của môi trường bộ đội, tân binh cao 1m86 đã lập công lớn và góp sức giành thắng lợi trước tiểu đoàn 148 đến 3-0. Chẳng bao lâu sau, Bùi Huy Giang là mũi đánh chủ công của Quân khu tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất trên sân Hàng Đẫy và đội bóng của ông xếp hạng 3.
Năm 1960, Thể Công đã “đánh tiếng” và tháng 9/1961, ông chính thức về đội bóng danh giá này, cùng thời với những tên tuổi lớn như HLV Lý Đức Kim và các bạn Thưởng, Vượng, Miện, Duệ... Liên tục những năm sau sau, trong tư cách là vận động viên đỉnh cao, với Bùi Huy Giang là các chuyến đi xa, thi đấu, tập huấn từ Trung Quốc, Campuchia đến Indonesia (Ganefo 1), tham dự không biết bao trận đấu, dự các khóa học tập chuyên môn và chính trị với những kỷ niệm hào hùng xúc động, kể cả những ngày làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia sau đó. Năm 1981, Bùi Huy Giang được trao trách nhiệm Phó trưởng Đoàn TDTT Quân đội, đến năm 1983 lại được điều về làm HLV đội Thể Công, đội bóng giành liên chức VĐQG trong 3 năm 83-84-85 và đến mùa Thu năm 1991, ông đề nghị được nghỉ theo chế độ.
Ngày cha nghỉ hưu cũng là khi cậu út Bùi Huy Sơn tròn 17 tuổi, tư chất thể thao nổi bật nhiều môn song 2 “cha con BC” đã nhanh chóng thỏa thuận là Sơn sẽ chơi BC theo nghiệp cha. Khi ông Giang còn thi đấu, là lúc BCVN tự hào với những quái kiệt Quảng Trọng Hải, Đào Hữu Uyển, Lê Văn Phụng, Phạm Quang Tuyến, Nguyễn Thanh Thưởng, Lê Văn Tư… Và chẳng bao lâu sau, nối tiếp truyền thống Bùi Huy Sơn đã làm mưa, làm gió trên sân bãi bóng chuyền như chính người cha của mình.
Căn nhà nhỏ của ông Bùi Huy Giang hôm nay không có tiếng cười, chỉ còn lại những tấm ảnh kỷ niệm, những tấm huân, huy chương hay bằng khen trong cuộc đời của một tượng đài bóng chuyền ấy. Ở tuổi 80, ông Bùi Huy Giang nhẹ nhõm ra đi sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Ở giây phút đó, bóng chuyền Việt Nam đã mất thêm một người anh, một người đồng đội, một người bố, mất đi một bằng chứng sống về sự cống hiến cho thể thao của một người chiến sỹ, những con người Việt Nam sinh ra và lớn lên trước ngày 30-4 lịch sử, đã hết lòng xây dựng cho bóng chuyền Việt Nam.