Tiêu đề của website

Tuyển thủ kiếm bộn tiền nhờ "chạy sô" giải làng

Nhiều vận động viên (VĐV) tiết lộ mức thưởng họ nhận được từ việc tham dự những giải hội làng bằng thu nhập cả năm trên đội tuyển quốc gia.


Các VĐV chuyên nghiệp thích dự hội làng vì bầu không khí cuồng nhiệt và những khoản tiền thưởng “nóng hổi”.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm VĐV ở các môn như bóng chuyền, vật tranh thủ kiếm thêm thu nhập nhờ tham gia các giải đấu hội làng, mức độ cạnh tranh không quá cao nhưng thu nhập lại hơn hẳn các giải đấu chuyên nghiệp.

Bỏ túi cả trăm triệu đồng

Từ ngày 8-2 (tức 13 tháng Giêng), bộ 3 tuyển thủ Kim Huệ, Hà Hoa, Nguyễn Thị Xuân đã “khai xuân” bằng chức vô địch tại hội làng Đông Mai (Bắc Ninh). Tiếp đó các cô gái CLB Ngân hàng Công Thương tiếp tục góp mặt tại các hội làng lớn như Kim Thiều, Quan Độ (Bắc Ninh), Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội)… Cùng với sự phát triển kinh tế, mức thưởng tại các hội làng ngày một được nâng lên, từ 30 triệu đồng cho đến 100 triệu đồng cho đội vô địch (bằng với mức tiền thưởng cho chức vô địch quốc gia 2016) như giải đấu tại thôn 8, xã Ninh Hiệp vừa qua. Theo thông tin nội bộ, đội bóng chuyền Ngân hàng Công thương qua 4 ngày thi đấu tại 4 hội làng, đã thu về gần 400 triệu đồng.

BTC sự kiện cho biết có tới hơn 200 nhà tài trợ, đa số là người dân trong làng, cùng treo thưởng cho giải. Đó là chưa kể các cá nhân thưởng “nóng” cho VĐV sau mỗi pha đập bóng, chắn bóng tốt mà một thành viên BTC miêu tả là “nhiều không đếm xuể”. Tổng giá trị giải thưởng năm nay ước tính hơn 500 triệu đồng, tức gấp 5 lần giải vô địch quốc gia (thi đấu trải dài suốt cả năm và để tham dự các CLB phải đóng lệ phí khoảng 20 triệu đồng). Kể cả những đội thua cuộc cũng có tiền thưởng và được BTC lo chi phí đi lại, ăn ở. Quan trọng hơn với VĐV là được nhận “tiền tươi thóc thật” sau từng trận, thậm chí ngay sau mỗi pha đánh bóng khiến khán giả phấn khích thưởng “nóng” và được thi đấu trong bầu không khí sôi động của hội làng.

Những hội làng sau Tết Nguyên đán giúp các ngôi sao như Hữu Hà, Văn Kiều, Thanh Thuận, Thái Hưng, Kim Huệ… kiếm thêm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Với các tuyển thủ ở môn vật, mức thu nhập từ tiền thưởng hội làng có phần ít hơn nhưng cũng giúp họ có thêm khoản kha khá để trang trải cuộc sống. Chưa kể, chiến thắng tại các hội làng truyền thống mang đến vinh dự cho bản thân, gia đình và dòng họ VĐV đó.

VĐV “xé luật”, CLB ủng hộ

Chuyện các tuyển thủ “chạy sô” mỗi dịp xuân về ngày càng phổ biến  song cũng kéo theo nhiều rủi ro, mới nhất là trường hợp VĐV bóng chuyền Vũ Quang Khơi (CLB Tràng An Ninh Bình) bị gãy cổ chân khi dự giải hội làng tại Ninh Hiệp cách đây ít ngày. Nguyên nhân do điều kiện sân bãi tại các hội làng không đảm bảo, chủ yếu bằng nền xi măng nên tiềm ẩn rủi ro chấn thương cho cầu thủ và đối tượng chịu thiệt, không chỉ có VĐV mà còn CLB chủ quản và cao hơn nữa là ĐTQG.

Ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho biết, từ lâu VFV đã ra văn bản không cho phép VĐV đang tập trung ĐTQG về dự các hội làng vì nguy cơ chấn thương. “Tuy nhiên, khi VĐV không tập trung ĐTQG mà nằm dưới sự quản lý của các CLB thì chúng tôi chỉ có thể đưa ra những khuyến cáo. Thực tế cho thấy nhiều CLB chuyên nghiệp vẫn cho VĐV, thậm chí đưa nguyên đội hình chính về hội làng thi đấu. Dù nguy cơ chấn thương tiềm ẩn nhưng các CLB đa số ủng hộ việc này, vì nó giúp VĐV, HLV có thêm thu nhập, đến được gần hơn với người yêu bóng chuyền và qua đó nâng cao hình ảnh cho chính CLB”, ông Lê Trí Trường nói.


Nguồn: An Ninh Thủ Đô
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều