Những nữ tướng trên sân bóng chuyền, xưa nay không có nhiều và tôi có may mắn được biết một số trong đó. Toàn những VIP. Oách nhất có lẽ là hai HLV tài ba và giàu cá tính: Lang Ping và Kim Ok Sun.
TƯỚNG CẦM QUÂN
Bà Lang đã nức tiếng khắp thế giới rồi, đến mức Mỹ thuê bà về để cầm ĐTQG và chỉ năm sau bóng chuyền nước này dẫn đầu thế giới, bà đã làm tôi nể khi trả lời câu hỏi của tôi về việc bà dậy gì cho học trò – “Tôi dạy họ phải biết thương yêu nhau”. Bà Kim là quân nhân mang hàm cấp tướng, rèn quân khiếp lắm và câu trả lời của bà cũng mang sắc thái Triều Tiên “Thi đấu là chiến đấu chứ không phải là đi chơi”. Trở về sân nhà, tôi đã biết một số những nữ tướng trên sân bóng chuyền như các chị Nguyễn Thị Mùi là HLV của đội nam Đồng Nai ngày đầu giải phóng. Chị Mùi là VIP của BCVN thời kì trước giải phóng, vô cũng xuất sắc. Chị Lương Nguyễn Ngọc Hiền là người đóng góp nhiều công trạng cho bóng chuyền Long An, từng là HLV của cả đội nam Long An và nữ VTV Bình Điền Long An, là một nhà sư phạm đúng nghĩa và rất đáng tin yêu.
Nhà báo Nguyễn Lưu bên cạnh các nữ HLV bóng chuyền.
Còn thời gian này thì sao?
Thanh Hóa có nữ HLV Lê Thị Bình. Lê Thị Bình từng là chủ công cứng của bóng chuyền nữ xứ Thanh, trước Lường Thị Hiểu, Hồ Thị Chinh…nhưng mùa này đã lui về phía sau ở vai trò quản lí. Tương tự, Hồ Thị Phương, cựu Thanh Hóa cũng từng mấy mùa là HCV ở TP.HCM, nay đã chuyển qua làm nhiệm vụ khác. Vai trò HLV phó cấp đội tuyển quốc gia ở ta từng có những gương mặt như Nguyễn Thị Hiền, Hà Thu Dậu, Nguyễn Thúy Oanh, Phạm Thị Thanh Hà, HLV các đội trẻ là khá nhiều, đó là Thúy Oanh (trẻ QG), Trần Hiền (TP.HCM), Tâm Anh (Thông tin)…nhưng tại giải VĐQG năm 2017 lần này lại chỉ có 2 gương mặt mới là Nguyễn Thu Hương (Đắc Lắc) và Lê Thị Hiền (Quảng Ninh).
Thu Hương biệt danh Hương “cảnh sát” đã được nói nhiều, so với đàn em Lê Thị Hiền là khá xa về thời gian và về yếu tố chuyên môn. Bởi vì ngày mà Hương là chủ công ĐTQG và tại Thông tin, BCVN còn chơi theo sơ đồ khá lạc lậu: 2-4, tức là có 2 chuyền hai, 4 tấn công, còn đến thời của Lê Thị Hiền đã là 1-5, trong đó 1 chuyền hai, 3 chủ công và 2 phụ công. Lê Thị Hiền may mắn có suất thi đấu chính thức trong trận lịch sử thắng đội Philippines và bắt đầu giữ vai trò á quân Đông Nam Á, trận đấu tại SEA Games 21 mà bức ảnh sau phút chiến thắng tôi chụp vội bằng cái máy ảnh Samsung bé tí do anh Mai Văn Muôn tặng, tấm ảnh ấy giữ đến nay như một kỉ niệm độc quyền. Lần ấy 3 chủ công là Trần Hiền, Lê Hương Giang và Nguyễn Thanh Hoa (thủ quân), 2 phụ công là Phạm Thị Kim Huệ và Lê Thị Hiền, chuyền hai là Đặng Thị Hồng và libero là Hương Lan, HLV Nguyễn Mạnh Hùng. Lê Hiền đánh bóng ra sao?
Kim Huệ chuyên chạy chỗ và bật nhảy chân số 2, còn Hiền chốt tại số 3. Không bay bướm, khá đơn giản nhưng đòn ra lại chắc nịch, thường là theo phương vào đà vậy mà khó chắn phết, hễ nhảy đánh xong hay quay ra cười bẽn lẽn, khuôn mặt với nước da mặn mòi và đôi mắt to rất chi đáng yêu! Giống Bùi Huệ ở bước 1 tốt (năm ấy Bùi Huệ mới 16 tuổi và chưa được lên tuyển lớn). Hiền ít nói, khi nghe thày Mạnh “hói” chỉ biết “vâng” và luôn lo lắng xem các bậc “đại tỷ” của bóng chuyền vùng mỏ có gì hay để học hỏi, từ Trần Yến, Bùi Lan Anh hay Bùi Hương cùng các bạn đồng trang lứa. Rồi cứ thế mà trưởng thành dần và hôm nay đã là tướng cầm quân của bóng chuyền đất mỏ. Gian nan lắm, bởi mãi năm rồi mới trở lại ở hạng đội mạnh, lực lượng mỏng, tài trợ hạn hẹp…song giấc mơ trụ hạng vẫn luôn cháy bỏng. Gặp lại lão nhà báo ngày đội Quảng Ninh đánh thăng hạng, Lê Hiền cười khiêm tốn: “Đội con còn non lắm bố Lưu ạ, con rất mong được mọi người quan tâm…”
Tất nhiên rồi, khi mà mùa giải mới năm nay chỉ có 2 nữ tướng là Nguyễn Thu Hương và Lê Thị Hiền, có người hâm mộ nào lại không yêu quý và chúc điều tốt lành cho các chị!