Tiêu đề của website

Tủi phận chân dài bóng chuyền trẻ

18 tuổi, lần đầu tiên xuất hiện trong màu áo đội tuyển trẻ Việt Nam, và cũng không lâu sau Nguyễn Quốc Đoàn ngay lập tức khuấy động bầu không khí cuồng nhiệt khắp các khán đài tại giải VĐQG trong màu áo Thể Công ở cùng năm đó. Dù không giành được ngôi vô địch, nhưng quan trọng hơn, bóng chuyền nam Việt Nam đã trình làng một gương mặt chủ công đầy triển vọng, bóng chuyền Sanest Khánh Hòa (đơn vị chủ quản của Đoàn) lại có quyền mơ mộng ở lứa cầu thủ trẻ tiếp theo của mình... Đó là một kỷ niệm đẹp, một ấn tượng không thể nào quên của người hâm mộ với VĐV mang áo số 2 – chủ công Nguyễn Quốc Đoàn.


Nguyễn Quốc Đoàn - VĐV triển vọng hàng đầu của bóng chuyền nam Việt Nam.

Nhiều chuyên gia khi ấy cũng từng nhận định Quốc Đoàn là “tương lai của bóng chuyền Sanest Khánh Hòa”. Chính tính cách mạnh mẽ ẩn giấu trong thân hình chỉ ở mức tầm trung trong làng bóng chuyền đã giúp Đoàn luôn vững vàng trước áp lực tâm lý, dù phải thi đấu ở một sân chơi lớn.

Trong 3 năm liên tiếp giúp bóng chuyền Khánh Hòa độc diễn trên sân chơi cho các VĐV trẻ, là chủ lực của đội tuyển trẻ Việt Nam, từng khoác áo thi đấu thành công trong màu áo đội 1 Thể Công theo hình thức cho mượn. Đó là nền tảng vững chắc để Nguyễn Quốc Đoàn giành một suất lên chơi tại đội 1 của đội bóng phố Biển trong năm 2016.

Ngoài quả tấn công bằng tay trái từ biên số 4 khó đoán bắt, Quốc Đoàn còn có khả năng chuyền một, phòng thủ tuyệt vời so với nhiều cầu thủ trẻ hiện nay. Bởi vậy, trong một đội bóng với nhiều cầu thủ chỉ biết tấn công mà không biết phòng thủ như Sanest Khánh Hòa, thì sự góp mặt của một cầu thủ toàn diện như Quốc Đoàn là vô cùng cần thiết.

Khi bóng chuyền Việt Nam bắt buộc phải chuyển hướng, tạm thời loại ngoại binh khỏi hệ thống giải đấu chính thức, hầu hết các đội bóng đều nhận ra mình đang thiếu hụt các VĐV kế cận nghiêm trọng. Thế nhưng lúc này, Sanets Khánh Hòa với một hệ thống đào tạo trẻ bài bản, vẫn đủ sức đôn lên tuyến 1 rất nhiều VĐV trẻ tiềm năng là trụ cột của đội tuyển trẻ quốc gia, thậm chí còn san quân cho nhiều đội bóng khác. Khi đó, BHL của Sanest Khánh Hòa đã không ít lần đề xuất xin Liên đoàn BCVN cho đăng ký 14 VĐV giống như nhiều giải đấu của châu Á và thế giới hiện nay.

Đầu năm 2017, Giải bóng chuyền VĐQG PV Gas được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam áp dụng điều lệ mới 14 VĐV tham dự một phần để giảm thiểu việc quá tải với các VĐV trụ cột, mặt khác để các CLB nhường thêm đất diễn cho các cầu thủ trẻ. Thế nhưng, kỳ lạ là Sanest Khánh Hòa vẫn chỉ đăng ký 12 VĐV và càng lạ kỳ thay một VĐV đang có sự tiến bộ mạnh mẽ như Nguyễn Quốc Đoàn lại không được đăng ký mà phải đi nhặt bóng. Trong khi trước đó, rất nhiều đội bóng như Hà Tĩnh hay kể cả nhà đương kim vô địch Thể Công cũng đánh tiếng nếu Sanest Khánh Hòa không dùng thì cho mượn Nguyễn Quốc Đoàn.

Năm 2017, bóng chuyền Khánh Hòa vẫn thừa nhân lực, đội bóng này vẫn cho Hà Tĩnh mượn đến 5 cầu thủ với Nguyễn Xuân Dũng, Lê Quang Đoàn, Bùi Công Tuấn Anh, Nguyễn Văn Đức và Võ Minh Long, cùng với đó là phụ công Nguyễn Ngọc Khang cũng cập bến Maseco TP.HCM. Ngược lại, đội bóng này lại đưa về Xuân Tân và Trường Giang nhưng lại bỏ một cầu thủ tiềm năng, khát khao muốn phấn đầu và thể hiện như Nguyễn Quốc Đoàn.

Thiết nghĩ, đời cầu thủ rất ngắn và giai đoạn bứt tốc phát triển nhanh trong chuyên môn lại càng ngắn hơn. Chính vì vậy cách huấn luyện, đào tạo con người và dùng người để các VĐV trẻ trở thành những cầu thủ lớn không phải HLV nào cũng đủ khả năng làm được. Nhìn một viên ngọc thô bị thui chột, bóng chuyền Việt Nam thầm tiếc cho gương mặt trẻ Nguyễn Quốc Đoàn.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều