Tiêu đề của website

Trước Cúp VTV9 Bình Điền 2017: Việt – Thái quyết đấu Phúc Kiến?

Trong những năm qua, ngoài vài Giải vô địch châu Á, World Grand Prix hay SEA Games, sàn đấu Việt Nam từng đón nhận nhiều giái bóng chuyền đỉnh cao với sự góp mặt của các nữ hảo thủ quốc tế, từ Giải bóng chuyền Mùa xuân, VTV Cup, Thông tin Lienvietpostbank…nhưng đình đám nhất có lẽ là Cup VTV9 Bình Điền sắp khai diễn trên đất Tây Ninh. Chưa mục sở thị một đối thủ nào ở giải này, nói đúng ra là “văn kỳ thanh”, tôi hình dung giải lần này sẽ là cuộc chạm trán của mấy lối chơi, nói khác đi tất là những trường phái bóng chuyền khác nhau và qua đó, điều chắc chắn là bóng chuyền Việt Nam một lần nữa sẽ nhìn rõ hơn về mình và cả cung cách làm của mình trong thời gian trước mắt. Chưa thể thấy đội hình chuẩn và cũng chưa hể xem một cầu thủ nào khởi động trên sân, tôi vẫn nhận thức rõ rằng tại giải này sẽ có những đại biểu của các lối chơi rất khác nhau.


Một mùa giải VTV9 Bình Điền hấp dẫn nữa chuẩn bị khởi tranh

1. Lối đánh toàn diện và hiện đại, dựa trên tầm cao và sự khéo léo.

Chắc chắn là đại diện cho lối chơi này là hai CLB đến từ Trung Quốc, nơi có nền bóng chuyền hiện đại của thế giới. Chưa cần xem cô phụ công cao 1m95 và libero sừng sỏ của Phúc Kiến, tôi vẫn đoan chắc họ sẽ đánh theo lối mà các đội tuyển hàng đầu TG sử dụng, trong đó kết hợp cả các miếng biên, lao, trung bình và nhanh. Sự khéo léo và sức mạnh tốc độ sẽ thể hiện rất rõ, sẽ có những cầu thủ nhảy phát có uy lực và nhiều chủ công ưa ra đòn ở tầm bóng cao. Sẽ còn có những quả nhanh ở tầm bóng cao, sẽ có những cú đánh từ sau vạch 3m và có thể có cả quả lao. HLV Hồ Tiến là tay “cáo già” và có nhiều kinh nghiệm trận mạc, tất là ông ta sẽ tìm ra chiếc chìa khóa cho học trò để tiến đến trận đấu cuối cùng của giải. Họ sẽ buộc các đội bóng Việt Nam phải có cách thich nghi với những lối chơi đa dạng để đến lượt mình, các chân dài Việt Nam sẽ có thể vận dụng tốt tại những lần cọ xát sắp tới.

2. Lối đánh phảng phất bóng chuyền châu Âu

Là đội U23 Kazakhstan, khi chuẩn bị tham dự giải U23 châu Á, trong đó có U23 Việt Nam. Nhiều năm nay, bóng chuyền Việt Nam đã được tiếp xúc với bóng chuyền Kazakhstan, một lối chơi nửa Á nửa Âu: luôn sử dụng nhiều khủng long, thậm chí xấp xỉ 2m, tổ chức bám chắn trên lưới khá hiệu quả và chính sự có mặt của các cầu thủ này mà những tay đánh của bóng chuyền Việt Nam sẽ có dịp mài sắc kinh nghiệm khi tiếp xúc với những đối thủ có dàn chắn khủng. Kazakhstan khó có hy vọng đi sâu vào giải, song sự có mặt của họ làm đầy đặn cho sân chơi và họ là một loại “quân xanh” hết sức hữu hiệu cho bóng chuyền khu vực.

3. Lối đánh Thái Lan

Nhà vô địch Đông Nam Á luôn là bạn đường thân thiết của bóng chuyền Việt Nam và để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý trên con đường phát triển. Tôi đã nhiều lần mổ xẻ tư duy bóng chuyền của xứ sở chùa vàng, qua đó có nói rõ sự khôn ngoan trong đầu tư xây dựng lối chơi của kiến trúc sư Kiatipong khi lấy sức mạnh chủ yếu từ hỏa lực của các chủ công có tầm vóc không cao (chiều cao bình quân của đội tuyển Thái thường thấp hơn của Việt Nam) và họ lại lấy cả sự khôn khéo, sức mạnh và sự khéo léo từ sau vạch 3 mét hay ở chân số 4 mà điển hình là Onuma, là Wilavan còn tại giải này chỉ là những cầu thủ như tay chuyền hai Pornpun, hai chủ công Jutarat, Rasamee…và đặc biệt là phụ công Pleumjit Thinkaow. Nên nhớ, chỉ duy trì 1 phụ công kì cựu là Pleumjit, đội tuyển Thái Lan vẫn bá chủ Đông Nam Á, từng vô địch châu Á năm 2009 trên sân đấu cung Quần Ngựa, Hà Nội. Tuy tham dự giải này không là tuyển Thái và lại thiếu Ngọc Hoa, song Bangkok Glass đủ sức làm khó mọi đối thủ và họ sẽ “vần” đến nơi đến chốn các đội bóng Việt Nam.

4. Lối đánh tầm thấp của Triều Tiên

CLB 4.25 của Triều Tiên đã quá quen thuộc với các khán giả Việt Nam, từ thời còn bà HLV Kim Ok Sun cho đến nay, nhất là chủ công Jong Jin Sim và Kim Jong Mi. Hai năm qua, họ không còn mạnh mẽ như vài năm đầu khi họ bị pha tạp bởi ông HLV ngoại, song cái mà họ để lại cho chúng ta là bài học về lối đánh tầm thấp. Các chủ công cao nhất của đội Triều Tiên chỉ trên dưới 1m80 là cùng, ít có khủng long và họ vẫn ưa thích các quả tấn công trung bình và chồng, có khi đánh chồng ở vị trí số 4 là điều rất ít thấy. Từ đó ta cũng có thể suy nghĩ về một lối chơi nào đó, nếu trong tay ta chỉ có những cầu thủ phù hợp và không nhất thiết chạy theo các chiến thuật khác.

5. Lối đánh Việt Nam

Nói cho đúng, đến nay, nghĩa là đã đi qua một chặng đường không là quá ngắn ngủi của bóng chuyền Việt Nam, tôi và vài bè bạn vẫn tự hỏi: đâu là lối chơi Việt Nam? Đã qua thời kì "sủng ái" phụ công để đến nỗi gọi lên đội tuyển cùng lúc 5-6 phụ công, để bây giờ chốt lại vẫn chỉ có hai liền chị đáng kể nhất là Kim Huệ - Ngọc Hoa mà những Bùi Thị Ngà, Trà Giang còn kém một cái đầu. Đã qua thời oanh liệt của các chủ công cỡ Trần Hiền, Bùi Huệ, Hương Giang, Thanh Hoa, Phạm Thị Yến và nay là các chủ công ít tuổi và ít luôn kinh nghiệm trận mạc. Những Đinh Thúy, Trần Thị Thanh Thúy, Hà Ngọc Diễm, Đoàn Xuân…là rất tuyệt vời nhưng xem ra họ vẫn đang ở dạng tiềm năng và có nhiều người trong đó cần chỉnh sửa lại “yếu lĩnh”. Hai mùa giải VĐQG, sân bóng nữ chưa một lần thấy cú đánh lao ngắn, âu cũng là sự lạ, mặc dù trước đây chuyền hai Đào Huyền có thí điểm và cả Linh Chi cũng rón rén vài phen. Nhìn khắp lượt đâu thấy một ai nhảy phát uy lực và còn một điều chí mạng nữa là sự sa sút bước một không còn là nỗi lo của riêng một CLB nào. Bất luận là như thế nào, Cup bóng chuyền mang tên VTV9 Bình Điền đã ở trước mặt, rất chi sôi nổi và hoành tráng. Tôi cho rằng giải sẽ thành công và các CLB và cả ĐTQG của chúng ta sẽ có được những thu hoạch bổ ích. Một đội chủ nhà sẽ tranh chấp quyết liệt với CLB Bangkok Glass để tìm đến trận đấu cuối cùng, xin coi đây chỉ là một dự báo rất mong manh!


Tác giả:NGUYỄN LƯUNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều