Lần đầu tiên sau 16 năm, bóng chuyền nữ Việt Nam bị đứng ngoài trận tranh HCV tại SEA Games. Đây là kết quả cay đắng khi trong khu vực, đội tuyển nữ lâu nay chỉ đứng sau Thái Lan. Với những người nắm rõ nội tình môn bóng chuyền, thì kết quả này của đội nữ là hệ quả tất yếu. Bản thân ông Trần Đức Phấn cũng phải thừa nhận thất bại sau SEA Games 29, trình độ như ông Hidehiro Irisawa chưa đủ khả năng nắm bắt ĐTQG và chỉ phù hợp với công tác đào tạo trẻ.
Thầy nội hay thầy ngoại
Bóng chuyền Việt Nam thất bại tại SEA Games 29 vì lựa chọn BHL không phù hợp.
Làm bóng chuyền thời hiện đại, mời chuyên gia với mức lương dưới 4.000 USD, đúng là chẳng thể trông đợi gì nhiều, ngoại trừ một tâm trạng phập phồng âu lo của cả làng bóng chuyền. Thế nên, khi Tổng cục TDTT ký hợp đồng với ông Hidehiro Irisawa, điều tiếp theo mà giới làm nghề trông chờ chính là sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực của cả nền bóng chuyền - từ chính các CLB thành viên thuộc VFV, chứ không phải tập trung toàn lực chăm lo cho phần ngọn (ĐTQG) mà quên đi phần gốc (đào tạo VĐV trẻ) vô cùng quan trọng.
ĐTQG khác nhiều so với đội tuyển trẻ, từ vấn đề chuyên môn, ra bài tập, thể lực, chênh lệch lứa tuổi, tâm sinh lý, đặc biệt các vấn đề mâu thuẫn nội bộ nếu không được giải quyết triệt để chắc chắn kết quả đều không tốt. Để thua Indonesia mấu chốt vấn đề là các chân dài bóng chuyền Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận vị chuyên gia đến từ Nhật Bản. Cùng với đội ngũ trợ lý cho ông này không được lựa chọn phù hợp nên thất bại là tất yếu.
Sau SEA Games 29, nhiều thành viên của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thừa nhận, nếu ngay từ đầu VFV quyết tâm tạo điều kiện cho các HLV nội có chuyên môn, biết bảo ban, đoàn kết nội bộ, biết phát huy sức mạnh tập thể… thì có lẽ chúng ta vẫn giữ được tấm HCB. Không nói đến tính tự phát 2 lần tự ý bỏ về Nhật Bản của ông Hidehiro Irisawa, thì ngoài việc truyền nhiệt huyết tinh thần, người ta thấy rõ nhiều mặt hạn chế của ông thầy này, từ thể lực, thay người, chỉ đạo, hay cái tối thiểu là hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của các VĐV mà ông đang nắm trong tay.
Bóng chuyền Việt Nam đang muốn thay đổi lối chơi, nhưng điều này không thể một sớm, một chiều. Theo dõi bóng chuyền lâu năm những người làm chuyên môn đều có chung một quan điểm, ngay cả những nước bóng chuyền phát triển chuyên gia muốn thay đổi lối chơi đều được áp dụng từ các đội tuyển trẻ đi lên, với ĐTQG nếu không có được chuyên gia thực sự giỏi thì nên sử dụng các HLV nội.
Bóng chuyền Việt Nam thực tế không thiếu những người có cả đức lẫn tài, thế nhưng đôi khi vì những lợi ích và lý do cá nhân mà những nhà quản lý sẵn sàng gạt bỏ những HLV tốt để thay thế bằng những người khác kém hẳn năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm khiến cho bóng chuyền đổ vỡ trong sự bất lực của hai chị cả Ngọc Hoa và Kim Huệ. Hậu quả sau SEA Games 29 đã rõ, thế nhưng dư luận đang chờ xem thời gian tới VFV sẽ đứng lên và xây dựng lại đội tuyển nữ như thế nào.