Một người thầy bóng chuyền giỏi không phải là người có thể truyền đạt được hết những gì mà người thầy đó có, mà là người có thể khơi dậy niềm đam mê trong đứa học trò.
Phương pháp sư phạm trong huấn luyện bóng chuyền: Tạo cảm hứng tối đa (P1)
Một người thầy bóng chuyền giỏi không phải là người có thể truyền đạt được hết những gì mà người thầy đó có, mà là người có thể khơi dậy niềm đam mê trong đứa học trò. Nếu chỉ là “dội nước” thì cũng xem chừng là “nước đổ đầu vịt” vì những đứa nhỏ chỉ học vì ép buộc – từ cha mẹ hoặc từ chính ông thầy đó. Nhiều bậc phụ huynh tìm tới những trung tâm có tiếng để mong con họ cũng được như thế, nhưng đó không phải là ước muốn của đứa bé. Kết quả là HLV vấp phải một trở ngại rất lớn, phần đông bỏ cuộc vì các lý do rất chủ quan “không có năng khiếu”, “không có đam mê” hoặc “làm biếng tập quá, không tự học”,…Có nhiều đứa tập rất ngoan vì bản chất của chúng tốt, nghe lời thầy và cha mẹ, cố gắng không làm ai buồn lòng – nhưng vẫn không xuất phát từ trái tim. Sau một thời gian thấy kết quả không khả quan, cha mẹ sẽ lái chúng sang một hướng khác, thế thì uổng công dạy mà cũng tốn thời gian vô ích quá. Đứng huấn luyện một lớp bóng chuyền như thế là một bài toán cực kỳ khó, để dạy 2-3 giờ “thành công” thì chả có gì đáng nói, cái cần bàn tới là lương tâm của người thầy – dạy như thế thì ra cái gì.
Muốn biết HLV dạy dỗ VĐV ra sao, chỉ cần xem nó có tự động về tập thêm hay không. Muốn biết VĐV tập luyện có tiến bộ không, chỉ cần để ý xem một ngày nó nhắc tới bóng chuyền mấy lần. Có đứa sẽ tự động lấy quả bóng ra chuyền đệm vào tường hoặc tự tập động tác mỗi khi rảnh, có đứa sẽ suy nghĩ về bóng chuyền nhiều đến nổi thỉnh thoảng đem ra nói với người khác. Có đứa sẽ tự động tìm tới các video clip thi đấu mà xem nhiều lần, có đứa tới trong mơ vẫn còn thấy được chơi bóng,…Nhưng cũng có đứa học 1 tuần một lần mà chỉ nhắc tới đúng 1 lần – khi nó xỏ đôi giày đi tập, ngoài ra quên béng. Năn nỉ hay quở phạt cũng không phải là cách, vinh nhục của thắng bại cũng không ăn thua gì, cái điều làm một người tự động nhớ và tập luyện thường xuyên, chỉ có thể là sự đam mê. Người thầy truyền dạy được niềm đam mê cho học trò thì mới là giỏi. Làm sao mà đứa nhỏ ngày đêm chỉ mong được ra sân để được chơi bóng chuyền, chứ không phải bị ép (hay năn nỉ) đi tập – là thành công.
HLV Vũ Thị Thúy thứ hai từ phải qua được đánh giá là điểm yếu cốt tử trong công tác đào tạo trẻ của đội bóng Thông Tin.
Cảm hứng sẽ nuôi dưỡng và thúc đẩy đam mê, nếu truyền dạy được cái cảm hứng cho học trò thì mới gọi là dạy. Nhưng nếu ngay cả HLV cũng không có cảm hứng hay đam mê thì làm sao truyền dạy đây? Đứa nhỏ sẽ nhìn vào sự nhiệt tình của người thầy mà bị ảnh hưởng, cái gì vui vẻ sẽ qua mau nhưng cái “lửa đam mê” từ người HLV sẽ lan qua học trò rất nhanh. Một người chỉ đi dạy lấy giờ thì chắc là sẽ thấy thời gian trôi qua rất lâu. Học trò học mà không ham thích thì cũng thấy 1h trôi qua như vô tận – còn nếu thích thú sẽ thấy 3h trôi qua cái vèo. Phương pháp sư phạm của Phương Tây không chú trọng vào lượng kiến thức truyền tải, mà là làm sao cho khả năng hấp thụ lớn nhất. Nếu khả năng nhận bị thấp xuống, người ta sẽ giảm tải và tìm cách “mở những cánh cửa khác” thay vì làm cho nó kẹt xe như mấy con đường phố ở Hà Nội lúc tan tầm. Cảm hứng sẽ làm tăng khả năng tiếp thu, các VĐV sau khi bước ra khỏi phòng tập là cảm giác vui thích, nhưng cái mà HLV muốn chúng giữ lại đã ăn sâu vào máu thịt từ khi nào rồi. Khác với cách dạy xưa: học trò bị buộc phải “thuộc lòng” những thứ nhàm chán như là tra tấn vậy – tại sao ta không làm cho nó hứng thú hơn, bọn chúng khỏi phải học thuộc lòng? Đành rằng mỗi người sẽ có cách tiếp thu khác nhau, có đứa học nhanh hơn nếu có hình vẽ hoặc những thứ liên quan tới cái nhìn, có đứa cảm thấy nhào vào đánh thì mau tiến bộ hơn, có đứa thông minh thích nghe giải thích kỹ lưỡng mới bắt tay vào,… Nhưng khi ham thích thì chúng sẽ tự động nhớ hết. Chính vì sự tiếp thu khác nhau ấy, nên nếu chỉ áp dụng một cách dạy sẽ rất lãng phí tài năng. Có đứa thích học bóng chuyền như là một môn logic vậy, chúng chơi bóng cứ như là triết gia, nhưng cũng chính nhờ thế chúng tìm được sự đam mê, hơn là bị bắt tập như cái máy không có những lời giải thích thỏa đáng.
Các bác HLV đào tạo VĐV kiểu “nghiêm túc hóa” sẽ bật cười với suy nghĩ: “tập cho ra tập, chơi cho ra chơi, không lẫn lộn”. Nhưng một thực tế là cái VĐV nhắm tới không phải là những kỹ thuật sát thủ nhằm tranh phần thắng, mà là hãy dạy VĐV CHƠI và YÊU THÍCH bóng chuyền. Chiến thắng tuy quan trọng nhưng chỉ là cái ngọn, nếu nền móng không vững thì ý chí không có, chỉ có thể thắng vài trận lẻ tẻ thì nói làm gì. Nếu có niềm đam mê ham thích, thì sẽ có quyết tâm đến cùng. Hãy nhìn những VĐV chỉ có cái ngọn kỹ thuật và thành tích sớm, chúng có thể trụ vững được bao lâu? – còn những đứa trẻ được bồi dưỡng từ gốc rễ sẽ tự tin vươn cao hơn nhiều lần, vì ý chí quyết tâm cao độ.