Tiêu đề của website

Ông 'bầu' bóng chuyền chơi ngông ở Gia Lai

Sau "bầu" Đức được nhiều người biết đến với thương hiệu CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, hiện Tỉnh này còn xuất hiện một doanh nhân khác nhảy vào thể thao - Bùi Pháp, ông chủ đội bóng chuyền Đức Long Quân Khu 5.

Sau "bầu" Đức được nhiều người biết đến với thương hiệu CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, hiện Tỉnh này còn xuất hiện một doanh nhân khác nhảy vào thể thao - Bùi Pháp, ông chủ đội bóng chuyền Đức Long Quân Khu 5.
Wanchai Tabwises - ngôi sao Thái Lan (đỏ) - mới đến đầu quân cho Đức Long QK5 và giúp CLB trụ hạng thành công.
Trong làng thể thao Việt Nam, lần đầu tiên hai từ “chơi ngông” xuất hiện được dùng để ám chỉ thương vụ Kiatisuk gia nhập CLB HAGL mà ông Đoàn Nguyên Đức thực hiện cách đây 9 năm. Bây giờ cũng tại Phố Núi lại xuất hiện một "đại gia" nhảy vào thể thao nhưng ở môn bóng chuyền. Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đã quyết định đầu tư cho đội bóng Đức Long Quân khu 5. Cùng 49 tuổi, đều sinh ra ở Bình Định và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khổ, cùng chọn nơi lập nghiệp tại Gia Lai và bắt đầu đi lên bằng nghề gỗ, giữa "bầu" Đức và ông Bùi Pháp có một số điểm tương đồng. So với ông chủ nổi tiếng của CLB bóng đá HAGL, bầu Pháp được biết đến sau khá lâu trong quá trình xã hội hóa thể thao. Năm 2009 ông Pháp mới bắt đầu được nhiều người biết đến khi đầu tư cho CLB bóng chuyền Quân Khu 5. Theo cam kết ban đầu đã ký, mỗi năm Tập đoàn Đức Long Gia Lai chi cho đội bóng chuyền khoảng 2 tỷ đồng, trước mắt là trong vòng ba năm tiếp theo. Nhưng chưa đầy một năm rưỡi kể từ khi tham gia tài trợ cho đội bóng này, tổng số tiền mà bầu Pháp bỏ ra đã lên tới trên 10 tỷ đồng. Đối với nhiều người, con số trên dành cho bóng đá thì có thể chấp nhận được. Riêng ở môn bóng chuyền, nghe có vẻ khó tin. Bởi với số tiền đó, ông Pháp có thể đứng ra thành lập hẳn một đội bóng chuyền của riêng mình và sẽ là một đội bóng thuộc dạng “có số có má” trong làng bóng chuyền Việt Nam. Nhưng nhìn vào những gì "bầu" Pháp đã làm trong thời gian qua thì con số này có cơ sở. Ngoài việc tài trợ 2 tỷ đồng mỗi năm cho đội Quân khu 5, Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn bỏ ra số tiền khác để lo trả tiền chuyển nhượng, lót tay… cho một số cầu thủ thuộc hàng ngôi sao tầm cỡ Việt Nam và Đông Nam Á. Sau những thương vụ không thành công với hai tuyển thủ Bulgaria, ông Pháp nhắm vào hàng nội địa và khu vực. Chỉ riêng mối lương duyên giữa Đức Long Gia Lai với cầu thủ số một Việt Nam Nguyễn Hữu Hà đã ngốn hết hơn 3 tỷ đồng. Tiền thì vẫn cứ phải trả đều đều cho cầu thủ này nhưng CLB chỉ có thể để anh “ngồi chơi xơi nước” trên khán đài. Đến nay, một năm trôi qua, Hữu Hà vẫn bị Ninh Bình ràng buộc về luật nên chưa thể chơi cho Đức Long QK5. Gần đây nhất là trường hợp chủ công số một Đông Nam Á, Wanchai Tabwises tới khoác áo Đức Long Quân Khu 5 thi đấu ở vòng 2 giải vô địch quốc gia năm 2010. Để đưa được tay đập số một người Thái Lan này về Phố Núi, “bầu” Pháp đã phải dốc hầu bao khá nhiều, mua lại hợp đồng của cầu thủ này với một CLB ở Bahrain. Ngoài Hữu Hà và Wanchai, ông Pháp còn là người mở lối, chi tiền ra để đưa HLV Lê Trí Dũng, chủ công đầy triển vọng Nguyễn Văn Hạnh từ cố đô Hoa Lư về Phố Núi. Cả thủ quân Nguyễn Văn Toại của đội Thép Việt TP HCM cũng về khoác áo Đức Long - QK5…
Ông Bùi Pháp tin sẽ thành công với bóng chuyền.
Đầu tư nhiều, nhưng thành tích của CLB này chưa tương xứng. Ở giai đoạn lượt đi giải quốc gia năm nay, đội xếp chót bảng. Ở giai đoạn lượt về tại Ninh Bình và Hải Dương, đội có sự bổ sung mới, trong đó có tay đập ngôi sao Thái Lan Wanchai đã thi đấu tốt nhưng không thoát khỏi việc lọt vào vòng chung kết tránh suất xuống hạng. Với 3 trận thắng cùng tỷ số 3-0 trước Bình Dương, Quân Khu 7 và CLB TP HCM ở vòng chung kết xếp hạng, đội đã trụ hạng thành công. Trước thành tích kém cỏi của CLB, nhiều người cho rằng cách chơi của ông Bùi Pháp chẳng khác "ném tiền qua cửa sổ". Nhưng ông khẳng định không "chơi ngông". "Quân khu 5 là một đội bóng có tiềm năng, kỷ luật tốt, tham vọng cao, xứng đáng được đầu tư lớn. Ở Gia Lai, bóng đá đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, nay đến lượt tôi đầu tư làm bóng chuyền, với hy vọng mang thêm niềm vui về cho người dân Gia Lai. Năm nay chưa thành công nhưng tôi không từ bỏ tham vọng đưa CLB thành đội mạnh nhất để tranh chức vô địch mùa giải sau", ông Pháp tự tin nói. Ở vòng chung kết xếp hạng giải vô địch bóng chuyền toàn quốc vừa kết thúc tối 19/10, đội Tràng An Ninh Bình đã đoạt chức vô địch khi thắng Hoàng Long Long An 3-2 trong trận chung kết. Suất tụt hạng thuộc về CLB TP HCM và Bình Dương. Ngôi quán quân giải nữ thuộc về Thông tin Liên Việt Bank, đội thắng Vietsov Petro 3-1. Vé tụt hạng thuộc về Cao su Phú Riềng và CLB Tân Bình.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều