Tiêu đề của website

Bi kịch một cựu danh thủ bóng đá

Sau nhiều năm sống lay lắt bằng đủ thứ nghề từ làm thuê đến chạy xe ôm, cuộc sống hậu sân cỏ của “trung vệ thép” Lê Thanh Bình (tức Bình Tượng) - cựu đội trưởng đội bóng đá An Giang thời làm mưa, làm gió ở ĐBSCL và cả nước - đang…

Sau nhiều năm sống lay lắt bằng đủ thứ nghề từ làm thuê đến chạy xe ôm, cuộc sống hậu sân cỏ của “trung vệ thép” Lê Thanh Bình (tức Bình Tượng) - cựu đội trưởng đội bóng đá An Giang thời làm mưa, làm gió ở ĐBSCL và cả nước - đang ngày càng lún sâu vào khốn khó...
Hằng ngày, cựu danh thủ phải chăm sóc người mẹ bệnh liệt giường trong căn nhà tuềnh toàng, loang lổ màu thời gian. Dù trước lúc lên đường đã chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận những cảnh tượng không vui mà phần lớn các cựu danh thủ thời bao cấp đã và đang hứng chịu sau khi rời nghiệp quần đùi áo số, thế nhưng tôi vẫn choáng khi tận mắt chứng kiến nỗi gian truân đang đè nặng lên đôi vai của cựu đội trưởng An Giang. “Cầu thủ vàng” trong ngôi nhà 40m2 Thật tình, tôi không tài nào hình dung căn nhà rộng khoảng 40m2 tuềnh toàng, mái tôn loang lổ màu thời gian nằm ven lối đi nhỏ dẫn vào sóc của cộng đồng người Khmer ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, An Giang) là nhà của cựu danh thủ Bình Tượng. Và nếu không từng mến mộ anh một thời, chắc tôi không tài nào nhận ra người đàn ông hao gầy trước mắt tôi chính là trung vệ Bình Tượng có vóc dáng cao to và cơ bắp cuồn cuộn ngày nào. Gặp nhau, chúng tôi đứng thừ người ra trò chuyện, vì cả nhà chỉ có đúng 1 cái ghế mà có lẽ anh sắm để cho người mẹ lâm trọng bệnh của mình. Anh Bình cười trừ: “Cũng may mà hồi còn thi đấu, tôi chắt chiu lắm mới có được cái nhà này, nếu không, không biết bây giờ ra sao”. Chỉ một lúc ngồi dưới mái tôn thấp lè tè trong cái nóng hầm hập của xứ núi, mồ hôi tứa ướt đẫm người cả chủ lẫn khách. Thế nhưng, cái không khí oi bức ấy như vụt tan biến khi chúng tôi vừa nhắc đến hai chữ bóng đá. Anh Bình đôi mắt sáng rực, giọng sôi nổi như thể đang còn là người trong cuộc... Là con thứ 5 trong gia đình cha Việt, mẹ Khmer có 6 người con ở Sà-Tón (Tri Tôn, An Giang), Bình lớn lên trong cảnh thiếu thốn vật chất, nhưng nhờ thiên phú nên có được thể chất tốt và năng khiếu với nhiều môn thể thao. Không chỉ vượt trội về khả năng bóng chuyền, anh còn là thủ lĩnh về bóng đá của nhóm bạn trong phum, sóc. Nhờ khả năng này mà khi vào công tác tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính - Công an huyện Tri Tôn, trung sĩ Bình thường xuyên được nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành mượn đi thi đấu bóng đá, bóng chuyền tại các giải ngành, giải phong trào... Và qua những lần thi đấu đó, cái tên Lê Thanh Bình đã lọt vào mắt xanh của nhiều nhà tuyển trạch. Thật hiếm có vận động viên nào “song toàn” như Lê Thanh Bình, khi cùng lúc được mượn tạm thi đấu bóng đá và bóng chuyền cho đội tuyển tỉnh An Giang. Cuối cùng, trước xu thế phát triển của môn thể thao vua, tháng 9.1986, anh chính thức được Sở TDTT An Giang “mượn” về đá cho đội tuyển tỉnh. Với thân hình cao to, lại có khả năng bật cao của vận động viên bóng chuyền, cộng với năng lực phán đoán tình huống tốt, anh không chỉ vượt trội trong các cuộc tranh chấp trên cao, mà còn là lá chắn thép trong các pha bọc lót... Vì vậy, anh được kỳ vọng là cái tên xứng đáng nhất để thay thế cho vị trí libero mà đội trưởng An Giang lúc bấy giờ là Thiện Phúc “độc chiếm” từ nhiều năm qua. Sau vài tháng tập trung, phần vì “lạ nước, lạ cái”, phần vì lo mẹ già (cha mất từ năm 1979, anh chị em đều nghèo khó), anh đã xin trở về Công an Tri Tôn. Nhưng đến năm 1988, khi tuổi tác và những chấn thương không cho phép trung vệ Phúc thi đấu thường xuyên với đỉnh cao phong độ, Sở TDTT An Giang một lần nữa gọi anh trở lại đội tuyển An Giang, thi đấu trong đội hình chính thức tranh giải A1... Và để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ của cầu thủ chuyên nghiệp, anh được chuyển từ ngành công an sang Sở TDTT. Với thể hình cao to cộng với lối thi đấu lăn xả như chú voi rừng, anh được người hâm mộ đặt cho biệt hiệu Bình Tượng. Nhờ năng khiếu cộng với thái độ tập luyện nghiêm túc và lối thi đấu có “đầu óc”, anh nhanh chóng trở thành cầu thủ không thể thay thế trong đội hình “thế hệ vàng” của đội tuyển An Giang thời kỳ đỉnh cao phong độ, như: Bé Ba, Thiện Nhân, Tấn Lợi, Hoàng Linh... những người đã giúp đội tuyển An Giang liên tiếp gặt hái nhiều thành tựu như HCĐ Giải bóng đá A1 (1989), Giải ba Cúp Quốc gia và hạng tư Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc (1994 – 1995)... Sau đó, do nhiều lý do, đội An Giang sa sút thành tích. Năm 1997, trong trận đấu cuối tranh suất lên hạng với đội Kiên Giang trên sân Cần Thơ, Thanh Bình đã bị cầu thủ đội bạn phạm lỗi đến hư khớp gối, phải điều trị nhiều tháng. Cuối mùa, đội bóng không thăng hạng như kế hoạch, anh được cho nghỉ quá hạn. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy lệnh tập trung, đến khi quay trở lại, anh mới biết mình bị loại. Năm đó anh vừa tròn 32 tuổi. Vì mẹ nên không lấy vợ “Từ khi làm công tác huấn luyện đội tuyển An Giang đến nay, lúc nào tôi cũng lấy anh Bình ra để giáo dục các cầu thủ trẻ” - Nhan Thiện Nhân - đồng đội cũ của anh Bình, nay là HLV trưởng đội tuyển An Giang - tự hào nhớ lại: “Trên sân đấu, sân tập, anh là mẫu mực về tinh thần lăn xả, máu lửa, nhưng bên ngoài sân cỏ, anh lại là người mẫu mực và hiếu thảo. Tiền lương thời bao cấp rất ít ỏi, nhưng tháng nào anh cũng dành riêng ra một khoản để giúp anh chị em. Nếu trên sân cỏ anh là ngôi sao, thì bên ngoài sân cỏ, anh là ngôi sao sáng”. Có một kỷ niệm mà theo HLV Nhân, cả đội bóng An Giang thời đó không bao giờ quên về tấm lòng hiếu thảo của Bình Tượng. Một lần mẹ anh bị bệnh nặng, bác sĩ khuyên nên đưa đi nghỉ dưỡng, sẵn chuyến thi đấu ở Tây Nguyên, anh xin phép lãnh đạo đội đưa mẹ theo. Nhìn anh tự tay chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho mẹ, nhiều đồng đội đã không kìm được xúc động. Vì mẹ, anh có thể bỏ tất cả, kể cả cơ hội kết nối hạnh phúc riêng tư, để rồi mãi lúc bước sang tuổi ngũ tuần, anh vẫn lẻ bóng. “Hồi đó, bạn của bà xã tôi là con út một gia đình cán bộ cấp tỉnh rất mến mộ anh Bình. Sau nhiều lần được chúng tôi tạo cơ hội gặp mặt tại nhà, hai bên bắt đầu có tình ý, nhưng...” - giọng Nhan Thiện Nhân nghèn nghẹn... “Sau này có dịp trò chuyện, mới biết vì sợ lấy vợ là con út, phải ở rể, không có điều kiện chăm sóc được mẹ già ở quê, nên anh Bình không dám tiến tới...”. Khi nghe tôi hỏi chuyện này, anh Bình vội ngoái đôi mắt lên trần nhà như cố giấu đi sự xúc động, rồi chậm rãi: “Hình như đến giờ vẫn chưa có chồng, tội nghiệp...”. Số phận hẩm hiu Được mệnh danh là lá chắn thép, có thể ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương để bảo vệ mành lưới đội nhà, nhưng anh Bình không thể bảo vệ được mình trước lối hành xử của chính “người trong nhà”. Sau 12 năm thi đấu, người ta đã loại bỏ anh như vứt vỏ chanh sau khi vắt hết nước và hoàn toàn bất ngờ như chính lúc “bắt” anh về. Anh nhớ lại: “Một hôm, khi vừa thi đấu bóng chuyền cho đội tuyển tỉnh xong, tôi nhận được lệnh điều động về đội bóng đá tỉnh. Nói thiệt, hồi đó vì các sếp bàn và thủ tục cũng đã xong nên đành phải chấp hành, chớ trong lòng còn gắn bó với công việc ở Đội CSQL hành chính lắm. Vì ở đó tôi đang được cơ quan cho học bổ túc văn hóa hết lớp 9 và đang chuẩn bị học lên cấp III để phát triển lên sĩ quan”. Không chỉ loại bỏ không một lời giải thích, người ta còn bỏ mặc anh tự bơi trong biển giấy tờ giải quyết chính sách, tự bơi tìm việc. Sau nhiều ngày chạy vạy khắp nơi, anh nhận được hơn 8 triệu đồng. Và đó là tất cả những gì người ta trả cho anh. Bởi sau đó, tuyệt nhiên không ai đề cập, dù chỉ bằng câu nói đầu môi: Anh sẽ đi đâu, về đâu? Nhưng vừa mang tiền về nhà thì hay tin chị dâu bị tai nạn thập tử nhất sinh, anh lại trút hết tiền ra giúp. Rời sân cỏ với hai bàn tay trắng, phần vì buồn với lối hành xử của ngành, phần vì không đất đai, nghề nghiệp, anh phải đi làm thuê với đủ thứ nghề, từ chở đất đến chạy xe ôm để nuôi thân và nuôi mẹ trong căn nhà nhỏ mà anh đã dành dụm mua được trước đó. Thỉnh thoảng, anh cũng được huyện mời hỗ trợ huấn luyện đội bóng, nhưng do họ chỉ muốn làm phong trào, còn anh thì muốn cháy hết mình, nên về sau anh không còn mặn mà cộng tác. Khó khăn lại tiếp tục đeo bám, khi 3 năm trước, trong một lần ngã, mẹ anh bị gãy xương chậu. Không tiền bạc điều trị đến nơi đến chốn, cộng với bệnh thoái hóa khớp lâu ngày đã quật ngã bà lão tuổi bát tuần liệt giường, mọi sinh hoạt phải có người dìu đỡ. Vậy là anh phải túc trực ở nhà chăm sóc mẹ. Từ chỗ là trụ cột của cả gia đình, giờ đây anh phải sống lay lắt trong sự trợ giúp của anh, em, bạn bè và chế độ dành cho hộ nghèo theo quy định Nhà nước. Cơ khổ đến vậy, nhưng khi được hỏi đến mơ ước, anh lại dành hết cho mẹ: “Mong có được số tiền chữa bệnh cho mẹ bớt đau đớn để mình có thời gian chạy xe ôm kiếm sống qua ngày”. Một ước mơ quá bình dị, nhưng cũng quá đủ để những ai từng mến mộ môn thể thao vua ứa nước mắt...

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều