Tiêu đề của website

Ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền: “Bóng chuyền mang lại cho chúng tôi nhiều điều!”

Ông bầu Lê Quốc Phong thừa nhận VTV Bình Điền Cup đã mang về cho ông nhiều thứ, đặc biệt là danh tiếng cũng như sự yêu mến từ quảng đại quần chúng hâm mộ môn thể thao này, đặc biệt là ở những vùng sâu và xa, “khát” những trận đấu đỉnh cao…

Ông bầu Lê Quốc Phong thừa nhận VTV Bình Điền Cup đã mang về cho ông nhiều thứ, đặc biệt là danh tiếng cũng như sự yêu mến từ quảng đại quần chúng hâm mộ môn thể thao này, đặc biệt là ở những vùng sâu và xa, “khát” những trận đấu đỉnh cao…
Ông Lê Quốc Phong phát biểu trong buổi họp báo giới thiệu về giải VTV Bình Điền Cup lần 7.
- Bước sang mùa giải thứ 7, VTV Bình Điền Cup đã trở thành sân chơi không thể thiếu của bóng chuyền nữ Việt Nam, chính là bước khởi động cho cả mùa giải. Thế nhưng trong bối cảnh khó khăn kinh tế như lúc này, giải có bị ảnh hưởng lớn hay không thưa ông? Tất nhiên là có chứ. Kinh tế khó khăn tìm đến mọi lĩnh vực và mọi thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp chúng tôi. Tuy nhiên, VTV Bình Điền Cup từ ngày đầu xuất hiện cho đến nay đã khẳng định được uy tín, trở thành dịp tập huấn không thể tốt hơn cho các đội bóng nữ hàng đầu Việt Nam chuẩn bị mùa giải mới. Đấy là lý do chúng tôi nỗ lực duy trì giải đấu về lâu dài, không chỉ 7 mùa mà sẽ nhiều hơn ở tương lai. Thậm chí, chúng tôi vẫn sẽ theo đuổi giấc mơ nâng tầm sân chơi này lên cấp châu lục, quy tụ nhiều CLB nổi tiếng châu Á nay mai, nhờ sự góp sức của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Bây giờ thì có thể chưa, nhưng tương lai thì chắc chắn sẽ thành. - Vì sao ông không chọn những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng hoặc Cần Thơ để tổ chức giải, mà tìm đến những vùng xa xôi để tổ chức giải đấu này? Ở những nơi đó, người hâm mộ có khi nào thiếu thể thao đâu, thậm chí còn “bội thực” nữa là khác. Trong khi, tôi đưa giải đấu của mình về vùng sâu, vùng xa như Gia Lai, Hậu Giang, Đắc Lắc… lại nhận được sự chào đón rất hào hứng của bà con. Ngay từ ngày đầu tổ chức sân chơi này, mục đích chính mà tôi nghĩ đến là tạo thêm cơ hội thi đấu cọ xát cho các đội bóng nữ trong nước, đồng thời muốn phục vụ bà con nông dân ham mê bóng chuyền khắp mọi nơi. Trên thực tế, chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được tình cảm đặc biệt của bà con dành cho đội bóng, cho doanh nghiệp. Như thế là ấm lòng rồi. - Nhưng rõ ràng, ông được lợi nhiều thứ từ sân chơi này đấy chứ… Chính xác và tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Đến đâu, chúng tôi cũng nhận được nụ cười thân thiện của bà con. Họ dành tình cảm yêu mến thực sự cho đội bóng chuyền VTV Bình Điền Long An. Ở đời, đâu dễ tìm kiếm được điều đó. Hơn thế, điều này còn tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của công ty Bình Điền. Những năm vừa rồi, tình hình kinh tế rất khó khăn đối với ngành phân bón, nhưng nhờ bài toán thương hiệu VTV Bình Điền Long An, chúng tôi vẫn vượt qua được. Thương hiệu của đội bóng chính là thương hiệu của công ty chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục đầu tư hơn nữa cho đội bóng trong tương lai.
Đội bóng chuyền VTV Bình Điền Long An. Ảnh: Nhật Anh
- Gắn bó với bóng chuyền cũng khá lâu rồi, ông có thể đánh giá như thế nào về bóng chuyền Việt Nam nói chung hiện nay? Tôi xin nói thẳng rằng hiện tại, khâu yếu nhất của bóng chuyền chính là công tác đào tạo VĐV trẻ. Bạn có thể nhìn thấy ĐTQG tới lui cũng chỉ toàn gương mặt cũ, không có nhiều tài năng mới xuất hiện. Xảy ra tình trạng đó có 2 lý do, đầu tiên là nguồn kinh phí của các CLB dành cho đào tạo trẻ không nhiều. Thứ nữa, chính là phương pháp đào tạo chưa thực sự bài bản. Chúng tôi ngay từ đầu luôn coi đào tạo trẻ là bài toán của thành công, nên chưa bao giờ VTV Bình Điền Long An thiếu nhân lực và thiếu cơ hội phát triển. Rõ ràng bây giờ chỉ có một số CLB xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ tốt, như VTV Bình Điền Long An, Thông tin Liên Việt Postbank, Thái Bình. Thế nên nếu không cải thiện tốt khâu này, phải rất lâu nữa bóng chuyền Việt Nam mới sánh được với các quốc gia trong khu vực, chứ chưa nói đến châu Á và thế giới. - Ông còn điều gì băn khoăn về bóng chuyền Việt Nam nữa không? Tôi hơi tiếc vì thời gian gần đây, bóng chuyền xảy ra một số chuyện không vui, dù sự phát triển cũng có. Điều quan trọng là LĐBC Việt Nam phải gắn kết được các thành viên lại, tận dụng tối đa nguồn lực từ xã hội để cùng xây dựng nên phong trào mạnh, có tiếng vang thực sự. Năm vừa rồi, chúng ta làm chưa tốt điều này. Tôi lấy thí dụ, thông tin về các giải đấu quan trọng như VĐQG, các cúp bóng chuyền hầu như ít người biết vì chúng ta không tạo được mối gắn kết trong hợp tác. Công tác truyền thông như vậy là không tốt, dù đây là kênh để quảng bá thương hiệu, kêu gọi đầu tư rất thuận lợi của bóng chuyền nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. - Với nhiều điều trăn trở như thế, giả sử LĐBC Việt Nam mời ông vào vị trí Chủ tịch của Liên đoàn thì ông nghĩ sao? Tôi chắc chắn điều này sẽ không xảy ra. Thứ nhất, tôi tham gia với tư cách một doanh nghiệp đầu tư cho bóng chuyền và làm vì tình yêu, bằng tấm lòng thực sự với bóng chuyền. Hơn nữa, tôi phải kiêm quá nhiều công việc, từ chuyện ở Công ty phân bón Bình Điền cho đến ở Hiệp hội phân bón Việt Nam, Hiệp hội phân bón hữu cơ… tôi không có đủ thời gian để ôm đồm thêm việc nào khác. Hãy để tôi thể hiện tình yêu với bóng chuyền của mình thông qua đội bóng VTV Bình Điền Long An. Như thế là đủ rồi. - Xin cám ơn ông.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều