Tiêu đề của website

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 50: “Bóng chuyền thấm vào máu rồi”

Sau gần 30 năm gắn bó với bóng chuyền, Lê Hồng Hảo vẫn phải trầm ngâm rất lâu khi được hỏi về chuyện “an cư, lạc nghiệp”.

Sau gần 30 năm gắn bó với bóng chuyền, Lê Hồng Hảo vẫn phải trầm ngâm rất lâu khi được hỏi về chuyện “an cư, lạc nghiệp”.
Giai đoạn cuối thập niên 1980, bóng chuyền TP.HCM tưng bừng với dàn cầu thủ “thế hệ vàng” của Lê Hồng Hảo. Seaprodex làm mưa làm gió ở giải quốc gia, độc chiếm vị trí quán quân suốt từ năm 1989-1994. Hai mươi năm sau, các hảo thủ ngày nào của Seaprodex đã có tuổi, “có bụng” nhưng vẫn rất hăng trong những trận… giao hữu với sinh viên ở Thủ Đức. Chơi cho đỡ nhớ vì ngoài chủ công Lê Hồng Hảo, hầu như chẳng mấy ai trong số này còn trụ lại với thể thao đỉnh cao. Không phải vì họ đã cạn tình với bóng chuyền…
Lê Hồng Hảo vẫn đau đáu với bóng chuyền - Ảnh: Bạch Dương
Lỡ lên lưng cọp Nghỉ thi đấu từ năm 2000, Lê Hồng Hảo bắt đầu nghiệp huấn luyện. Cho đến năm 2006, ngoài một thời gian ngắn làm cố vấn cho đội Công an TP.HCM (CA TP.HCM), anh tập trung đào tạo các VĐV trẻ. Trong 3 năm kế tiếp, anh là trợ lý cho các chuyên gia nước ngoài tại đội tuyển TP.HCM. Năm 2010 anh trở thành HLV đội tuyển thành phố và từ chức vào cuối năm khi đội rớt hạng, nhận hết trách nhiệm về mình. Sau đó, Maseco đầu tư cho bóng chuyền TP.HCM, anh lại được mời về nắm đội. Vừa đưa đội thăng hạng, chơi ở giải VĐQG được nửa mùa thì cuối tháng 8.2012, Hảo lại xin nghỉ. Lần này, anh đã định dứt hẳn với bóng chuyền, thậm chí được Trương Hoàng Mỹ Linh, ngôi sao điền kinh cùng thời, giúp làm quen với nghề bảo hiểm. Vậy mà đầu năm nay, lại thấy anh ngày ngày có mặt tại sân Phan Đình Phùng để huấn luyện đội CA TP.HCM. Rốt cuộc, Lê Hồng Hảo vẫn rất nặng tình với bóng chuyền? Nghe tôi hỏi, anh cười: “Lỡ leo lên lưng cọp rồi, bạn à. Theo chừng ấy năm, đâu phải muốn bỏ là bỏ. Nói thế thôi chứ thiệt tình tôi còn mê lắm. Bóng chuyền đã thấm vào máu rồi, xa một thời gian là nhớ không chịu được…”. Tâm huyết như thế mà nhiều lần anh phải nghỉ việc, chuyển từ đội này sang đội khác. Không giống với tính Hảo chút nào. Thời còn là VĐV, nhiều đội muốn mời Hảo về với chế độ đãi ngộ hấp dẫn, anh nhất quyết “ở đâu ở một chỗ, mặc áo chọn một màu”, không rời Seaprodex. Cuộc sống chưa thật sự ổn định, gia đình anh vẫn phải sống cùng ba mẹ nhưng Hảo bỏ vị trí HLV Maseco TP.HCM với lương rủng rỉnh, rồi chấp nhận về đội CA TP.HCM dù thu nhập thấp hơn. “Vì ở đây, ít nhất tôi thấy được hướng ra cho những dự định chuyên môn của mình”, Hảo giải thích. Khủng hoảng đào tạo trẻ Gắn bó lâu năm với bóng chuyền, anh hiểu rõ đào tạo trẻ quan trọng thế nào đối với tương lai mỗi đội bóng và hiện bị “ngó lơ” ra sao tại TP.HCM. Nguồn đầu tư từ nhà tài trợ hầu hết dồn cho đội “lớn” dự giải VĐQG, thiếu người thì chuyển nhượng từ nơi khác về. Có khi một năm thay 2, 3 HLV ở đội tuyển trẻ nên không người nào có đủ thời gian để định hình kỹ thuật, lối chơi cho học trò. Và thật không thể tưởng tượng được, cả thành phố lớn như thế mà thiếu sân tập cho các VĐV bóng chuyền trẻ! Hảo kể: “Các em được xếp lịch tập từ 4-6 giờ tại Phan Đình Phùng. Sau đó thì phải nhường sân cho bóng rổ. Bạn nghĩ coi, các em đều còn đi học, ngoài một, hai ngày trong tuần trống tiết, còn lại thường phải tầm 4 giờ 30 mới tan học. Hộc tốc chạy về tới sân thì cũng gần 5 giờ. Còn lại một tiếng, chỉ riêng phần khởi động thôi cũng gần hết giờ. Bởi vậy, có người trách, tại sao thành tích bóng chuyền TP.HCM dạo này đi xuống mà không cho VĐV trẻ tập nhiều hơn. Có muốn tập cũng chẳng có sân đúng chuẩn để tập cho đàng hoàng. Ngày trước có thêm sân Hoa Lư, giờ chỉ còn mỗi sân Phan Đình Phùng, mà phải “chia sẻ” với nhiều môn khác”. Các HLV chỉ còn cách cho VĐV trẻ tăng cường tập thể lực, tập chạy rồi thỉnh thoảng đùa với nhau: “Học trò mình không khéo chuyển sang điền kinh hết”. Những HLV tên tuổi ở nhiều môn thể thao mà tôi từng gặp đều khẳng định đào tạo VĐV trẻ là chuyện đường dài, sốt ruột thành tích mà làm kiểu “đi tắt, đón đầu” sẽ thất bại. Hảo không phải ngoại lệ. Bóng chuyền ngày nay phát triển nhanh, đa dạng hơn so với thời của anh. Bỏ công sưu tầm những “ngón” kỹ - chiến thuật hay, nhiều thứ Hảo muốn hướng dẫn lại cho học trò nhưng không được vì kỹ thuật nền bị “hổng”. Để thích nghi, anh chỉ dạy những phần đơn giản, nếu các VĐV “hấp thụ” tốt mới dần chuyển lên cao. Anh nói thêm: “Các chuyên gia nước ngoài cũng gặp khó khăn tương tự. Khi mới về nắm đội tuyển VN hay đội tuyển TP.HCM, thường họ phải mất vài ba tháng để cho tập lại những kỹ thuật cơ bản nhất. Không vững những thứ này, chẳng thể thực hiện những kỹ - chiến thuật phức tạp”. Anh tâm đắc khi về huấn luyện đội CA TP.HCM cũng vì vậy: “Lãnh đạo ủng hộ tôi phát triển đội trẻ, song song với đội lớn. Các em được tập chung với nhau một thời gian dài. Sớm nhất đến năm 2014, tôi mới đưa một vài em nổi bật nhất lên đội lớn. Nhưng qua đến năm 2015, phần lớn đội trẻ sẽ tích lũy tương đối “vốn liếng” để trở thành lực lượng kế thừa đáng tin cậy. Các em đều có tố chất tốt nên nếu làm bài bản, mình không sợ thiếu người cho tương lai”. Đây là cách làm ngày xưa của các HLV Tống Thành Quan, Phan Phước Điền để cho “ra lò” thế hệ vàng của Lê Hồng Hảo. Bên cạnh đó, VĐV trẻ của các đội công an, quân đội khá vững tâm về “đầu ra” vì em nào nỗ lực tập luyện, kỷ luật và ý thức tốt sẽ được giữ lại ngành sau khi giải nghệ. Ở những đội khác, không đảm bảo tương lai là điều nhiều phụ huynh trăn trở nhất trước khi quyết định cho con theo thể thao chuyên nghiệp.
Lê Hồng Hảo sinh năm 1970, 18 tuổi đã được gọi vào đội tuyển quốc gia, từng thi đấu tại ASIAD 1990 và 4 kỳ SEA Games (1991, 1993, 1995, 1997). Ở đấu trường trong nước, dàn cầu thủ “thế hệ vàng” của anh đã giúp Seaprodex vô địch quốc gia 6 năm liền (từ năm 1989-1994).

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều