Tiêu đề của website

Chuyển giao đội bóng chuyền nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia về Hà Nội: Không khéo… “lợi bất cập hại”!

Dù người trong cuộc khẳng định rằng cuộc chuyển giao đội bóng chuyền nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia về Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã hoàn tất tới hơn 90% thì gần 10% còn lại vẫn có thể quyết định thành bại thương vụ này.

Dù người trong cuộc khẳng định rằng cuộc chuyển giao đội bóng chuyền nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia về Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã hoàn tất tới hơn 90% thì gần 10% còn lại vẫn có thể quyết định thành bại thương vụ này.
Cuộc chuyển giao CLB Bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí quốc gia về Hà Nội đã đi đến thống nhất chung, nhưng để cụ thể hóa trên hợp đồng lại không đơn giản.
Một trận đấu của CLB Bóng chuyền Petrovietnam với sự tài trợ chính của PV Gas.
CLB Bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí quốc gia trước đây thuộc Công ty CP Văn hóa thể thao dầu khí (PV Gas). Gần đây, trong chủ trương tái cấu trúc của ngành dầu khí, PV Gas phải giải thể Công ty CP Văn hóa thể thao dầu khí, nơi quản lý hành chính đội bóng bàn và bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Trong khi Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí đã sẵn sàng nhận đội bóng bàn và chỉ còn chờ một cuộc gặp mặt với lãnh đạo PV Gas thì lãnh đạo PV Gas có vẻ sốt sắng với số phận đội bóng chuyền hơn. Họ đã tới gặp lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội để bàn chuyện chuyển giao đội bóng chuyền. Tất nhiên, để Hà Nội nhận lời, PV Gas không thể chuyển giao không. Đi kèm đó phải là một khoản tiền tài trợ để duy trì hoạt động cho đội (dự định lấy tên là Hà Nội PV Gas). Thỏa thuận ban đầu, PV Gas tài trợ 3 tỷ đồng/năm cho đội và hợp đồng kéo dài trong 3 năm. 9 tỷ đồng trong 3 năm không phải là nhiều với PV Gas và số tiền ấy không nhiều hơn số tiền đầu tư cho CLB Bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí quốc gia trong 1 năm. Tiền mất nhiều, nhưng trong những năm qua, thành tích của CLB cũng như hiệu quả tiếp thị thương hiệu Tập đoàn cũng không đáng kể. Điều này khác hẳn đội bóng bàn, kinh phí hoạt động ít hơn nhưng thành tích tốt hơn hẳn với hàng loạt chức vô địch quốc gia, quốc tế và đương nhiên thương hiệu Tập đoàn Dầu khí quốc gia được nhắc đến nhiều hơn. Chuyển được đội bóng chuyền về Hà Nội, PV Gas nhẹ đầu, tốn ít tiền hơn (không phải thuê sân bãi, lo tiền ăn nghỉ cho HLV, VĐV cùng hàng loạt chi phí văn phòng khác…) và thương hiệu thậm chí còn được nhắc đến nhiều hơn. Dù gì, thể thao Hà Nội có sức hút riêng với giới truyền thông, điều mà không phải ai cũng sở hữu được. Sau nhiều lần cân nhắc dự toán kinh phí hoạt động cho CLB Bóng chuyền Hà Nội PV Gas, nếu CLB đi vào hoạt động, phía Hà Nội đã đề xuất nâng mức tài trợ lên 4 tỷ đồng/năm và thời hạn hợp đồng là 4 năm. Số tiền tài trợ cũng chỉ để trả lương, thưởng, các chi phí khác cho CLB. Cộng với khoản tiền cứng mà ngành có thể lo được (tiền ăn, tiền công, địa điểm tập luyện) dự tính kinh phí hoạt động năm của cả CLB Bóng chuyền Hà Nội PV Gas (tuyến 1 và 2, đội ngũ hành chính, điều hành) cũng phải khoảng 7-8 tỷ đồng. Nếu PV Gas vẫn giữ mức 3 tỷ đồng/năm, kinh phí hoạt động của CLB Hà Nội PV Gas sẽ khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Không kể, việc khấu trừ tài sản từ CLB Bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí quốc gia (2 xe ô tô 29 chỗ và 7 chỗ) vào hợp đồng tài trợ khiến khoản tài trợ trong năm đầu tiên bớt đi đáng kể. Tuy nhiên, dường như PV Gas vẫn chỉ muốn tài trợ 3 tỷ đồng/năm. Và đấy có thể là mấu chốt khiến vụ chuyển giao bất thành. Hà Nội từ lâu đã muốn có một đội bóng chuyền nam thi đấu ở hạng đội mạnh. Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội cũng "máu" bóng chuyền nên mới sẵn sàng nhận đội CLB Tập đoàn Dầu khí quốc gia để rút ngắn thời gian trở lại đỉnh cao. Nhưng kể cả không nhận chuyển giao CLB này thì sớm muộn bóng chuyền nam Hà Nội cũng trở lại hạng đội mạnh, nhất là khi giải quốc gia không sử dụng cầu thủ ngoại. Hiện tại, dàn VĐV trẻ Hà Nội đang trưởng thành nhanh chóng trong đó 3 người được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia. Thế nên, dù "máu" bóng chuyền thì việc cân nhắc yếu tố tài chính (đi kèm là vô số vấn đề trong quản lý, điều hành) của phía Hà Nội cũng là cần thiết. Nếu không, "ôm" được đội bóng rồi lại phải "ôm" thêm cục lo khó giải quyết. Lúc ấy dễ rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội" lắm…

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều