Thực ra, chuyện CLB bóng chuyền Tràng An Ninh Bình rất thích nhập quốc tịch cho các tuyển thủ Thái Lan là không mới, vì trước đây họ từng sở hữu phụ công Đinh Hoàng Trai (tức Supachai theo tên Thái Lan). Nên sự xuất hiện của Kitsada Somkane tới đây trong màu áo đội bóng cố đô cũng chẳng lạ. Nhưng lẽ ra bóng chuyền Việt Nam có thể “xuất khẩu” thay vì chỉ biết tìm cách để “nhập khẩu” tài năng…
Nhập khẩu hay xuất khẩu?
Thực ra, chuyện CLB bóng chuyền Tràng An Ninh Bình rất thích nhập quốc tịch cho các tuyển thủ Thái Lan là không mới, vì trước đây họ từng sở hữu phụ công Đinh Hoàng Trai (tức Supachai theo tên Thái Lan). Nên sự xuất hiện của Kitsada Somkane tới đây trong màu áo đội bóng cố đô cũng chẳng lạ. Nhưng lẽ ra bóng chuyền Việt Nam có thể “xuất khẩu” thay vì chỉ biết tìm cách để “nhập khẩu” tài năng…
Phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa là điển hình cho câu chuyện xuất khẩu tài năng bóng chuyền Việt Nam sang Thái Lan, xứ sở vốn xưa nay chỉ biết cung cấp VĐV cho giải vô địch của chúng ta. Ngọc Hoa chơi khá thành công, thậm chí gây được tiếng vang đáng kể khi cùng CLB Bangkok Glass dự tranh giải Vô địch châu Á 2015 hay Vô địch thế giới 2016.
Cùng thời điểm với sự xuất ngoại của Hoa, còn có chủ công Đỗ Thị Minh, Trần Thị Thanh Thúy, libero Nguyễn Thị Kim Liên và suýt chút nữa là Phạm Thị Kim Huệ rồi có thể là Bùi Thị Ngà… và tất cả các VĐV của Việt Nam đều tỏ ra thích ứng nhanh, chơi hiệu quả ở giải đấu cao nhất của Thái Lan.
Kitsada Somkane (giữa) sắp trở thành người của Tràng An Ninh Bình. Ảnh AD Khánh
Những người làm bóng chuyền Việt Nam mới chợt tỉnh ra rằng mình đang sở hữu những tài năng xuất chúng nhưng lại bó buộc họ trong khuôn khổ của những giải đấu quốc nội và những cái tên như Ngọc Hoa, Thanh Thúy, Kim Liên chỉ thực sự bùng nổ, phô diễn hết khả năng khi thoát khỏi “cái áo chật chội” ấy.
Như thế, chứng tỏ bóng chuyền Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu VĐV. Từ trước khi Ngọc Hoa sang Thái Lan, chủ công Ngô Văn Kiều - người từng được ví là “hàng hiếm” ở Đông Nam Á - đã có thời gian ngắn chơi bóng tại Indonesia và cũng đã khá thành công. Tưởng chừng như sau cú hích đó, hàng loạt “cao thủ” của bóng chuyền Việt Nam như Lê Quang Khánh, Nguyễn HỮu Hà, Nguyễn Hoàng Thương, Từ Thanh Thuận… cũng sẽ nối bước anh xuất ngoại, thì đáng tiếc lại vướng phải cơ chế ràng buộc ở trong nước, không phải vì thuộc biên chế của các đội bóng quân đội thì cũng do lãnh đạo CLB ngại ngần mở lòng. Nhiều dịp may lần lượt trôi qua, cho dù chuyên môn của VĐV Việt Nam không hề thua kém những đồng nghiệp trong khu vực và thậm chí là châu lục.
Bài toán xuất khẩu nhân tài của bóng chuyền vì vậy tạm dừng sau thời Ngô Văn Kiều, cho đến khi CLB VTV Bình Điền Long An mạnh dạn giúp thủ quân Ngọc Hoa “thoát ly” và tìm kiếm sự tươi mới cho sự nghiệp đang trôi dần về cuối của cô. Những điều mới mẻ xuất hiện, kéo theo một hiệu ứng cuồng nhiệt từ các khán đài khi Ngọc Hoa xuất hiện ở giải Thai-League. Hóa ra, không chỉ người hâm mộ Việt Nam mến mộ tài năng của Hoa, mà chính những CĐV Thái Lan vốn luôn coi các VĐV của họ là “đỉnh nhất” khu vực cũng phải thể hiện tình yêu trước phụ công số 1 Việt Nam.
Chất lượng của “sản phẩm xuất khẩu” Ngọc Hoa vì thế được cho là hoàn hảo, tiếp tục mở ra những cơ hội khác cho VĐV Việt Nam đến với Thái Lan hoặc những quốc gia khác trong khu vực. Vấn đề là giới làm nghề nhìn nhận điều đó theo chiều hướng nào, tích cực hay thiếu thiện cảm. Ra đi để cải thiện bản thân, rèn giũa tài năng và như thế sẽ tốt hơn cho cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia Việt Nam khi bước vào những chiến dịch quan trọng trong năm. Thậm chí, không chờ đến khi các đội bóng nước ngoài mời mọc, bản thân các CLB trong nước phải cầu thị và liên hệ để tìm môi trường bồi dưỡng tốt hơn cho những tài năng của mình, có như thế mới khá lên nổi…