Dựa theo lịch thi đấu của FIVB và lịch thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á, các nước có nền bóng chuyền phát triển trên căn cứ đó để tiến hành xếp lịch thi đấu. Hầu hết giống nhau về thời gian và chỉ khác ở thể thức thi đấu và số lượng các đội bóng tham dự.
Giải bóng chuyền VĐQG các nước châu Á thi đấu thế nào ?
1. Thái Lan
Giải Thai League với 8 đội chia làm 2 vòng, vòng 1 thường bắt đầu vào tháng 10 đến tháng 12, vòng 2 từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau. Các đội sẽ đấu theo thể thức lượt đi và lượt về. Tổng cộng 1 CLB sẽ có 14 trận đấu. Sau khoảng 10 ngày đến 3 tuần sẽ là Siêu Cup Thái Lan.
Ngôi sao bóng chuyền Việt Nam - Ngọc Hoa đang thi đấu rất thành công tại Thailand League.
Ngoài ra Thái Lan còn tổ chức một giải đấu nữa có tên Giải bóng chuyền National Championship do phía các doanh nghiệp tài trợ, giải đấu này không cố định thời gian mà tùy theo lịch thi đấu của liên đoàn bóng chuyền Thái. Ba mùa gần đây nhất Thái Lan có mời đại diện của Việt Nam là NHCT tham dự giải đấu này. Năm 2016 do các VĐV NHCT tập trung đội tuyển quốc gia, quân số còn lại không đảm bảo nên BHL đã từ chối tham dự giải đấu.
2. Hàn Quốc
Giải bóng chuyền Hàn Quốc có tên Korea League có lịch cố định là từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Giải có 6 đội đánh 5 vòng đấu, mỗi vòng đấu 6 đội sẽ đấu vòng tròn với nhau. Như vậy sau 5 vòng đấu mỗi đội sẽ đấu khoảng 30 trận.
Dựa trên số điểm của cả 5 vòng đấu. sau đó sẽ chọn ra 3 đội đứng đầu. Đội xếp hạng 2 và hạng 3 sẽ đấu với nhau, đội nào thắng sẽ gặp đội xếp thứ 1 (cao điểm nhất) để tranh ngôi vô địch. Tại vòng chung kết cuối cùng tranh ngôi vô địch 2 đội sẽ thi đấu theo thể thức đấu 5 thắng 3.
Tại Hàn Quốc còn một giải đấu khác do các đơn vị tài trợ phối hợp tổ chức, giải đấu thường diễn ra khoảng 3 tuần trong tháng 7. 6 đội chia 2 bảng đánh vòng loại rồi bán kết, chung kết.
Trong tháng 12 sẽ diễn ra một giải giao hữu Nhật – Hàn giành cho 2 đội bóng vô địch nội dung nam và nội dung nữ của hai nước.
3. Nhật Bản
Giải Bóng chuyền VĐQG Nhật Bản còn được biết tới tên gọi là Janpan League hay còn gọi là V.league với 8 đội bóng tham dự diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Sẽ có 3 vòng đấu được diễn ra, 1 vòng mỗi đội sẽ đấu vòng tròn 7 trận. Như vậy kết thúc 3 vòng đấu, mỗi đội sẽ thi đấu tổng cộng 21 trận. BTC tiến hành tổng hợp kết quả, 6 đội dẫn đầu sẽ lọt vào vòng chung kết, 2 đội có kết quả thấp nhất sẽ phải xuống hạng.
Bóng chuyền Nhật Bản được đông đảo người dân châu Á yêu thích.
Tại vòng chung kết, 6 đội đứng đầu sẽ tiến hành đấu vòng tròn sau đó xếp hạng chọn ra 3 đội có điểm số cao nhất. Tại vòng chung kết thứ 2 (Final 2), đội xếp hạng 2 và hạng 3 sẽ thi đấu với nhau, đội giành chiến thắng sẽ gặp đội xếp hạng 1 để tranh ngôi vô địch.
4. Trung Quốc
Giải Bóng chuyền VĐQG Trung Quốc với tên gọi China League diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau với 16 đội tham dự và chia làm 2 bảng đấu. Bảng A có 10 đội và bảng B có 6 đội tham dự. Tại mỗi bảng, các đội sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm có lượt đi và lượt về. Sau lượt đấu vòng tròn, mỗi bảng sẽ xác định được 2 đội bóng xếp cuối, các đội bóng này sẽ thi đấu vòng chung kết ngược để xác định 2 đội xuống hạng. Cùng với đó sau lượt đấu vòng tròn sẽ tìm ra được 4 đội dẫn đầu mỗi bảng. 8 đội bóng này sẽ thi đấu với nhau sẽ tìm ra 4 đội bóng bước vào vòng bán kết. Tại vòng chung kết cuối cùng tranh ngôi vô địch 2 đội sẽ thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách đấu 5 thắng 3.
Như vậy, ngoài chất lượng và trình độ giữa các CLB thì thể thức thi đấu và thời gian thi đấu đóng vai trò quan trọng tới sự thành công của một giải đấu bóng chuyền chuyên nghiệp. So với thể thức thi đấu của các nước có nền bóng chuyền phát triển ở châu Á, thể thức thi đấu của giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam đã không còn phù hợp và trở nên lỗi thời.