Thái Bình – cái nôi của bóng chuyền Việt Nam, đó là một chân lí hiển hiện. Vùng quê lúa đã để lại những cái tên không thể mờ phai trong lòng người yêu bóng chuyền như Đào Hữu Uyển, Phạm Quang Tuyến, Phạm Tuấn, Nguyễn Hữu Hà …nhưng nói đến bóng chuyền ở đây, người ta thường nhắc đến phái đẹp với những chiến công lừng danh, những chức vô địch quốc gia (hay miền Bắc) lại luôn ứng với con số 7 kì diệu, thường được người đời xem là số đẹp nhất trong Kinh thánh hay trong Phật giáo. Tấm HCV miền Bắc năm 1967 với những tên tuổi Quách Thị Thoan, Vũ Thị Gái, Bùi Thị Hiền, Nguyễn Thị Hợi… và sau đó ít năm, lớp liền chị này được bổ sung mấy tên tuổi Phạm Thị Dần, Tạ Thị Nho, Tạ Thị Tuyết cùng với ông HLV gạo cội Nguyễn Trường Phát. Mười năm sau, vào mùa hè 1977, bóng chuyền Thái Bình lại lấy HCV với những tên tuổi Bùi Thị Lanh, Đào Thị La, Vũ Thị Na, Lê Thị Bưởi, Phạm Thị Tùng…Và phải đến 30 năm sau, lớp đàn em đàn cháu của họ mới giành được tấm HCV quý giá, đồng thời ghi nhận một lớp tài năng mới như Bùi Thị Huệ, Lê Thị Mười, Vũ Việt Dung, Vũ Đăng Kiều, Đào Thu Phương, Trần Thị Hạt…
GIẤC MƠ CỦA BÓNG CHUYỀN THÁI BÌNH
Danh thủ Đào Hữu Uyển (trái) khi cùng đoàn BCVN transit đi Nga tại sân bay Ulanbato năm 1962
Khi xưa, giới bóng chuyền miền Bắc kháo nhau: phòng thủ giỏi như nữ Thái Bình! Tôi không sao quên năm ấy, khi chiếc HCV giải nữ được dư luận nhất trí đã phải thuộc về Trường huấn luyện với những tên tuổi quá sáng giá như Nguyễn Thị Mùi, Hoàng Kim Liên, Khưu Mỹ Mỹ, Lệ Bình, Kim Quế…vậy mà các cô gái quê hương 5 tấn đã trình bày lối chơi phòng ngự phản công có hiệu quả đến kinh người: mặc các chị cứ việc búa bổ xa gần, họ cứ lăn xả ra mà phòng thủ, “bò lê” ra để moi bóng lên rồi tổ chức phản công và lấy HCV trong nước mắt của các liền chị danh giá kia! Kiểu ấy y như lần giành chức vô địch Olympic 1980 của các cô gái Nhật Bản trước ứng viên tiềm tàng của nước chủ nhà.
Bùi Thị Huệ - Niềm tự hào của bóng chuyền nữ Thái Bình.
Sau lần đó, bóng chuyền Thái Bình xem ra không muốn phòng ngự thụ động nữa, họ đầu tư cho việc tìm kiếm những mũi đánh có uy lực để tranh đua trên đấu trường khá khốc liệt, trước những đối thủ tiềm tàng như BTL Thông tin, Quảng Ninh, BĐ Hà Nội, Long An…Và người xem đã thấy những cú đánh sấm sét từ Bùi Thị Lanh, Tạ Thị Nho ghê gớm ra sao. Rồi đỉnh cao là “búa bổ” Bùi Thị Huệ, giải VTV Cup đầu tiên trong NTĐ Trần Quốc Toàn, nữ chủ công này đánh số 3 trúng người khiến nữ VĐV to béo nhất của đội tuyển Kazakhstan ngã bật ngửa khi lên yểm hộ, đến thế là cùng! Nhưng Thái Bình vẫn là nơi sản sinh ra những cầu thủ có bước 1 hay nhất, càng là chủ công càng bước 1 hay, trái hẳn xu thế bây giờ nhiều chủ công kém bước một lắm. Lịch sử của môn bóng chuyền vùng quê hương 5 tấn cũng có điều gì đó na ná với lịch sử của chính BCVN vậy. Những HLV khác như Trần Công Cường, Thái Thanh Tùng, Trần Đình Tiền cũng có sự thăng trầm như những bậc tiền bối năm xưa của họ…
Truyền thống là cái đẹp bất tận, nhưng chẳng ai xẻ thịt truyền thống ra để mà đi tiếp truyền thống, nếu ta không có đủ điều kiện cần thiết, chẳng hạn như mùa này, lại là con số 7 (2017) song bài toán dành cho bóng chuyền quê lúa vẫn còn đang là một ẩn số, nằm giữa hai số tự nhiên liên tiếp 4 và 5. Trời ạ!