Tiêu đề của website

Tuyển thủ bóng chuyền nữ - người đẹp không có đại gia

Mỗi khi xuất hiện tại nhà thi đấu hay trên truyền hình, các VĐV bóng chuyền nữ đều tạo nên một cơn sốt. Lúc cao điểm, họ từng nhận cả trăm lời mời của các địa phương, doanh nghiệp về đấu giao lưu để NHM được biết mặt còn đội tuyển chưa bao giờ lo thiếu tài trợ. Thế nhưng, phía sau những hào quang ấy, là những góc khuất trần trụi "dễ thương" của các chân dài chơi bóng.


Mỗi khi xuất hiện tại nhà thi đấu hay trên truyền hình, các VĐV bóng chuyền nữ đều tạo nên một cơn sốt. Lúc cao điểm, họ từng nhận cả trăm lời mời của các địa phương, doanh nghiệp về đấu giao lưu để NHM được biết mặt còn đội tuyển chưa bao giờ lo thiếu tài trợ. Thế nhưng, phía sau những hào quang ấy, là những góc khuất trần trụi "dễ thương" của các chân dài chơi bóng.

 

 

SỢ NHẤT BỊ HỎI VỀ... CÂN NẶNG

 

Nhìn các VĐV bóng chuyền nữ thi đấu trên sân đấu hay qua truyền hình, ai cũng thấy thích mắt. Thế nhưng, đó là ở trong sân mà thôi chứ khi ra ngoài, không ít người choáng váng bởi ngoại hình "đô con" của họ.

 

VĐV bóng chuyền nữ thường chia ra làm 2 dạng ngoại hình. Một là "mình dây" kiểu Kim Huệ, Ngọc Hoa hay Trà Giang, nhưng số này chiếm tỷ lệ thấp. Còn tạng người cao to luôn chiếm số áp đảo như Bùi Huệ,  Phạm Yến, Đỗ Thị Minh, Trần Thu Trang, Diệu Châu, Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân...

 

Nếu hỏi các "chân dài" về chiều cao thì họ dễ dàng khai ngay nhưng lại rất ngại bị hỏi về cân nặng vì hầu như người nào cũng quá 70kg. Người có trọng lượng lớn nhất trong giới bóng chuyền nữ là chủ công Nguyễn Thị Xuân với chỉ số cân nặng gần 78 kg và chiều cao 1,80m.

 

Người thon thon như Diệu Châu (cao 1,80m) cũng xấp xỉ 72 kg. Hoặc như Phạm Yến thời đỉnh cao cách đây 2 năm đã ngót nghét 73 kg, trong khi chiều cao chỉ có 1,76 m. Riêng tay chuyền hai Hà Thị Hoa và chủ công Bùi Thị Huệ có cùng chiều cao 1,74m và cũng chung luôn cân nặng: 73 kg.

 

Nếu ai đó cắc cớ về ngoại hình quá khổ của mình thì các "chân dài" đều mắc cỡ thỏ thẻ: "Tại bọn em tập tạ, tập sức bật nhiều nên người cứ to ra, chứ trước đây đứa nào cũng gầy cả". Không nói thì nhiều người không biết, bởi dù được khán giả khen xinh xắn nhưng hầu như VĐV nào cũng tự ti vì ngoại hình quá khổ.

 

Cũng vì to cao nên các "chân dài" rất khó khăn trong việc chọn mua đồ vì quần áo của họ đều thuộc dạng "big size" cỡ 31-32 trở lên, trong khi với con gái bình thường mặc size 28 đã được coi là to con. May là họ hay  đi nước ngoài nên có thể  mua đồ "tiêu chuẩn Tây" để dành mặc. Thi thoảng, chị em cả đội rủ nhau đi chợ mua vải rồi ra tiệm may cho vừa ý.

 

ĐẠI GIA Ư, HỔNG DÁM ĐÂU!

 

Ai cũng tưởng "hot" như thế, các "chân dài" bóng chuyền sẽ rất dễ kiếm người yêu và kiếm chồng là đại gia. Song thực tế khác hẳn, chưa thấy có chân dài chơi bóng nào lấy chồng giàu. Điểm qua các thế hệ tuyển thủ quốc gia, mới chỉ có duy nhất Kim Huệ lấy chồng có chút liên quan đến kinh doanh, song chỉ là buôn bán nhỏ lẻ.

 

Cái nghiệp quanh năm lăn lê bò toài cùng chiều cao lênh khênh đã khiến cho chuyện yêu đương của dân bóng chuyền nữ rõ ràng cũng vì ngoài việc tiếp xúc ít với đối tượng bên ngoài xã hội thì cũng ít chàng trai nào "dám" yêu một cô gái cao hơn cả cái đầu.

 

Các đại gia rất nhiều người đặc biệt thích bóng chuyền nữ, sẵn sàng tài trợ hay thưởng lớn, song đó chỉ đơn thuần là tình yêu dành cho những Kim Huệ, Phạm Yến ở trên sân bóng.

 

Vì thế, đơn giản nhất là yêu luôn dân trong nghề vốn cũng cao kều cho "nhanh gọn". Mở đầu cho xu hướng này là Diệu Châu đã yêu và cưới đồng nghiệp Phạm Văn Định ở đội nam Long An. Noi gương đàn chị, phụ công Ngọc Hoa cũng đang trong giai đoạn tình yêu đẹp với một VĐV khác của đội nam Long An, hay Bùi Huệ đang đẹp duyên với Văn Giáp hiện đang đầu quân Tập đoàn Dầu khí QGVN.

 

Nếu không yêu dân bóng chuyền, nhiều người se duyên cùng dân thể thao các môn khác  vốn cũng cao to. Năm 2007, tay chuyền hai đang lên Hà Thị Hoa bất ngờ lên xe hoa với thủ môn Tạ Đức Hiếu (HN.ACB). Trước đó với Lê Thị Mười và ngay hồi đầu năm là Phạm Thu Trang đều đã được đưa về dinh bởi những cầu thủ  bóng rổ nam có chiều cao bằng hoặc hơn mình.

 

24 TUỔI MỚI ĐƯỢC LẤY CHỒNG, 26 TUỔI SINH CON

 

Dù chưa đến mức lúc nào cũng có vài anh săn đón như các xạ thủ xinh đẹp nhưng quả thật dân bóng chuyền nữ, ai cũng rất dễ kiếm người yêu và lấy chồng. Chính điều này đã khiến lãnh đạo và HLV các đội bóng phải đau đầu, tìm mọi cách để giải quyết cho cân đối hài hòa giữa quyền lợi chính đáng của cầu thủ với sự phát triển của đội bóng.

 

Chẳng hiểu từ bao giờ, trong giới bóng chuyền nữ đã hình thành một quy ước phổ biến, lấy cột mốc 24 tuổi sẽ cho phép VĐV lấy chồng và 26 tuổi được phép sinh con. Thậm chí, ở một số đội nó còn trở thành quy định được đưa thẳng vào văn bản, giấy trắng mực đen đàng hoàng.

 

Cũng chính từ đây, ngoài đa số các cầu thủ chấp hành và vận dụng rất tự giác và hợp lý, còn xảy ra một số trường hợp dở khóc dở cười. Đã có nhiều VĐV yêu nhau, đủ tuổi lập gia đình nhưng CLB cứ kỳ nèo hoãn việc "chống lầy" để thi đấu thêm. Rồi cực chẳng đã, một và người đã "xé rào" bằng nhiều cách tế nhị. Đó là lý do vì sao, một số VĐV đang thi đấu, bỗng dưng lấy chồng rồi một thời gian ngắn sau đó có ngay em bé.

 

Kim Huệ suýt làm người mẫu chuyên nghiệp

 

Không phải ngẫu nhiên mà chính Hoa hậu Thể thao Lại Hương Thảo đến giờ vẫn coi đàn chị Kim Huệ là thần tượng của mình. Cựu đội trưởng ĐTQG và CLB Thông tin LV Bank được coi như ngôi sao đầu tiên đúng nghĩa của bóng chuyền Việt, một nhân tố quan trọng mang đến những cơn sốt xem "chân dài" chơi bóng hầm hập.

 

Chiều cao 1m 80, khuôn mặt đẹp và cá tính, chơi bóng cừ và có khả năng làm thủ lĩnh, Kim Huệ đã từng có nhiều năm một mình đủ sức kéo khán giả đến sân hay dán mắt lên màn hình.

Năm 16  tuổi, Huệ đã từng vượt qua một cuộc tuyển chọn người mẫu Thủ đô, được đào tạo và tham gia biểu diễn một thời gian, trước khi quyết định gắn bó trọn vẹn với bóng chuyền. Ngay cả sau này, thi thoảng phụ công từng 3 lần đoạt danh hiệu Miss bóng chuyền tại các giải quốc tế. Cô vẫn được nhiều nhà thiết kế, nhất là Minh Hạnh mời tham gia các buổi trình diễn thời trang.

 

2 hoa hậu có "gốc" bóng chuyền

Có thực sự là, nếu không theo nghiệp hay giải nghệ sớm, nhiều "chân dài" bóng chuyền sẽ tham gia các cuộc thi sắc đẹp và nghề người mẫu để xây dựng tương lai. Chí ít, họ cũng có ưu thế đặc biệt về thể hình, với chiều cao lý tưởng cùng đôi chân dài miên man, sự cân đối và khỏe khoắn - vốn  ngày càng trở nên quan trọng theo tiêu chuẩn hiện đại.

 

Lại Hương Thảo & Nguyễn Thị Loan

 

Thực tế, từng có 2 thí sinh đăng quang tại các cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia có xuất phát điểm là dân bóng chuyền. Như tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, cựu cầu thủ của đội Phòng không - Không quân Nguyễn Thị Loan (Thái Bình) đã giành danh hiệu Hoa hậu Biển, bệ phóng quyết định để chị có được thành công lớn như bây giờ. Hay mới đây nhất, người đã lên ngôi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2012 cũng chính là Lại Hương Thảo, một cựu cầu thủ của đội trẻ Quảng Ninh.

 

Điều đáng nói, giờ đã khác, song trước đây, cả Loan và Thảo đều không có gì nổi bật trong mặt bằng chung bóng chuyền, nhất là về chuyên môn. Đơn cử như Lại Hương Thảo hồi ở đội trẻ đất Mỏ rất hạn chế về chiều cao chỉ hơn 1m67 một chút, và bị đánh giá khó có khả năng phát triển đỉnh cao.

 

Lê Thúy & Vương Thu Phương

 

Vương Thu Phương sinh năm 1991, cô từng là vận động viên bóng chuyền. Sau khoảng thời gian 5 năm theo đuổi thể thao thành tích cao, những chấn thương ngoài mong muốn đã cản bước, không cho Phương tiếp tục cống hiến với bộ môn bóng chuyền. Sau đó, Phương tham gia vào giới người mẫu. Cô là một trong những người mẫu được đánh giá khá cao trong thời gian qua. Với số đo 3 vòng: 86 - 64 – 94, cô từng giành giải Siêu mẫu ảnh trong cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam năm 2010.

 

Chưa dừng lại đó, khi diễn ra cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2011, Thu Phương đã ra ứng thí và cô gái chân dài đến từ Hải Phòng này đã giành được giải Vàng.

Khác với Vương Thu Phương, Lê Thúy mang vẻ đẹp góc cạnh của một siêu mẫu chuẩn quốc tế.

Con đường từ thể thao đến nghệ thuật của nhiều VĐV không còn quá xa lạ. Một trong những tên tuổi “hot” nhất của làng mẫu hiện nay là Lê Thúy, người vừa được tạp chí thời trang F bình chọn là một trong 3 gương mặt được săn đón nhất năm 2012. Ít ai biết Thúy xuất thân là một VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp của Bộ Tư lệnh Thông tin.

 

Trái hẳn với hình ảnh trên sân bóng, khi chương trình Vietnam Next Top Model 2011 khai diễn, có một cô gái luôn khiến khán giả phải bực mình vì lúc nào cũng khóc lóc yếu đuối, đó chính là Lê Thúy. Kết thúc cuộc thi năm đó ở vị trí thứ 3, Lê Thúy chính thức bước hẳn sang con đường người mẫu chuyên nghiệp và thăng tiến không ngờ.

 

Lê Thúy đến với bóng chuyền khi mới 13 tuổi. Ban đầu, Thúy chỉ đánh phong trào, sau đó được tuyển vào đội trẻ của Quảng Bình. Nhưng thể thao ở vùng đất này chẳng có mấy cơ hội để phát triển lên chuyên nghiệp, các HLV của đội nữ Bộ Tư lệnh Thông tin - một đội bóng chuyền nữ mạnh nhất nhì cả nước nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Một buổi làm việc ngắn gọn và Thúy đã theo chân các thầy ra Hà Nội để đầu quân khi mới học lớp 9.

 

Lý do Thúy đồng ý ra Hà Nội vì quá yêu bóng chuyền và vì muốn kiếm sống đỡ đần gia đình. Gia đình Thúy rất nghèo, nợ nần chồng chất, theo bóng chuyền từ lúc còn rất nhỏ, đồng nghĩa với việc hàng tháng sẽ nhận được một khoản tiền hỗ trợ đủ để giúp bố mẹ chút ít. 3 năm thi đấu cho Bộ Tư lệnh Thông tin, Thúy trở thành một trong những nhân tố góp công không nhỏ vào những thành công của đội bóng này, nhất là vào thời điểm đội bóng đang trẻ hóa và chia tay những gương mặt kỳ cựu vì tuổi tác. Đúng lúc đội bóng đang thành công như vậy, Thúy quyết định rẽ ngang, dự định sẽ vào Sài Gòn luyện thi đại học vào ĐH TDTT.

 

Đang lúc chần chừ thì đội nữ Cao su Phú Riềng đưa ra lời đề nghị, Thúy gật đầu để trở lại với bóng chuyền. Chuyến du Nam năm 2010 của cô vừa để chơi bóng vừa có cơ hội để học hành. Ở đội bóng mới, Lê Thúy được trả lương rất cao, vừa giúp gia đình vừa yên tâm học hành. Chính Thúy cũng không ngờ chuyến đi này lại mở ra cho mình một thế giới khắc hẳn với quả bóng và lưới chắn thường ngày.

 

Thế nên khi cái tên Lê Thúy xuất hiện trong Vietnam Next Top Model 2011 khiến tất cả đều bất ngờ. Có rất nhiều người thành công ở một lĩnh vực “tay trái” chỉ từ những lần “thử cho biết” như thế. Ban đầu, Thúy tham gia cho vui nhưng vẻ mặt và thể hình tuyệt vời của một VĐV bóng chuyền ngay lập tức thu hút các chuyên gia thời trang. Vị trí thứ 3 năm đó cùng những sự giúp đỡ, chỉ dạy của các nhà thiết kế giúp Thúy tự tin hơn và quyết định bỏ hẳn nghiệp thể thao để theo nghề người mẫu. Ở quê, gia đình cô đắn đo suy nghĩ rồi cũng phải đồng ý trước quyết tâm của con gái, chỉ sợ sự nhút nhát, “quê mùa”, sống khép kín của Thúy liệu có thể trụ vững được trong môi trường người mẫu lắm vinh quang nhưng cũng đầy cám dỗ và bon chen.

 

Hơn 1 năm bỏ sân bóng để theo nghề mẫu, cô gái Quảng Bình bắt đầu thích nghi dần với hơi thở của nghề: “Nghề mẫu cũng như nghiệp bóng chuyền khi bắt đầu đều phải cố gắng rèn luyện. Nếu biết nỗ lực thì không nghề nào phụ mình, quan trọng là thái độ của mình với nghề. Tôi được các anh chị đi trước, các nhà thiết kế, stylist chỉ dẫn nhiều nên đã bớt bỡ ngỡ và tự tin hơn. Chơi bóng chuyền nhiều năm giúp tôi có sức khỏe tốt còn nghề mẫu hơn 1 năm qua giúp tôi khá nhiều trong việc trang trải chi phí giúp đỡ gia đình. Tôi phải rèn luyện thêm về ngoại ngữ để có thể tự tin bước ra sàn diễn quốc tế”.

 

- Huy Quang -


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin
Đỗ Thị Minh

Đỗ Thị Minh

Ngày sinh: 03/08/1988
Quê quán: Hà Nam
CLB: Thông tin Liên Việt Postbank
Vị trí: Chủ công
Số áo: 8
Tiêu điểm
Xem nhiều