Các HLV, nhà quản lý thể thao luôn hạn chế hoặc cấm tuyệt đối cầu thủ/VĐV uống rượu bia, bởi khoa học đã chứng minh, đồ uống có cồn hủy hoại, bào mòn thể lực, thứ tài sản lớn nhất của họ. Một đêm say sưa quá chén có thể hủy hoại cả một tháng tập luyện gian khổ của cầu thủ.
Đồ uống có cồn gây hại cho VĐV bóng chuyền thế nào?
Nghiên cứu về tác hại của rượu bia đối với cầu thủ, vận động viên thể thao, Giáo sư David Cameron-Smith, Trường Đại học Auckland cho rằng, rượu là con đường ngắn nhất dẫn đến… chấn thương của cầu thủ, dù họ ngừng uống 6 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ.
Rượu bia có hại với cầu thủ dù ngừng uống 6 tiếng trước khi đi ngủ.
Vì theo Giáo sư Cameron-Smith, rượu bia khiến chu kỳ, trình tự của giấc ngủ thay đổi, hệ quả là lượng lưu trữ glycogen trong cơ thể giảm. Nên nhớ, lượng glycogen là nguồn năng lượng rất quan trọng cho sức bền và sức chịu đựng của cầu thủ. Trái lại, cortisol lại tăng khiến quy trình phục hồi thể lực và chấn thương của cầu thủ giảm.
Cũng theo nghiên cứu của Giáo sư Cameron-Smith cùng các đồng nghiệp, rượu bia còn gây nên một số tác hại khác như sản sinh ra loại độc tố từ gan làm ảnh hưởng đến hormone testosterone, một thành phần thiết yếu cho quá trình phát triển và phục hồi cơ bắp sau mỗi trận đấu hay buổi tập luyện.
Rượu bia cũng là một loại chất lợi tiểu cực mạnh, kích thích quá trình sản xuất ra nước tiểu khiến cơ thể mất nước dễ dẫn đến đau bụng, chấn thương và giảm thèm ăn trong khi cầu thủ phải ăn một lượng lớn thức ăn phù hợp để bù năng lượng đã mất sau thi đấu và tập luyện.
Một tác hại không thể không nhắc đến của rượu bia đối với cầu thủ, đó là nó tác động rất lớn tới quá trình tổng hợp protein cho cơ bắp, giảm lượng protein mới tới một phần ba, tăng khả năng chấn thương cơ xương khi vận động mạnh.
Agbonlahor mất phong độ, tăng cân vì bia rượu.
Có rất nhiều tấm gương cầu thủ bóng đá lạm dụng bia rượu đã phải trả giá bằng sự nghiệp sức khỏe, tính mạng như George Best, Paul Merson, Paul Gasgoigne, Kenny Sansom, Adriano… và điển hình là trường hợp của Gabriel Agbonlahor.
Cựu đội trường Aston Villa hiện từng bị lãnh đạo đội bóng này đình chỉ thi đấu hai tuần để giảm béo, phục hồi thể lực. Một trong những nguyên nhân chính khiến cây săn bàn số 1 của Villa mất phong độ, thể lực và… tăng cân mùa giải năm nay đã được xác định là do lối sống không lành mạnh và sử dụng quá nhiều rượu bia, chất kích thích… Với bóng chuyền Việt Nam câu chuyện nhiều cầu thủ lạm dụng bia rượu không phải hiếm và điều đó vô tình dẫn đến chấn thương rất nặng khi tập luyện với cường độ cao và nhiều trong số này đã phải sớm giải nghệ. Không những vậy, chuyện nhiều HLV nghiện rượu, thích ăn nhậu nhưng tiếp tục lôi kéo các học trò vào những cuộc vui lại vô tình đẩy các VĐV trẻ vốn thiếu hiểu biết chưa kịp trưởng thành, đã phải rời bỏ cả tương lai, trước khi có thể trở thành một VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp.