Tiêu đề của website

RONG RUỔI TÌM TÀI NĂNG

Rời đội lớn Bình Điền Long An, nhường sân cho những người trẻ hơn, nhưng HLV Lương Khương Thượng chưa chịu nghỉ ngơi, vì ông bảo bóng chuyền đã ngấm vào máu rồi. Không huấn luyện Ngọc Hoa, Bích Trâm, Tuyết Hoa… nữa, thì ông về đào tạo VĐV trẻ giúp đội bóng này. Đối với ông, còn ngày nào gắn bó, cần phải nhiệt huyết đến cùng…


Rời đội lớn Bình Điền Long An, nhường sân cho những người trẻ hơn, nhưng HLV Lương Khương Thượng chưa chịu nghỉ ngơi, vì ông bảo bóng chuyền đã ngấm vào máu rồi. Không huấn luyện Ngọc Hoa, Bích Trâm, Tuyết Hoa… nữa, thì ông về đào tạo VĐV trẻ giúp đội bóng này. Đối với ông, còn ngày nào gắn bó, cần phải nhiệt huyết đến cùng…

HLV Lương Khương Thượng (bìa trái) tìm kiếm tài năng bóng chuyền tại Đồng Nai.
Năm nay, ông “già gân” Lương Khương Thượng lại rong ruổi khắp các thôn, ấp, xã, huyện ở miền Tây để tìm kiếm tài năng cho đội bóng chuyền Bình Điền Long An. Từ đầu năm đến giờ, ông Thượng đã “gom” được gần 30 VĐV khắp lục tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, chủ yếu ở các lứa tuổi từ 12-14 và có chiều cao từ 1m70-1m75. Với nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm như ông Thượng, chiều cao theo dự đoán tuổi xương, có thể lên đến 1m80 hoặc hơn nữa trong vòng 4-5 năm.
Đào tạo trẻ đối với đội bóng Bình Điền Long An luôn rất quan trọng, đấy là lý do, phía sau những Ngọc Hoa, Ánh Nguyệt, Bích Trâm, Tuyết Hoa… đã có những Trần Thanh Thúy, Dương Thị Hên và nhiều tuyến VĐV năng khiếu triển vọng khác nữa. Ông Thượng bày tỏ: “Nếu không quan tâm đào tạo trẻ, chẳng ai làm nổi bóng chuyền đỉnh cao quá 5 năm. Lứa này chưa chững lại về chuyên môn, đã phải có tuyến kế cận thế vào thì mới giữ được sự ổn định cho lực lượng của đội bóng. Tôi vốn không thích làm kiểu “ăn xổi”, mượn hay thuê quân này nọ để đối phó cho qua chuyện, mà phải đào tạo đến nơi, đến chốn. Cứ làm và nhiệt tình với công việc, tự khắc sẽ có ngày thành công”.
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy (17 tuổi), hiện cao tới 1m90 và được đánh giá là tương lai của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng đã được ông Thượng phát hiện trong những đợt tuyển quân khắp các tỉnh, thành như thế. Nhưng nói như ông Thượng, nếu chỉ dựa vào sức của ông, rất khó phát hiện ra những VĐV như kiểu Ngọc Hoa hay Thanh Thúy. Thành ra, luôn có một đội ngũ CTV khắp nơi giúp ông “ngắm giò” các cô bé thích bóng chuyền và sở hữu chiều cao vượt khung so với bạn bè cùng trang lứa, trước khi ông Thượng trực tiếp về cơ sở để đánh giá.
May mắn là ông Thượng có học trò ở khắp nơi, vì ông từng là giảng viên, rồi Trưởng phòng đào tạo của Trường Đại học TDTT TPHCM trước đây, nên khi cần tuyển quân để bổ sung cho các tuyến năng khiếu của Bình Điền Long An, ông đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và chân thành.
Ông Huỳnh Quang Vinh - Giám đốc Công ty Thể thao Bình Điền - thừa nhận sở dĩ đội bóng Long An luôn có nguồn cung dồi dào là nhờ vào tài tuyển quân của ông Thượng, của cô Hiền hay đội ngũ HLV chuyên đào tạo VĐV trẻ khác nữa. Đấy là một trong những yếu tố quan trọng mà đội bóng Bình Điền Long An đang hướng đến con đường chuyên nghiệp thực sự.
                                                                       ***
Ở làng bóng chuyền nữ, còn có một cái tên nữa cũng khá mát tay về công tác đào tạo trẻ là HLV Nguyễn Thúy Oanh. Trước, bà Oanh cùng các HLV từng giúp bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin phát hiện và đào tạo ra nhiều tài năng, trong đó có các tay đập nhiều lần khoác áo ĐTQG như Phạm Thị Thu Trang, Trần Thu Trang, Đỗ Thị Minh, Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung…
Nhưng, nói về chuyện tuyển quân, bà Oanh (giờ đang huấn luyện cho các tuyến trẻ của đội Ngân hàng Công thương) cho biết khó khăn là thường trực. “Tuyển quân phải phát tờ rơi, đăng tin trên báo Hoa học trò, các báo chuyên về thể thao và cả trên truyền hình mà chưa ăn thua. Tôi phải đi nhiều nơi, nhờ nhiều trường phổ thông và đội ngũ CTV đông đảo mới tìm ra VĐV triển vọng, có năng khiếu và đam mê bóng chuyền thực sự. Nhọc nhằn nhưng rất thú vị, vì sau vài năm huấn luyện, các cháu cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, sẵn sàng thay thế cho các chị lớn khi cần”, bà Oanh tâm sự.
Khi bóng chuyền Việt Nam bắt buộc phải chuyển hướng, tạm thời loại ngoại binh khỏi hệ thống giải đấu chính thức, hầu hết các đội bóng đều nhận ra mình đang thiếu hụt VĐV kế cận nghiêm trọng. Các HLV bắt đầu chạy đua kiếm quân, thậm chí đề nghị địa phương không dồi dào tiềm lực tài chính chuyển nhượng “lúa non” - những VĐV trẻ chưa được huấn luyện bài bản - để tạo dựng nền tảng, có đà xây dựng kế hoạch về lâu dài.
 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều