Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam: Một năm nhìn lại !

Năm 2013,làng  bóng chuyền Việt Nam với nhiều sự kiện thăng trầm có lẽ buồn nhiều hơn vui. Hãy cùng Volleyball.vn điểm lại những sự kiện nổi bật nhất:


Năm 2013,làng  bóng chuyền Việt Nam với nhiều sự kiện thăng trầm có lẽ buồn nhiều hơn vui. Hãy cùng Volleyball.vn điểm lại những sự kiện nổi bật nhất:

1- Bỏ được ngoại binh khỏi giải đấu VĐQG, giúp phát huy nội lực

Mặc dù quy định “cấm ngoại binh” chỉ được LĐBCVN áp dụng ở giải VĐQG, còn ở các giải Cúp CLB hoặc giải mời thì các đội bóng vẫn được sử dụng các cầu thủ ngoại theo quy định cũ (không được sử dụng cùng lúc hơn 2 ngoại binh), song quy định mới đã mang lại nhiều thay đổi cho bóng chuyền Việt Nam. Thay đổi đầu tiên là quy định mới sẽ ảnh hưởng đến chiến lược nhân sự của các CLB, đặc biệt là “Căn bệnh” sính ngoại. Các CLB sau một mùa giải ít nhiều đã thấm thía đến việc sử dụng các VĐV nội, cũng như công tác đào tạo các tài năng trẻ, thay vì chỉ vung tiền ra mua về một hai chủ công ngoại xuất sắc. 

2- Xuất hiện những gương mặt trẻ giàu triển vọng: Từ Thanh Thuận, Trần Thị Thanh Thúy...

Bóng chuyền nữ Việt Nam với lứa đàn chị đang có sự chững lại. Nhưng ở nhóm dưới lại xuất hiện một số gương mặt trẻ có triển vọng và nếu được đầu tư, bồi dưỡng tốt như: Bùi Thị Ngà, Lê Thanh Thúy, Hà Ngọc Diễm, Dương Thị Nhàn  nhưng có lẽ đáng chú ý nhất chính là Trần Thị Thanh Thúy, tay đập lần đầu tiên xuất hiện tại sân chơi chuyên nghiệp cao 1m89 của VTV BĐLA.

Bên sân chơi của nam, tay đánh đáng chú ý nhất không ai khác chính là Từ Thanh Thuận. Không chỉ thi đấu tốt tại giải VĐQG, SEA Games vừa qua chính Thuận đã tỏa sáng giúp đội tuyển nam có tấm HCĐ quý giá.

3- Đội nam Tập đoàn dầu khí QG bỏ cuộc

Việc làng bóng chuyền Việt Nam mất đi CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia là một cú sốc lớn với nhiều người, đặc biệt là những người trong cuộc. Kể từ khi được thành lập 5 năm nay, CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia là một điểm sáng về xã hội hóa trong thể thao, là điểm đến mơ ước của rất nhiều cầu thủ. Vì thế, đã có rất nhiều VĐV dứt áo CLB cũ để đến với đội bóng mới đầy tham vọng Tập đoàn dầu khí quốc gia. Điều đáng nói, ở thời điểm mới thành lập CLB, lãnh đạo tập đoàn Dầu khí đã hứa rất nhiều, thậm chí khẳng định sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho các VĐV tại tập đoàn, sau khi giải nghệ.

Thế nhưng, tất cả chỉ là lời hứa và giờ đang là một bi kịch với mấy chục con người, bị đẩy ra đường không thương tiếc. Đau lòng nhất, là trường hợp của cây chuyền hai xuất sắc nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam Đặng Thị Hồng.

4- Cơ quan đầu não của BCVN là VFV chưa phát huy được vai trò đầu tàu, vẫn để làng bóng chuyền mất định hướng, Chính "thượng tầng quản lý" của VFV không ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên làng bóng chuyền Việt Nam có thời điểm rơi vào trạng thái hỗn loạn và mất phương hướng hành động. Quyền lực chỉ nằm trong tay một vài cá nhân, khiến sức mạnh tập thể (vốn là ưu thế trước đây) giảm sút đáng kể, giảm đến mức nhiều người tâm huyết bắt đầu tỏ ra chán nản, không còn đưa ra những ý kiến tư vấn mang tính chiến lược cho bóng chuyền nữa. Dấu ấn của VFV trở nên nhạt nhòa, trong cả năng lực quản lý lẫn điều hành hoạt động của làng bóng chuyền. Điểm sáng đáng kể nhất của mùa bóng 2013 của VFV chính là đã áp dụng quy định các đội bóng ở giải VĐQG phải có đội bóng trẻ, quy định này vô hình buộc các CLB vào khuôn khổ phát triển bền vững, có lớp lang và dựa trên nền tảng cơ bản. 

5- Tập trung đội tuyển trẻ dài hạn

Đây là năm đầu tiên VFV có chiến lược dài hạn tập trung cho bóng chuyền nữ. 16 VĐV độ tuổi dưới 18 ở các CLB khác nhau đã được tập trung ăn học và luyện tập tại trung tâm HLTTQG I dưới sự dẫn dẵn của chuyên gia người Trung Quốc và bà trợ lí Nguyễn Thị Hiền. Tuy chưa tập trung được hết toàn bộ các tay đập trẻ triển vọng hiện nay do có nhiều lí do khác nhau, nhưng đó được xem là một trong những nỗ lực của VFV trong bối cảnh bóng chuyền đang loạn cào cào.

6- Thông tin LVPB thống trị mọi giải đấu trong nước

Giải nam hấp dẫn, tạo được nhiều dấu ấn, đặc biệt là cú soán ngôi ngoạn mục của đội Đức Long Gia Lai tại giải VĐQG. Trong khi đó, giải nữ mùa này có vẻ chững lại, ít xuất hiện nhân tố triển vọng và việc Thông tin LVPostbank tiếp tục thống trị trên đỉnh khiến giới quan sát mất cảm hứng vì chẳng có điều gì mới đáng để bàn luận.

Ngôi Hậu mà các cô gái Thông tin LVPostbank vừa giành được ở giải VĐQG đã là danh hiệu thứ 7 trong năm của họ, cũng đồng thời là cúp vô địch thứ 7 trong vòng 10 năm trở lại đây. Đội bóng này không tìm được đối thủ xứng tầm ở sân chơi trong nước, tính cả về sự chuẩn bị lực lượng cũng như về trình độ chuyên môn và khả năng “cày ải” ở khắp các mặt trận.

7- Tranh cãi ở các danh sách tập trung ĐT nam và nữ trước thềm các giải đấu quan trọng

Lâu nay VFV chưa đưa ra chiến lược dài hạn, lợi ích nhóm xuất hiện khiến cho mỗi lần công bố danh sách tập trung các đội tuyển ở các giải đấu khác nhau đều xảy ra tranh cãi. Từ HLV đến VĐV, chưa bao giờ bản danh sách có thể làm hài lòng phần đông khán giả hâm mộ. Các giải đấu của đội tuyển Việt Nam, đâu là mục tiêu cụ thể ? Giải đấu nào là nhằm mục tiêu lấy thành tích ? Giải đấu nào mang tính chất cọ sát, học hỏi ? Chính việc không xác định được mục tiêu rõ ràng, là nguyên nhân chính cho việc bất ổn và sự lựa chọn chính xác về nhân sự của đội tuyển bao năm nay và điều này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí trong thời gian dài. Nổi cộm nhất là danh sách tập trung đội tuyển bóng chuyền nam chuẩn bị cho SEA Games 27. HLV Bùi Quang Ngọc khi đó tỏ ra khá bức xúc khi đội bóng đương kim VĐQG chỉ có 1 cầu thủ được gọi lên tuyển.

8- Chủ công Nguyễn Hữu Hà từ giã sự nghiệp ở ĐTQG

Tròn 10 năm Hữu Hà đến với bóng chuyền đỉnh cao. Mỗi lần thấy anh trên sân lại là một lần khán khả bị mê mẩn bởi lối chơi máu lửa đầy cống hiến. Hữu Hà chơi bóng chuyền bằng niềm đam mê, chính niềm đam mê đó thôi thúc anh tự giác tập luyện và chính ý thức trong tập luyện lại đưa anh đến thành công. Giá trị thành công lâu dài và bền vững mà chắc sẽ còn rất lâu nữa mới có một VĐV nam nào mới có thể vượt qua được. Bước sang tuổi 33, SEA Games 27 cũng là SEA Games cuối của bản thân Hữu Hà với những gì đã thể hiện, một lần nữa dấu ấn của bóng chuyền nam lại nhớ đến tên anh.

9- Đội tuyển nam đoạt HCĐ ở SEA Games và có cuộc chuyển giao thế hệ hoàn hảo.

Sau 2 kỳ SEA Games trắng tay, bóng chuyền nam bước vào SEA Games với tâm thế của đội bóng chiếu dưới trong bố cảnh thiếu vắng chủ công Ngô Văn Kiều. Tuy nhiên dưới sự đoàn kết, đồng lòng bóng chuyền nam Việt Nam đã có được tấm HCĐ đầy thuyết phục. Đặc biệt hơn nữa, khi bóng chuyền nam đã có cuộc chuyển giao thế hệ hoản hảo từ Hữu Hà cho đàn em Thanh Thuận, Văn Phương, Quang Khánh...

10- Sát nhập Vietsov Petro vào với Bia Sài Gòn-TBD thành đội Bia SG-Vietsov Petro

Giữa năm, đội nam Tập đoàn dầu khí giải thể, đẩy rất nhiều VĐV vào thế tiến thoái lưỡng nan, đôn đáo tìm kiếm đội bóng mới để đầu quân. Đến cuối năm, nghĩa là vừa đoạt được tấm HCĐ ở giải VĐQG 2013 cách đây chưa lâu, các cô gái Vietsov Petro lại trở thành nạn nhân thứ hai, không bi đát như các đồng nghiệp nam khi sát nhập với Bia Sài Gòn-TBD nhưng một năm bỏ 2 đội, quả là một cú sốc lớn đối với làng bóng chuyền. 

11- Các gương mặt Nguyễn Thi Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Kim Liên trở thành VĐV nữ đầu tiên xuất ngoại

Trước đây, bóng chuyền Việt Nam từng có trường hợp của chủ công Ngô Văn Kiều thi đấu ở giải vô địch Indonesia. Tuy nhiên, khi đó Kiều xuất ngoại theo thỏa thuận đổi VĐV giữa CLB của xứ vạn đảo với CLB Sanest Khánh Hòa. Có nghĩa, để sở hữu được chủ công số 1 của Việt Nam, đội bóng Indonesia phải nhả ra 2 VĐV xuất sắc của họ cho Sanest Khánh Hòa thi đấu ở giải VĐQG Việt Nam.

Nhưng dù sao, Ngô Văn Kiều cũng chính là VĐV bóng chuyền đầu tiên xuất ngoại. Giờ đây, Đỗ Thị Minh và Kim Liên là các trường hợp tiếp theo, nhưng là những người đầu tiên của bóng chuyền nữ xuất ngoại. Thi đấu cho đội Idea Khonkaen, lương của Minh và Liên không dưới 3.000 USD/tháng và thời hạn kéo dài đến tháng 4-2014.

Chưa dừng lại ở đó, phụ công xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay là Nguyễn Thị Ngọc Hoa tới đây cũng sẽ gia nhập làng bóng chuyền nữ Thái Lan, thi đấu trong màu áo của CLB Ayutthaya với mức lương trên 3.000 USD/tháng, chưa kể tiền vé máy bay khứ hồi về Việt Nam sau mỗi tuần thi đấu cũng như tiền thưởng nếu CLB thắng trận.

Với việc có 3 VĐV nữ được xuất ngoại thi đấu tại Thái Lan, có lẽ là điểm sáng và sự kiện nổi bật cuối cùng khép lại một năm với BCVN.

 

Thanh Lâm - Hưng Hà


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều