Tiêu đề của website

Bóng chuyền VTV Bình Điền Long An cố gắng vượt qua vùng trũng

Khi mà Giải bóng chuyền VĐQG không còn được quan tâm và sức hấp dẫn cần thiết thì ngay cả với nhà đương kim vô địch 2 năm liên tiếp là VTV Bình Điền Long An cũng không lấy gì làm mặn mà. Bởi dù là chủ nhà của vòng 2 và vòng chung kết giải VĐQG năm nay nhưng đội bóng của HLV Nguyễn Quốc Vũ chấp nhận vắng mặt tay đập số 1 Việt Nam là Trần Thị Thanh Thúy để VĐV sinh năm 1997 sang Nhật Bản khoác áo CLB Denso Denso Airy Bees. Đội bóng Long An không thuê mướn bất cứ VĐV nào khác và chỉ sử dụng các VĐV trẻ do chính trung tâm này đào tạo.


Bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An đang cố gắng vượt qua vùng trũng.

Thực tế ngay cả với môn bóng chuyền ở SEA Games cũng không còn nhiều sự hấp dẫn khi bóng chuyền Đông Nam Á ngoại trừ Thái Lan vẫn bị coi là vùng trũng. Nhìn số lượng các đội rút dần theo thời gian là đủ thấy, ngay cả với bóng chuyền nữ Philippines, SEA Games 30 tổ chức ngay trên chính sân nhà nhưng 2 VĐV giỏi nhất của họ là chị em nhà Santiago cũng đều vắng mặt khi bận thi đấu tại Nhật Bản.

Gần 20 năm trước, trình độ của bóng chuyền nữ Thái Lan chỉ ngang ngửa Việt Nam. Nhưng càng về sau này, Thái Lan phát triển cực mạnh và vượt ra khỏi 'biên giới' Đông Nam Á để đạt đẳng cấp châu Á, đến gần đấu trường thế giới. Chiến lược phát triển bài bản và khôn ngoan được duy trì suốt gần 2 thập kỷ qua chính là mấu chốt cho thành công của người Thái… Hầu hết các VĐV giỏi nhất của bóng chuyền nữ Thái Lan hiện nay ở thời kỳ đỉnh cao đều không thi đấu ở giải VĐQG mà chuyển qua đánh thuê cho những CLB ở châu Âu nhằm nâng cao trình độ và cải thiện thu nhập. Bởi vậy, khi mà trình độ đã đạt tới ngưỡng đỉnh cao những Nootsara, Pleumjit, Onuma… quay trở lại đấu trường quốc nội hay những giải đấu châu Á đều đem lại những thành công nhất định. Trong đó đỉnh cao là chức vô địch châu Á 2009 và 2013 khi người Thái đánh bại những đàn chị lớn là Trung Quốc và Nhật Bản.

Quay lại giải VĐQG năm nay nhận thấy rõ một điều, chất lượng chuyên môn không đi lên khi lối chơi của các đội bóng còn khá đơn điệu, rất nhiều các VĐV mắc lỗi cá nhân cơ bản làm trận đấu trở nên rời rạc và thiếu sự thấp dẫn. Nhiều trận đấu kéo dài 4, 5 sét nhưng những pha bóng hay lại đếm trên đầu ngón tay, chính chất lượng chuyên môn thấp đã trở nên cần bằng chứ không phải là bóng chuyền đỉnh cao như người hâm mộ lâu nay vẫn chờ đợi.

Với bóng chuyền Việt Nam, nhìn từ gốc độ vĩ mô, sau SEA Games 2003, bóng chuyền Việt Nam đã có những thành tích đáng khích lệ cả ở nội dung nam lẫn nữ. Đáng lẽ ra, điều-đã-được-thấy ấy phải được nâng cấp, tiếp cận sớm hơn tới trình độ của bóng chuyền khu vực, thông qua việc xây một tổ chức Liên đoàn mạnh về con người, về tài chính, có chiến lược rõ ràng cho mỗi giai đoạn phát triển để phù hợp với khu vực, châu lục. Tiếc một điều rằng bóng chuyền chỉ lo bảo vệ thành tích ở đấu trường SEA Games và rồi tụt dốc không phanh.

Với bóng chuyền VTV Bình Điền Long An, việc vắng mặt của Thanh Thúy trong một mùa giải có thể thụt lùi về thành tích và đó cũng là điều bất lợi với lợi ích trước mắt của một CLB. Thế nhưng, khi mà nhìn xa hơn, cô gái sinh năm 1997 vẫn còn rất trẻ, những gì mà Thanh Thúy học được từ những quốc gia có nền bóng chuyền phát triển sẽ còn nhiều thời gian để bù đắp cho VTV Bình Điền Long An nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung trong tương lai không xa.


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều