Vắng mặt nhiều nhân tố lớn, bóng chuyền Nhật Bản hứa hẹn đối mặt với nhiều thách thức, và tất nhiên cùng với đó là những vận hội mới kể từ mùa giải 2017.
Bóng chuyền nữ Nhật Bản và cuộc chuyển giao đầy nước mắt
Viên ngọc châu Á
Nhật Bản trong quá khứ từng là một cường quốc bóng chuyền với những thành tích lẫy lừng ở nhiều sân chơi lớn cấp độ thế giới. Trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, bóng chuyền nữ Nhật Bản đã từng 2 lần giành HCV Olympic (Tokyo 1964 và Montreal 1976). Ngoài ra họ còn 3 lần khác giành chức VĐTG (1962, 1967, 1974).
Trong những năm 80-90, với sự vươn lên mạnh mẽ của Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Cuba và cả Brazil, bóng chuyền nữ Nhật Bản đã không duy trì được vị thế vốn có. Kể từ sau chức VĐTG năm 1974, Nhật Bản chỉ 1 lần duy nhất lọt vào chung kết vào năm 1978 và thua Cuba với tỷ số trắng 0-3.
Bóng chuyền nữ Nhật Bản trong 3 năm đã giành 2 tấm HCĐ danh giá ở giải VĐQG 2010 và Olympic 2012. Ảnh: Internet.
Ở đấu trường Olympic, kể từ sau tấm HCV tại Montreal (Canada) năm 1974, Nhật Bản trải qua 8 kỳ Olympic liên tiếp - tức cho đến năm 2008 mà không có lần nào vào nổi top 3. Nhật Bản được xem là nơi khai sinh ra miếng đánh nhanh sau đầu và bài đánh chồng giữa lưới lừng lẫy nhưng họ trở nên yếu thế khi Brazil, Trung Quốc, Cuba - những đội có lợi thế vượt trội về chiều cao nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa nói trên.
2010 - 2012: Giai đoạn nhắc nhớ thời kỳ "vàng son"
Dưới triều đại của HLV Masayoshi Manabe, bóng chuyền Nhật Bản đã tái thiết lại một đội hình khiến nhiều người nhớ về thời kỳ vàng son cách đó mấy chục năm. Người hâm mộ bóng chuyền trên toàn thế giới dần biết đến nhiều hơn những cái tên như Yoshie Takeshita, Yuko Sano, Kimura Saori, Hitomi Nakamichi, Erika Araki, Ishida Mizuho, Inoe Kaori, Yukiko Ebata, Ai Otomo, Megumi Kurihara, Mai Yamaguchi và Risa Shinnabe.
Đội hình thế hệ vàng của Nhật Bản giai đoạn 2010-2012. Ảnh: Internet.
Cùng với nhau, những "huyền thoại đương thời" nói trên đã xuất sắc mang về tấm HCĐ lịch sử ở giải VĐTG 2010 ở Tokyo. Hai năm sau đó, bóng chuyền nữ Nhật Bản xuất sắc đánh bại Trung Quốc với tỷ số 3-2 ở tứ kết Olympic Luân Đôn 2012, sau đó thắng thuyết phục Hàn Quốc với tỷ số 3-0 ở trận tranh HCĐ. Hai tấm HCĐ trong vòng ba năm, bóng chuyền nữ Nhật Bản có lúc đứng thứ 2 thế giới và cho thấy họ đang từng bước trở lại vị thế của một cường quốc.
Những cuộc chia tay
Sau tấm HCĐ lịch sử ở Olympic Luân Đôn, cây chuyền hai huyền thoại Yoshie Takeshita chính thức giã từ ĐTQG để chăm lo cuộc sống gia đình và tập trung vào công tác huấn luyện. Libero Yuko Sano sau khi giành danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất" ở FIVB World Grand Prix 2014 cũng nối gót người đồng nghiệp tuyên bố giải nghệ.
Xen lẫn vào hai cuộc chia tay lớn nói trên là những lời tạm biệt trong âm thầm. Ai Otomo kể từ sau kỳ Olympic 2012 thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong vài trận đấu giao hữu, nhưng tần suất của cô ngày một ít dần và đến nay đã nghỉ hẳn. Ishida, Inoe, Kurihara, Risa vài năm qua đều vắng bóng ở danh sách cuối cùng. Trong khi Araki hay Yamaguchi cho đến nay vẫn còn thi đấu nhưng tầm ảnh hưởng của họ ở các giải quốc tế có sự tham dự của Nhật Bản đã không còn lớn như trước.
Những nhân tố mới
Saori - chủ công có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật Bản. Ảnh: Internet.
Đầu tháng 6 vừa qua, Liên đoàn bóng chuyền Nhật Bản công bố danh sách tập trung gồm 26 VĐV nhằm chuẩn bị cho những mục tiêu quan trọng ở giai đoạn cuối năm 2017. Vị trí HLV trưởng được chuyển từ ông Manabe về tay bà Kumi Nakada.
Danh sách lần này cho thấy sự trẻ hóa triệt để khi 23/26 VĐV thuộc lứa sinh từ năm 1990 trở về sau. Bên cạnh sự trở lại của Risa Shinabe - đối chuyền với khả năng bước 1 vững vàng và Nana Iwasaka - phụ công cao nhất hiện nay của bóng chuyền Nhật Bản, là những cuộc chia tay đầy nước mắt, cụ thể là sự vắng mặt của đội trưởng Saori Kimura.
Saori được biết đến là mẫu chủ công toàn diện với chiều cao lý tưởng (1m85) cùng khả năng đánh lách chắn thông minh và nền tảng bước 1 ổn định. Trong gần 14 năm qua cô luôn có tên trong ĐTQG Nhật Bản và là "công thần" trong hai tấm HCĐ của Nhật Bản. Bên cạnh đó, mũi đánh 3m Saori Sakoda cũng vắng mặt, đội hình thế hệ vàng ngày ấy của Nhật Bản hiện chỉ còn 2 cái tên là Araki và Shinnabe.
Đầu tháng 7 này, Nhật Bản sẽ tham dự giải bóng chuyền thường niên FIVB World Grand Prix 2017, đối thủ của họ đều là những "thứ dữ" như Serbia, Brazil, Nga, Trung Quốc. Với một đội hình trẻ về tuổi đời, hạn chế về chiều cao và kinh nghiệm quốc tế chưa nhiều, đây sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các cô gái trẻ Nhật Bản trui rèn, tiếp bước các đàn chị để viết lên những trang sử mới.