Tiêu đề của website

Bất thường hiện tượng nhiều tuyển thủ bóng chuyền gặp chấn thương

Sau Hoàng Văn Phương, Âu Hồng Nhung… làng bóng chuyền lại vừa phải nhận hung tin khi phụ công triển vọng hàng đầu của BCVN là Bùi Thị Ngà sẽ phải lên bàn mổ phẫu thuật do đứt dây chằng chéo trước.


Sau Hoàng Văn Phương, Âu Hồng Nhung… làng bóng chuyền lại vừa phải nhận hung tin khi phụ công triển vọng hàng đầu của BCVN là Bùi Thị Ngà sẽ phải lên bàn mổ phẫu thuật do đứt dây chằng chéo trước.

Chấn thương lạ của Văn Phương

Trong 2 năm 2013 và 2014, Hoàng Văn Phương được coi là chủ công nam hay nhất nước, góp công lớn giúp Thể Công vô địch quốc gia còn ĐTVN tái chiếm chiếc HCĐ SEA Games. Thế nhưng, sự nghiệp đang lên của “búa máy” cao 1m 93 này đã gặp biến cố lớn, khi bất ngờ dính chấn thương dây chằng trong đợt tập huấn tại Thái Lan chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối 2014.

Chấn thương sau đó càng trở nên tồi tệ vì Phương cố gắng cày ải để cùng đội bóng Quân đội giành tấm HCV Đại hội. Hơn 1 năm qua, dù đã được phẫu thuật, bản thân luôn quyết tâm nỗ lực, tuyển thủ sinh năm 1989 vẫn chưa thể quay trở lại.

Theo đánh giá, khả năng để anh có thể tập luyện, thi đấu rất thấp, vì khu sụn đầu gối không tiết dịch nhờn như bình thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vận động nặng. Loại chấn thương của Phương thuộc diện hiếm, khiến anh đang đứng trước nguy cơ phải giải nghệ ở tuổi đẹp nhất nghiệp đấu.

Âu Hồng Nhung 2 lần mổ gối

Ngay trước thềm SEA Games 28, chủ công đa năng đặc biệt Âu Hồng Nhung thấy nhói đau rồi đau kéo dài ở đầu gối sau một cú nhảy lên đập bóng trong một buổi tập nhẹ. Theo kết quả kiểm tra bác sĩ, tuyển thủ của Thông tin LienVietPostBank bị bong sụn đầu gối nặng, một hình thức tái phát của đứt dây chằng đầu gồi mà Nhung gặp phải từ 2012. Nhung đã phải phẫu thuật rồi mất một thời gian dài vận lộn để hồi phục chấn thương.

Chủ công Hồng Nhung

May mắn hơn Hoàng Phương, chị đã có thể quay lại thảm tập từ cuối năm ngoái, và gần đây bắt đầu vào sân tranh tài, tất nhiên chỉ ở mức nhẹ nhàng và giữ chân.

Việc Nhung có lấy lại được phong độ đỉnh cao hay không hãy còn để ngỏ, phụ thuộc rất nhiều vào cái đầu gối đã qua 2 lần mổ của mình. Rất đáng lo cho Nhung, bởi nếu lỡ đầu gối tái phát chấn thương thêm một lần, chưa biết điều tồi tệ gì sẽ xảy ra.  

Báo động đỏ

Hồng Nhung vừa hồi phục kèm theo nhiều nỗi lo, ĐKVĐQG Thông tin lại vừa nhận hung tin khi phụ công hàng đầu Việt Nam Bùi Thị Ngà gặp chấn thương nặng. Cũng xuất phát từ hiện tượng đau đầu gối, tưởng như phụ công 22 tuổi có thể hình, thể lực phi phàm nhất làng bóng chuyền nữ chỉ bị trẹo gối song sự thật lại tồi tệ hơn nhiều.

Ngà bị đứt dây chằng chéo trước chân trái, mà theo bác sĩ chuyên ngành cần phải tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt nhằm tránh những hậu quả tiêu cực lâu dài. Có thể ngay tuần tới, Ngà sẽ phải lên bàn mổ, đồng nghĩa mất ít nhất lượt đi của mùa giải VĐQG.

Phụ công Bùi Thị Ngà

Nhiều trường hợp chấn thương liên tiếp, điển hình với một số tuyển thủ quốc gia đã chứng tỏ câu chuyện phòng chống chấn thương của bóng chuyền Việt Nam đáng báo động tới mức nào. Từ các ĐTQG tới CLB dường như đều đang để hổng cả mảng quan trọng này, gắn với sự chủ quan hời hợt của chính những người trong cuộc, cùng sự thiếu vắng các điều kiện đảm bảo.

Nhìn lại các ca chấn thương của Phương, Nhung, hay kể cả Văn Kiều khi trước có thể thấy rõ tình trạng chậm trễ, yếu kém trong phát hiện, điều trị, hồi phục. Bản thân các tuyển thủ, rồi thậm chí chính những ông thầy đã góp một phần dẫn đến chấn thương, hay chấn thương trở nên nghiêm trọng, khó hồi phục khi việc tập luyện, thi đấu luôn theo kiểu cày ải, quá tải, thiếu khoa học.

Tất cả đều chỉ được nhìn nhận đơn giản là… bị chấn thương và đen đủi.

Các CLB bóng chuyền dự giải VĐQG đều có nhân viên y tế song đều chỉ chuyên xoa bóp và sơ cứu thông thường, chứ không hỗ trợ được gì liên quan đến mảng thể lực, sức khỏe, phòng chống, chữa trị chấn thương. Họ càng không, kể cả về về vị thế lẫn khả năng, để có bất cứ tiếng nói trong chương trình tập huấn của đội hay quy trình điều trị hồi phục của một VĐV dính chấn thương.

 

Liều như… Văn Kiều

Trong làng bóng chuyền, không có cầu thủ nào bị chấn thương đủ loại và nặng như “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều: Tổn thương sụn chêm cả hai gối, rách gân chớp xoay vai, rách cơ bụng, lật cổ chân. Như tiết lộ của Kiều, suốt từ 2006 đến 2011, gần như trận thi đấu nào anh cũng phải uống và trích thuốc giảm đau. Bác sĩ nào khi khám cho Kiều cũng khuyên anh cần phải phẫu thuật ngay.

Chủ công Ngô Văn Kiều (áo vàng)

Thế nhưng mãi đến 2012, anh mới cỏ thể sang Singapore phẫu thuật  một phần vì kinh phí, phần nữa phải tập luyện thi đấu liên miên ở CLB lẫn ĐTQG. Chính các bác sĩ Singapore khi tiếp nhận Kiều cũng phải hãi vì tuyển thủ Việt Nam đã dứt hết cơ bụng, chỉ còn gân. Kiều được chỉ định phẫu thuật ngay, với 5 con vít và 15 mũi khâu.

Sau ca mổ tốn kém 30.000 USD, đáng kinh ngạc, Văn Kiều chỉ mất mấy tháng để lấy lại nguyên vẹn thể lực cùng phong độ đỉnh cao để tiếp tục tập luyện, thi đấu đến tận bây giờ. Thậm chí, ngay mùa năm ngoái, anh còn tạo nên một bùng nổ để đưa Sanest Khánh Hòa tới ngôi Á quân quốc gia.

Tuy nhiên, có lẽ trường hợp của Kiều chỉ có 1 không 2, bởi không ai có thể có cả cơ địa lẫn sự may mắn đặc biệt như anh.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều