Tiêu đề của website

Từ cú sốc bóng chuyền Việt Nam bị loại khỏi Asian Games 2014: MUỐN CŨNG KHÔNG ĐƯỢC

Giới bóng chuyền chưa thôi bức xúc khi không có đại diện góp mặt ở sân chơi châu lục, dù ở thời điểm này, đang cần những giải đấu trình độ cao để kích thích sự phát triển của những gương mặt trẻ, cả nam lẫn nữ.


Giới bóng chuyền chưa thôi bức xúc khi không có đại diện góp mặt ở sân chơi châu lục, dù ở thời điểm này, đang cần những giải đấu trình độ cao để kích thích sự phát triển của những gương mặt trẻ, cả nam lẫn nữ. Quyết định cắt suất bóng chuyền đến Hàn Quốc, theo tìm hiểu của SGGP Thể Thao, xuất phát từ một vài cá nhân chứ không có sự tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn...

Từ Thanh Thuận và rất nhiều VĐV khác đã bị tước đoạt đi cơ hội cọ xát quý báu. Ảnh: Dũng Phương

DƯ SỨC XÃ HỘI HÓA

Tổng cục TDTT khẳng định kinh phí không đủ để đưa nhiều đội tuyển đến Asian Games, nên động viên các môn có hoạt động Liên đoàn vận động tài trợ và nếu được thì đi theo diện xã hội hóa, chẳng hạn như đội tuyển golf quốc gia. Tức là bóng chuyền luôn có cơ hội, vì VFV trên thực tế được cho là Liên đoàn có khả năng tìm kiếm nguồn tài trợ dễ dàng hơn rất nhiều môn thể thao khác, chỉ xếp sau môn bóng đá.

Ngay từ đầu năm, kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho 1 trong 2 đội tuyển nam hoặc nữ dự tranh Asian Games đã được Ban chuyên môn xây dựng, chỉ chờ đến sau khi giải VĐQG 2014 kết thúc (tháng 7) là “bấm máy” lựa chọn nhân lực tập huấn và đợi ngày lên đường. Thế nhưng, đùng một cái, bóng chuyền mất suất trước thời điểm đăng ký danh sách sơ bộ với BTC Asian Games hồi tháng 6.

Điều này không chỉ khiến giới mộ điệu sốc, mà còn khiến các nhà chuyên môn xây dựng nên kế hoạch thất vọng. Qua báo chí, nhiều người thừa nhận họ mới biết được chuyện bóng chuyền phải ở nhà, chứ không diễn tiến theo lịch trình từ đầu năm. Đa số các ủy viên thuộc BCH và thậm chí là các ủy viên thường vụ của VFV đều không được thông báo về sự thay đổi này, cứ như thể họ là người thừa ở giữa cuộc chơi.

Xã hội hóa, tại sao không? Nhiều nhà chuyên môn đã thắc mắc như vậy. Trong bối cảnh đội tuyển nữ đang được trẻ hóa mạnh mẽ, đội tuyển nam xuất hiện những nhân tố giàu tiềm năng, thì Asian Games chính là đấu trường có thể giúp họ rèn luyện chuyên môn, xây đắp khát vọng vươn lên.

Bóng chuyền Việt Nam muốn tiến gần đến trình độ châu lục như người Thái Lan từng làm và đã thành công, thì rõ ràng đây là 1 trong những cơ hội thuận lợi. Song, quyết định bỏ lửng kế hoạch của VFV đã không nhận được sự hưởng ứng từ dư luận. VFV và ngay cả bộ môn bóng chuyền quốc gia phải có trách nhiệm cố vấn cho lãnh đạo Tổng cục TDTT về định hướng phát triển của môn mình, bảo vệ những cơ hội dù nhỏ nhoi nhất mới mong “phất” lên trong nay mai, đặc biệt là theo xu hướng xã hội hóa toàn diện như lúc này.

Tiếc thay, chuyện lại không diễn ra tốt đẹp như thế...

THIỆT THÒI CHO VĐV TRẺ

Đội tuyển nữ vừa chốt danh sách chuẩn bị cho Cúp bóng chuyền châu Á diễn ra vào tháng 9 ở Trung Quốc, vẫn với thành phần được trẻ hóa quyết liệt (chỉ còn 3 gương mặt kỳ cựu xuất hiện là Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh và Nguyễn Thị Xuân). Kể từ VTV Cup 2014, thành phần này được đánh giá cao, có triển vọng giúp bóng chuyền nữ Việt Nam thay đổi diện mạo thực sự ở các sân chơi châu lục. Nhưng họ vẫn phải ngậm ngùi làm khán giả của Asian Games 2014.

Đội tuyển nam cũng đang trong thời điểm chuyển giao, với sự tiến bộ trông thấy của các tay đập tài năng như Hoàng Văn Phương, Từ Thanh Thuận, Nguyễn Hoàng Thương, Phạm Thái Hưng, Nguyễn Văn Hạnh... Kể cả chủ công từng là số 1 như Ngô Văn Kiều cũng được đánh giá là đã “hồi tỉnh” sau một thời gian vật lộn với chấn thương và sa sút phong độ. Anh hay Hữu Hà vẫn rất hữu ích cho ĐTQG, cả trong việc dẫn dắt các đàn em đạt đến độ trưởng thành hơn.

Với khả năng chuyên môn như vậy, chẳng đến nỗi 2 đội tuyển nam và nữ làm mất mặt bóng chuyền ở Asian Games. Song, họ vẫn không có cơ hội để thể hiện khát vọng của mình, sau quyết định loại bỏ bóng chuyền khỏi cuộc hành trình đến Incheon 2014 của nhà quản lý.

 

THANH LÂM


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều