Tiêu đề của website

Giải bóng chuyền quốc tế Cup AVC 2014: TỪ THẤT BẠI ĐÃ THẤY RA NHIỀU ĐIỀU…

Giải bóng chuyền vô địch châu Á lần thứ 4 được tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc vừa kết thúc với vị trí hạng 8/8 cho đội Việt Nam (ĐTVN). Trăm nghe không bằng một thấy và dưới đây là những cảm nhận của chúng tôi.


Giải bóng chuyền vô địch châu Á lần thứ 4 được tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc vừa kết thúc với vị trí hạng 8/8 cho đội Việt Nam (ĐTVN). Trăm nghe không bằng một thấy và dưới đây là những cảm nhận của chúng tôi.

1. Công tác tổ chức

Giải đã diễn ra tại trung tâm thể thao Thâm Quyến, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, một địa điểm lý tưởng cho thi đấu đỉnh cao, từ chỗ ở là một khách sạn 5 sao cách xa các khu vực khác và hầu như rất biệt lập với địa danh nhiều hấp dẫn này. Trung tâm là một tổ hợp thể thao lớn, nằm nửa lộ thiên nửa trong lòng đất và những xe khách lớn chở VĐV đều đi sâu vào tận phía trong, nơi có 2 sân phụ để chuẩn bị cùng nhiều phòng ốc chức năng, nhà thi đấu chính sức chứa 16.000 người xem rất hiện đại, từ hệ thống loa phóng thanh khổng lồ trên trần nhà thi đấu đến mọi chi tiết và thiết bị khác đều tuyệt hảo.

Giải được chuẩn bị rất chu đáo từ nhiều ngày trước đó, 8 đội bóng tham dự gồm Trung Quốc, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam được đón tiếp và ăn ở tại khách sạn này với một hệ thống tình nguyện viên biết việc và nhiệt tình trong suốt những ngày thi đấu. Các trọng tài được mời từ nhiều nước (1 của Việt Nam) và khá đông hãng thông tấn, báo chí đã có mặt, điều hài lòng của chúng tôi là Giải không có lễ khai mạc cầu kì như thường thấy ở ta mà chỉ có cuộc họp chuyên môn gồm các trưởng đoàn và HLV trưởng cùng lãnh đạo AVC, Ban tổ chức, bắt đầu ngày 4-9 là khán giả mua vé vào xem và chẳng phải nghe một bài diễn văn chào mừng nào!

2. Tầm vóc của sân chơi châu Á

Nhà báo Nguyễn Lưu trả lời Đài TH Bắc Kinh.

Giải truyền thống đã diễn ra 4 lần, trong đó Thái Lan đã nhất 2 lần (2009 và 2012), còn lại là Trung Quốc vô địch, dù chỉ là sân chơi châu Á nhưng có những đại diện có vị trí cao trong bản đồ bóng chuyền thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, Giải diễn ra khi ASIAD 2014 tại Hàn Quốc đã cận kề nên các quốc gia đều có những tính toán khi tham dự sân chơi này. Cụ thế, Trung Quốc quyết tâm giữ HCV đã có tại ASIAD Quảng Châu 2010 khi thắng Hàn Quốc nên đã cử đội hình II tham dự, HLV nổi tiếng Lang Ping sau khi cùng BHL dẫn dắt tuyến hai của họ thắng cả 3 trận vòng loại đã lên đường đi nắm đội tuyển chính thức sắp dự ASIAD, trao việc lại cho ông HLV phó Xu Jiande. Đội chủ nhà ASIAD vẫn còn nguyên 2/3 đội hình chính với chủ công Kim Yeon-koung (10) và có lẽ chỉ có Kazakhstan và Iran là đầy đủ những gương mặt đã lớn tuổi. Ngoài ra, 4 đội Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam được xem là trẻ hơn và tham gia thi đấu với những mục tiêu khác nhau.

Trong một trao đổi ngắn cùng bà Lang Ping, người phụ nữ nổi tiếng, từng được Mỹ mời qua làm HLV trưởng và có công đưa tuyển Mỹ giành HCB Olympic 2008, cho biết bóng chuyền châu Á đang chuyển mình, nhiều tiến bộ song ở châu lục này, sự trồi sụt về thành tích là tương đối rõ hơn so với tính ổn định của nhiều nền bóng chuyền khác trên thế giới. Ngay đội truyển Trung Quốc, vô địch Olympic 2004 và kì Olympic trên sân nhà Bắc Kinh đã bị tụt xuống hạng 3 (sau Braxin, Mỹ), kéo theo sự ra đi của HLV Trần Hồng Hà…và có lẽ chỉ có Thái Lan là khá ổn định với vị trí thứ 12 của FIVB. Còn Thái Lan, tuy Kiattipong dẫn các cầu thủ trẻ của ông tới Giải nhưng những Onuma, Wilavan, Tomkon, Malika, Pleumjit…vẫn đang ở nơi tập huấn để chuẩn bị qua Hàn Quốc trong những ngày tới.

3. Long tranh hổ đấu

Tại bảng A (Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Iran), đội chủ nhà toàn thắng cùng tỷ số 3-0, tỏ rõ sức mạnh vượt trội. Tiếp sau là Hàn Quốc, họ chỉ thua chủ nhà và đều thắng 2 đội chiếu dưới mà không mất nhiều sức, thành thử chỉ có trận đấu giữa ĐTVN và Iran là thực sự gay cấn. Tại Giải, Iran cho thấy các cô gái theo đạo Hồi đã thật nhiều tiến bộ so với lần họ qua Việt Nam dự giải này tổ chức tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội. Chính điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về tốc độ phát triển của BCVN so với bạn bè.

Bảng B (Nhật Bản, Kazakhstan, Thái Lan, Đài Loan) khá cân sức. Sự khác biệt ở đây là lối đánh mang nét châu Âu của Kazakhstan dựa trên các VĐV có thể hình cao, tích cực bám lưới song thiếu linh hoạt trong xử lý bóng và rất dễ bị động trong các pha phản công của đối phương, so với lối chơi nhanh nhẹn, phòng thủ tốt và khá uyển chuyển của các cầu thủ châu Á, tiếc là 3 đội này đều chưa là tuyển quốc gia nên dẫn đến cái kết cục là Trung Quốc-Hàn Quốc ở tốp 2, hai đội Kazakhstan-Nhật Bản tranh 3-4, Thái Lan - Đài Loan tranh 5-6 còn Việt Nam-Iran tranh ngôi 7-8 (đội thắng đứng trước).

Về chuyên môn là không có gì mới, những đội bóng có nhiều “khủng long” vẫn giàu lợi thế, Giải chỉ có nét lạ từ kiểu chạy nhanh nhảy phát của Hàn Quốc cùng một chủ công tay chiêu hiệu quá là Chen Ting (11) của Đài Loan.

4. Tuyển Việt Nam

Khoảng trống mênh mông sau lưng 2 VĐV chắn bóng vì không ai bọc lót- dấu hiệu thường thấy ở ĐTVN (!)

Trình làng một ê-kip khá trẻ trung sau khi “cất” các lão tướng Phạm Yến, Ngọc Hoa, Kim Huệ, ĐTVN chỉ còn 2 cầu thủ già dặn là Nguyễn Thị Xuân (28 tuổi) và Đỗ Thị Minh (26 tuổi), tuổi quân bình là 20-21 và đã cho thấy họ là những tương lai của BCVN, nhất là các gương mặt trẻ như Trần Thanh Thuý, Hà Ngọc Diễm, Lê Thanh Thuý và Bùi Thị Ngà, Nguyễn Linh Chi. Họ đã thua 2 “đại gia” là điều tất nhiên, đã thắng Iran trong trận đấu rất đáng khen song để thua Nhật Bản, Thái Lan đều là đội bóng trẻ là đáng tiếc, nhất là cái thua trước Thái Lan thật khó mà chấp nhận khi đã 2 lần có cơ hội chiến thắng rõ ràng! Những người am hiểu chuyên môn có thể chỉ ra khiếm khuyết rất cơ bản từ 2 chủ công trẻ là Thanh Thuý và Ngọc Diễm, dù rất triển vọng và rất đáng yêu song Thuý cần được sửa lại động tác tấn công và Diễm cần học lại bài phòng thủ từ đầu. Ngoài ra, xem ĐTVN thi đấu chúng tôi dễ thấy mấy cái trí mạng:

-Bước một rất kém, chắn bóng kém.

-Tư thế khi phòng thủ chưa đúng, thụ động chờ bóng.

- Quá non yếu trong phán đoán bóng và yểm hộ kém.

-Thiếu quyết liệt trong thi đấu, nhiều VĐV có dấu hiệu hời hợt.

Có người cho rằng các cầu thủ ta còn trẻ nên non yếu về tâm lí là tất nhiên, rồi sẽ sửa, tuy nhiên nếu so sánh với các đội bạn, vì sao người ta cũng trẻ, thậm chí trẻ hơn ta (Thái Lan trẻ hơn mà chỉ một libero “già”) song đội bạn rất già dặn và chuyên nghiệp trên sân? Dự khán toàn bộ các trận đấu của Giải, trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Bá Nghị, là Phó chủ tịch Liên đoàn BCVN ngạc nhiên khi thấy tư thế chuẩn bị đỡ phát bóng và các miếng phối hợp của ĐTVN, kể cả cách chỉ đạo trận đấu mà ông cho là “khôn nhà dại chợ” của HLV Phạm Văn Long và tôi cho rằng nhận xét ấy là đúng.

Thay lời kết

Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chưa thể nói hết những suy nghĩ và lập luận. Dù xếp cuối giải và chuyến đi xem như thất bại nhưng BCVN đã và đang tiến bộ, rất cần sự động viên và rất nên tham dự những cuộc thi đấu như thế này, về phía liên đoàn BCVN, cần thấy rõ là tốc độ tiến bộ của chúng ta lại chưa kịp so với tốc độ tiến bộ và sự phát triển của bóng chuyền khu vực, đó là điều cần nhận ra và có những giải pháp phù hợp. 

 

NGUYỄN LƯU - Tạp Chí Thể Thao


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều